Góp phần cắt lũ cho đồng bằng
Công trình Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị có chức năng nhiệm vụ điều tiết lưu lượng dòng chảy để bổ sung nước tưới cho 12.281 ha lúa và 1.600 ha màu; cấp nước sinh hoạt, giảm lũ cho hạ du; cung cấp lên lưới điện quốc gia với công suất lắp đặt 64MW.
Công trình được xây dựng trên sông Rào Quán, có diện tích lưu vực 159 km2 là hồ có dung tích lớn nhất tỉnh Quảng Trị hiện nay, có tác dụng hết sức quan trọng trong việc điều hòa cấp nước cho hạ du vào mùa kiệt và phòng lũ với dung tích 30 triệu m3 nước.
Từ lúc khánh thành đến nay, những ngày đầu tháng 10/2020 là thời điểm công trình đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhất. Suốt từ ngày 6 - 12/10/2020, mưa với cường độ cực lớn liên tục đổ xuống khu vực miền Trung trong đó tỉnh Quảng Trị là vùng trọng điểm của thiên tai.
Lượng mưa đo được ở trạm đo mưa Hướng Sơn - trung tâm lưu vực là 1.907,6 mm, với lưu lượng đỉnh lũ đến hồ là .1324 m3 /s. Tiếp đó, đợt lũ từ ngày 13 - 17/10/2020 lượng mưa đo được ở trạm đo mưa Hướng Sơn là 1.320 mm, với lưu lượng đỉnh lũ đến hồ là 1.426 m3 /s.
Trước thời điểm đó, vào mùa hè hạn hán gay gắt nên khi mưa lũ xảy ra mực nước hồ chứa xấp xỉ mực nước chết (450 m), thế nhưng trong đợt lũ lịch sử này, mực nước dâng lên 477,89 m cao hơn mức bình thường 2,11m vào ngày 12/10/2020. Vì vậy, toàn bộ dung tích hồ đã được sử dụng để góp phần cắt trận lũ này, giúp giảm ngập lụt ở hạ du.
Theo đó, công ty điều chỉnh lưu lượng phù hợp trên cơ sở lượng nước đổ về hồ và tình hình ngập lụt ở hạ du. Với chủ trương đó, công ty tạo phần dung tích trống nhằm chủ động ứng phó, cắt lũ cho các đợt lũ tiếp theo. Mặc dù lưu lượng lũ đổ về hồ có thời điểm lên đến 941m3 /s nhưng công ty đã xả điều tiết với lưu lượng từ 40m3 /s đến hơn 350 m3 /s, nghĩa là chỉ bằng 1/3 lượng nước đổ về hồ, nhờ đó đã giảm được đỉnh lũ về hạ du.
Dòng nước hung hãn với sức công phá cực lớn, một phần được kìm chân trên đỉnh Trường Sơn, giảm thiểu sự tàn phá của lũ lụt ở phía hạ du.
Cuối tháng 10/2020, Công ty Thủy điện Quảng Trị tiếp tục điều tiết lượng nước tạo dung tích dự trữ, chủ động đón và cắt đỉnh lũ của các cơn lũ tiếp theo, đảm bảo an toàn cho công trình, đồng thời tính toán để có kế hoạch tích nước đảm bảo phục vụ cho nông nghiệp và phát điện trong mùa khô năm 2021.
Chủ động ứng phó với thiên tai
Thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT &TKCN) năm 2021, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Công ty Thủy điện Quảng Trị đã kiện toàn ban chỉ huy và các đội xung kích; kịp thời chỉ đạo lập kế hoạch triển khai diễn tập và chỉ huy công tác PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ” từ cấp đơn vị trực thuộc cho đến cấp công ty.
Các đơn vị căn cứ vào nhiệm vụ được giao hoàn thành trước ngày quy định. Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra xử lý các khiếm khuyết hệ thống công trình được phân giao như: Tuyến năng lượng, đường dây 110 kV, mương cáp, nhà van… kịp thời phát hiện các dấu hiệu mất an toàn, lập phương án sửa chữa thường xuyên, duy tu bảo dưỡng xong trước mùa mưa bão.
Khi có thông tin mưa bão, đơn vị bố trí nhân lực trực hợp lý, đủ quân số, túc trực 24/24 giờ tại nơi quy định đảm bảo kịp thời ứng phó với tình hình lụt, bão. Phân xưởng vận hành là nơi trực tiếp theo dõi thường xuyên hệ thống thông tin liên lạc, camera, sensol đo mực nước, tình trạng vận hành các thiết bị, công trình trước và trong mùa mưa lũ.
Trong những ngày đầu tháng 9/2021, tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã có mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão Conson, hồ chứa thuỷ lợi - thuỷ điện Quảng Trị đã thực hiện tích nước với dung tích khoảng 12 triệu m3 nước.
Bên cạnh đó, Công ty tập trung thực hiện nhiệm vụ phát điện vào mùa kiệt (từ đầu năm đến tháng 8/2021) nhằm tăng doanh thu, đồng thời cung cấp nước cho hạ du theo biên bản đã thoả thuận với các địa phương, với tổng lượng nước bổ sung hơn 215 triệu m3. Đưa mực nước hồ chứa về dưới mực nước xả hằng năm, đến ngày 31/8/2021 mực nước hồ chứa đạt 455,63 m thấp hơn mực nước phòng lũ là 20,53m nhằm đảm bảo dung tích phòng lũ.
Để chủ động ứng phó với thời tiết bất thường, Công ty cũng đã tăng cường kiểm tra các hạng mục công trình để nhận diện các nguy cơ tiềm ẩn, kịp thời đưa ra các biện pháp phòng tránh, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương kiểm tra dòng chảy thoát lũ về hạ du, làm tròn nhiệm vụ chính là điều tiết lưu lượng dòng chảy để bổ sung nước tưới cho nông nghiệp và cắt, giảm lũ cho vùng hạ du.