| Hotline: 0983.970.780

Các tỉnh phía Bắc cơ bản hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân

Thứ Tư 28/02/2024 , 17:00 (GMT+7)

Theo Cục Trồng trọt, đến hiện tại các tỉnh phía Bắc đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy; nhiều diện tích đẻ nhánh tốt, số dãnh hữu hiệu cao.

Ngày 27/2, đoàn công tác Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 tại tỉnh Thái Bình và Hưng Yên.

Đến ngày 23/2, toàn tỉnh Thái Bình cơ bản đã hoàn thành việc gieo cấy, trong đó diện tích sử dụng mạ khay, máy cấy trên 30%. Ảnh: Trung Quân.

Đến ngày 23/2, toàn tỉnh Thái Bình cơ bản đã hoàn thành việc gieo cấy, trong đó diện tích sử dụng mạ khay, máy cấy trên 30%. Ảnh: Trung Quân.

Tại Thái Bình, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) thông tin, vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh gieo cấy gần 75.000ha. Nhìn chung, thời tiết tương đối thuận lợi cho công tác gieo cấy, chăm sóc lúa xuân của người dân. Đến ngày 23/2, toàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành việc gieo cấy, trong đó diện tích sử dụng mạ khay, máy cấy trên 30%.

Trà lúa xuân sớm tập trung ở hai huyện Đông Hưng và Hưng Hà đang trong giai đoạn đẻ bắt đầu ra lá mới, đẻ nhánh, nông dân đã tiến hành các biện pháp chăm sóc như bón thúc bằng các loại phân NPK chuyên thúc có hàm lượng N,P, K cao. Lúa xuân đại trà và xuân muộn gieo cấy xong đến bén rễ, hồi xanh và ra lá mới; lúa sạ từ sạ xong đến 1,5 - 2 lá thật. Các hộ đang tập trung điều tiết nước, bón nhử và chăm sóc cho lúa xuân sinh trưởng thuận lợi.

Trên cơ sở đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV khuyến cáo, trong thời gian tới, với diện tích lúa hồi xanh bén rễ, bắt đầu ra lá mới và lúa gieo thẳng đạt 4 lá cần tiến hành bón thúc bằng các loại phân tổng hợp NPK chuyên thúc có hàm lượng đạm cao để lúa đẻ nhánh thuận lợi, tập trung; bón thúc cho lúa xuân trước ngày 20/3.

Đến ngày 26/2, toàn tỉnh Hưng Yên gieo cấy được hơn 22.000ha (đạt 91% kế hoạch). Ảnh: Trung Quân.

Đến ngày 26/2, toàn tỉnh Hưng Yên gieo cấy được hơn 22.000ha (đạt 91% kế hoạch). Ảnh: Trung Quân.

Với diện tích lúa trà sớm, cần phân chia 2 đợt bón thúc tránh hiện tượng lúa trỗ bông trong tháng 4. Với những diện tích lúa sạ có hiện tượng sinh trưởng kém cần hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón qua lá như siêu lân, Penac P… để lúa ra lá mới, sau đó mới dùng phân bón hóa học để chăm bón bình thường.

Về nước tưới, thường xuyên giữ mức nước nông trong giai đoạn lúa đẻ nhánh để giúp lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, tập trung; không để ruộng khô ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa. Khi lúa đẻ nhánh kín đất, tháo cạn nước để nứt chân chim giúp rễ lúa ăn sâu sẽ tăng khả năng chống đổ của cây. Giai đoạn sau cần giữ đủ nước để cây lúa nuôi đòng, nuôi hạt.

Về bảo vệ thực vật, từ đầu tháng 3 trở đi khuyến cáo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, đạo ôn trên lá và chủ động phòng trừ ngay từ khi còn ở diện hẹp. Từ cuối tháng 4 trở đi, khi lúa trỗ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khi có mưa hoặc không khí lạnh, khuyến cáo nông dân tập trung phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên giống nhiễm.

Tại Hưng Yên, theo Sở NN-PTNT, thời tiết vụ xuân năm nay cơ bản thuận lợi cho công tác gieo cấy. Đến ngày 26/2, toàn tỉnh gieo cấy được hơn 22.000ha (đạt 91% kế hoạch). Trong đó, diện gieo thẳng hơn 7.400ha, cấy hơn 14.500ha. Diện tích cấy máy trên 2.000ha (chiếm 10 - 15%, tăng khoảng 400ha so với vụ xuân năm 2023). Diện tích chăm sóc lúa lần 1 hơn 11.300ha.

Đến hiện tại, các tỉnh phía Bắc đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy, nhiều diện tích đẻ nhánh tốt, số dảnh hữu hiệu cao. Ảnh: Trung Quân.

Đến hiện tại, các tỉnh phía Bắc đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy, nhiều diện tích đẻ nhánh tốt, số dảnh hữu hiệu cao. Ảnh: Trung Quân.

Sở NN-PTNT tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi gieo cấy hết các diện tích còn lại, đảm bảo hoàn thành xong trước ngày 5/3. Bên cạnh đó, tiến hành chăm sóc diện tích gieo cấy sớm để cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, đẻ nhánh tập trung, tạo tiền đề nâng cao năng suất. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và sâu bệnh hại để kịp thời phòng, trừ đạt hiệu quả cao, giảm ô nhiễm môi trường.

Đối với cây rau màu, toàn tỉnh cơ bản thu hoạch xong diện tích vụ đông và xuống giống được hơn 4.200ha vụ xuân 2024 (ngô 780ha; lạc, đậu tương 250ha; dược liệu, hoa, cây cảnh hơn 1.000ha; rau các loại hơn 2.000ha).

Đối với cây ăn quả (nhãn, vải, cây có múi...), diện tích trồng toàn tỉnh hơn 14.800ha. Hiện tại, cây nhãn, vải đang ở giai đoạn phát triển nụ, hoa, cá biệt có những diện tích nhãn xử lý sớm đang phát triển quả non. Theo kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng sản xuất nhận thấy tỷ lệ ra hoa trên cây nhãn đạt khá (khoảng 60 - 70%), trên cây vải tương đối tốt (trên 80%).

Sau khi kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá, vụ đông xuân năm nay tại các tỉnh phía Bắc, nhất là khu vực Đồng bằng sông Hồng diễn ra trong điều kiện có nhiều yếu tố thuận lợi như các địa phương đã bám sát, chủ động lấy nước đổ ải hiệu quả đã tạo thuận lợi cho người dân làm đất sớm, gieo cấy đúng khung thời vụ; thời tiết thuận lợi khi gieo cấy và giai đoạn chăm sóc sau cấy; tỷ lệ cơ giới hóa được chú trọng nâng cao… Nhờ đó, đến hiện tại, các tỉnh phía Bắc đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy, nhiều diện tích đẻ nhánh tốt, số dảnh hữu hiệu cao. Một số diện tích rất nhỏ phụ thuộc vào nước trời sẽ hoàn thành trong đầu tháng 3.

Theo ông Nguyễn Như Cường, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo trữ nước, lấy nước phục vụ cho công tác tưới dưỡng; tổ chức bón phân, chăm sóc, điều tra phát hiện sâu bệnh sớm để có phương án phòng trừ kịp thời. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Như Cường, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo trữ nước, lấy nước phục vụ cho công tác tưới dưỡng; tổ chức bón phân, chăm sóc, điều tra phát hiện sâu bệnh sớm để có phương án phòng trừ kịp thời. Ảnh: Trung Quân.

Ông Cường cũng lưu ý, trong thời gian tới các địa phương cần hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc những diện tích đã cấy, tích cực cấy xong những diện tích còn lại để đảm bảo khung thời vụ. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo trữ nước, lấy nước phục vụ cho công tác tưới dưỡng; tổ chức bón phân, chăm sóc, điều tra phát hiện sâu bệnh sớm để có phương án phòng trừ kịp thời; chủ động xây dựng các phương án ứng phó với các điều kiện bất thuận như hạn hán, rét đậm rét hại, mưa bão bất thường…

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.