Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nội dung báo cáo của Tổng cục Thuỷ lợi về tổng kết công tác lấy nước cho gieo cấy lúa vụ đông xuân 2020-2021 khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, cho thấy, EVN đã tổ chức vận hành các nhà máy thủy điện tối đa khả năng cho phép để tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước, đồng thời bảo đảm cung cấp điện cho các trạm bơm hoạt động.
Trên thực tế trong các đợt xả nước vừa qua, để bảo đảm bổ sung nước cho hạ du theo kế hoạch, EVN đã tăng cường phát điện trước các đợt lấy nước 2-3 ngày để dâng mực nước hạ du sông Hồng theo đúng quy định. Theo dõi cho thấy dòng chảy trong các đợt lấy nước được duy trì cơ bản bảo đảm như yêu cầu, tạo điều kiện cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước.
Tính chung cả 3 đợt xả nước, các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà thuộc EVN đã xả tổng cộng 5,14 tỷ m3, cung cấp đủ nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021 cho các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
So với kế hoạch ban đầu, tổng lượng nước xả tiết kiệm được khoảng 0,5 - 0,7 tỷ m3. Tổng lượng nước xả năm nay dù đã giảm so với kế hoạch, tuy nhiên vẫn cao hơn 2,46 tỷ m3 so với năm 2020 (năm có mưa lớn vào Tết Nguyên đán); cao hơn 0,72 tỷ m3 so với năm 2019.
Tổng cục Thuỷ lợi cho biết khó khăn trong công tác lấy nước đổ ải do tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng tiếp tục diễn biến phức tạp, làm nguồn nước không thuận lợi, ảnh hưởng đến hiệu suất lấy nước của các công trình thuỷ lợi.
Trong toàn bộ các ngày xả nước của đợt 2, mặc dù các nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đã vận hành hết công suất phát điện nhưng thời gian mực nước của Trạm thuỷ văn Hà Nội cao hơn 2m, chỉ đạt gần 22%.
Một số công trình thuỷ lợi chưa được sửa chữa, nâng cấp không đủ khả năng hoạt động, một số trạm bơm dã chiến chưa đảm bảo chủ động hoạt động không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ thuỷ điện.
Ngoài ra, do tập quán canh tác của một số địa phương dẫn đến nhu cầu nước và thời điểm lấy nước khác nhau dẫn đến kéo dài thời gian lấy nước.