Để giúp các hộ nuôi thủy sản trong vùng liên kết thành một tổ chức cùng quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, đầu năm 2020, Chi cục Thủy sản, Sở NN –PTNT tỉnh Quảng Bình đã thực hiện mô hình đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản bền vững tại huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và huyện Quảng Trạch. Mô hình được các hộ nuôi và địa phương đánh giá cao.
Từ thành công của mô hình, năm 2021, Chi cục Thủy sản Quảng Bình tiếp tục thực hiện mô hình quản lý trong nuôi trồng thủy sản tại Tổ hợp tác (THT) Nuôi trồng thủy sản phường Quảng Thuận, Thị xã Ba Đồn và THT Nuôi trồng thủy sản xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch.
Kỹ sư Nguyễn Quốc Chung, cán bộ Phòng Nuôi trồng và Phát triển Nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Bình) cho biết, các vùng nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển khá về năng suất, mức độ kỹ thuật, cơ sở vật chất… nhưng đa phần chưa có tính tập thể, mỗi người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo cách riêng, không có sự thống nhất, gây khó khăn trong công tác quản lý vùng nuôi.
Để giúp người dân thực hiện tốt mô hình, Chi cục Thủy sản đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm, lựa chọn con giống, phòng ngừa dịch bệnh... và phối hợp với các THT xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Từ quy chế tổ chức, các THT đã từng bước thực hiện quản lý và điều hành sản xuất, như: Tổ chức họp định kỳ để trao đổi, thống nhất kế hoạch sản xuất, giải quyết các vấn đề phát sinh, nhất là những thời điểm xảy ra dịch bệnh; đóng quỹ duy trì hoạt động… Ngoài ra, Chi cục còn hỗ trợ kinh phí mua giống tôm chất lượng, thiết bị đo môi trường nước ao nuôi, kinh phí mua vôi khử khuẩn và thực hiện biện pháp phòng dịch chung.
Ông Trần Văn Diễn, Tổ trưởng THT Quản lý cộng đồng trong Nuôi trồng thủy sản phường Quảng Thuận, Thị xã Ba Đồn cho hay, THT có 40 hộ dân tham gia mô hình đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản bền vững với diện tích 25,04 ha.
Trước đây, người nuôi tôm trên địa bàn chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, tự phát, kiến thức nuôi trồng còn hạn chế nên tôm thường hay xảy ra dịch bệnh, năng suất thấp. Khi tham gia mô hình, các hộ dân cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thả nuôi theo hướng bền vững, không gây ô nhiễm môi trường. Vào mỗi vụ nuôi, các thành viên sẽ thống nhất thời gian tháo nước, lấy nước, thả nuôi và thu hoạch; đồng thời, phân công các thành viên quản lý chặt chẽ những khâu này.
Tại xã Hạ Trạch (huyện Bố Trạch), mô hình quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản có 123 hộ tham gia với diện tích 100 ha. Ông Lưu Văn Phúc, Tổ trưởng THT cho biết: Sự liên kết, hỗ trợ nhau trong nuôi trồng thủy sản đã giúp các hộ dân nâng cao chất lượng con giống, đem lại năng suất cao, từ thành công của mô hình đồng quản lý trong nuôi thủy sản bền vững, rất nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn đã làm đơn xin đăng ký tham gia.
Ngoài ra, các thành viên trong THT phải quản lý nghiêm ngặt việc sử dụng thức ăn, hóa chất trong ao nuôi để tránh gây ô nhiễm nguồn nước. Khi tôm bị bệnh phải báo cho ban quản lý để tìm cách tháo gỡ, không để lây lan diện rộng.
THT sẽ tổ chức họp định kỳ 1 lần/ tháng để điều hành sản xuất trong tổ, từ đó, có sự thống nhất kế hoạch sản xuất giữa các thành viên và giải quyết các vấn đề phát sinh, nhất là thời điểm xảy ra dịch bệnh. Tham gia mô hình, ngoài đóng tiền quỹ hoạt động, các thành viên còn đóng thêm 1 triệu đồng/người để gây quỹ cho các thành viên khó khăn vay vốn đầu tư con giống và khen thưởng các hộ dân có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, tuy chỉ mới triển khai thực hiện trong một thời gian ngắn, nhưng mô hình đồng quản lý trong nuôi thủy sản bền vững đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên.
Mô hình đã giúp các hộ nuôi trồng thủy sản trong vùng gắn kết, cùng hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, phòng chống dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao hiệụ quả sản xuất, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong toàn vùng nuôi, hướng đến phát triển nghề nuôi tôm bền vững… nên cần nhân rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.