Theo Ủy hội sông Mekong (MRC), mực nước sông Mekong trong giai đoạn 2019 - 2021 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 thập kỷ qua, ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp, thủy sản và sinh kế của hơn 60 triệu người ở Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Nghiên cứu chung giữa MRC và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Nước thuộc Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) được công bố hôm 9/10 cho rằng các yếu tố tự nhiên như lượng mưa, tỷ lệ mất nước do bốc hơi và đặc điểm địa hình, cùng với các hoạt động của con người như phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý nước, đang làm trầm trọng hơn tình trạng hạn hán ở lưu vực sông Mekong.
Nghiên cứu này khuyến nghị Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trên "chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực về mực nước lưu trữ và dữ liệu vận hành thủy điện trên khắp lưu vực sông Mekong". Bên cạnh đó, các nước liên quan cần tăng cường thông báo về những thay đổi đột ngột về lượng trữ nước, điều này rất quan trọng trong việc cải thiện công tác quản lý con sông dài 4.350km.
Trung Quốc, quốc gia đang vận hành 11 trong số 13 đập thủy điện trên sông Mekong, đã liên tục bác bỏ những cáo buộc trước đó cho rằng nước này tích trữ nước ở thượng nguồn trong thời điểm nhiều nước dưới hạ lưu gặp hạn hán. Năm 2020, Bắc Kinh đã cam kết chia sẻ một số dữ liệu về trự lượng nước với các nước Mekong.
Nghiên cứu chung về các mô hình thay đổi điều kiện thủy văn của lưu vực sông Mekong - Lan Thương và các chiến lược thích ứng đã được khởi động vào tháng 6/2022 tại Diễn đàn các bên liên quan khu vực MRC (RSF) lần thứ 12.
Hôm 11/9, MRC thông báo giới chức cấp cao của 6 quốc gia dọc sông Mekong đã tán thành những khuyến nghị về giai đoạn đầu tiên của Nghiên cứu chung giữa MRC và MLC.
“Đây là một tin tốt lành cho sông Mekong và người dân của chúng ta", Tiến sỹ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC, cho biết.