Căn bệnh này xuất hiện ở châu Âu vào tháng 10/1347, khi 12 con tàu từ Biển Đen cập cảng Messina thuộc Sicily (Italy).
Những người có mặt tại bến cảng bấy giờ vô cùng bất ngờ khi chứng kiến gần như toàn bộ thủy thủ trên tàu đã chết, số ít sống sót thì bị ốm nặng và trên người nổi đầy mụn đen rỉ máu, mủ. Chính quyền Sicily lập tức đưa “những con tàu tử thần” rời khỏi bến cảng nhưng đã quá muộn. Chỉ 5 năm sau đó, đại dịch “Cái chết đen” đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 triệu người, gần một phần ba dân số châu Âu khi đó, theo History.
“Cái chết đen” vô vùng đáng sợ khi mà “chỉ cần chạm vào quần áo bệnh nhân là bạn sẽ có khả năng lây nhiễm”, nhà thơ Giovanni Boccaccio viết. Căn bệnh diễn biến rất nhanh. Thậm chí có người rất khỏe mạnh vào đêm hôm trước nhưng tử vong ngay sáng hôm sau.
Trước khi “những con tàu tử thần” cập cảng Messina, nhiều người châu Âu đã nghe tin đồn về một “đại dịch” đang càn quét trên tuyến đường giao thương giữa hai vùng Cận Đông và Viễn Đông. Sự thật là từ đầu những năm 1340, nó đã tấn công Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư, Syria và Ai Cập.
Tuy nhiên, người châu Âu lại không được trang bị để đối phó với một đại dịch kinh hoàng như “Cái chết đen”.
Nhà thơ Italy Giovanni Boccaccio từng viết: “Bất kể đàn ông hay phụ nữ, giai đoạn đầu của bệnh sẽ xuất hiện những vết gọi là ‘hạch’ sưng tấy trên háng hoặc dưới nách… Kích thước của chúng có thể to bằng quả tá, thông thường bằng quả trứng, lượng ít hay nhiều phụ thuộc vào biểu hiện ở từng người”.
Máu và mủ sẽ chảy ra từ các hạch, kèm theo một loạt triệu chứng khó chịu khác như sốt, ớn lạnh, nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức và người bệnh sẽ tử vong trong một thời gian ngắn.
Ngày nay, các nhà khoa học biết rằng thứ gây ra “Cái chết đen” chính là bệnh dịch hạch, bắt nguồn từ khuẩn Yersina pestis do nhà sinh vật học người Pháp Alexandre Yersin tìm ra vào cuối thế kỷ 19.
Loại khuẩn này lây từ người sang người giống như viêm phổi, hoặc qua đường không khí, qua vết cắn của bọ chét hoặc chuột bị nhiễm bệnh. Cả hai loài vật gây hại kể trên có thể được tìm thấy ở mọi nơi tại châu Âu thời Trung Cổ, nhưng chúng xuất hiện nhiều nhất trên khoang tàu, nơi đưa dịch hạch tới thành phố cảng Messina.
Không lâu sau khi tấn công Messina, “Cái chết đen” đã lan đến cảng Brussilles ở Pháp và cảng Tunis ở Bắc Phi. Sau đó, nó tiếp tục tới Rome và Florence (Italy). Đến giữa năm 1348, “Cái chết đen” tấn công sang Paris, Bordeaux, Lyon (Pháp) và London (Anh).
Ở thời hiện đại, căn bệnh dịch hạch được lý giải một cách dễ hiểu. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ 14, con người dường như không có lời giải thích hợp lý nào cho nó. Không ai biết chính xác “Cái chết đen” được truyền từ người sang người như thế nào và cách phòng ngừa hay điều trị nó ra sao. Các thầy thuốc cho rằng “cái chết sẽ ập đến khi linh hồn từ mắt người bệnh tấn công người khỏe mạnh đứng gần và nhìn vào người bệnh”.
Họ tiến hành trị liệu bằng những cách thô sơ, nguy hiểm và mất vệ sinh như hút máu và đốt hạch, kết hợp một số biện pháp mê tín dị đoan như hun thảo mộc hay tắm bằng nước hoa hồng hoặc giấm.
Những người vẫn còn khỏe mạnh thì vô cùng hoảng loạn và cố gắng làm tất cả những gì có thể để tránh người bệnh. Các bác sĩ từ chối gặp bệnh nhân, các linh mục từ chối cử hành những nghi thức cuối cùng đưa người xấu số về cõi chết và nhiều cửa hàng phải đóng cửa.
Không ít người chạy trốn khỏi các thành phố về vùng nông thôn, nhưng ngay cả ở đó họ cũng không thể thoát khỏi căn bệnh.
Dịch bệnh thậm chí còn lây sang bò, cừu, dê, lợn, gà, giống như người. Hàng loạt đàn cừu đã chết vì đại dịch và để lại hệ quả là tình trạng thiếu hụt len ở châu Âu. Nhiều người vì quá tuyệt vọng và muốn tự cứu mình thậm chí đã chọn phương án bỏ rơi những người thân đang bệnh sắp chết.
Vì không hiểu rõ căn bệnh, không ít người tin rằng “Cái chết đen” là một hình phạt của thần linh, quả báo cho những tội lỗi chống lại Thiên Chúa như tham lam, báng bổ, bội giáo, gian dâm hay ham mê vật chất.
Theo logic này, cách duy nhất để vượt qua bệnh dịch là được nhận sự tha thứ của Chúa. Một số người tin rằng cần phải thanh trừng các cộng đồng dị giáo và những kẻ gây rối khác, dẫn đến việc hàng nghìn người Do Thái bị tàn sát vào năm 1348 và 1349.
Đồng thời, hàng nghìn người đã chạy trốn đến các khu vực dân cư thưa thớt ở Đông Âu, nơi họ có thể tương đối an toàn trước đám đông điên cuồng nơi đô thị.
Đại dịch “Cái chết đen” kết thúc vào đầu những năm 1350 nhưng dịch bệnh vẫn xuất hiện trở lại trong nhiều thế kỷ sau đó. Các tiêu chuẩn vệ sinh và thực hành y tế công cộng hiện đại đã giúp giảm thiểu tác động của dịch bệnh nhưng không thể loại trừ nó hoàn toàn.