Hãy tưởng tượng một nhà Ai Cập học đã bất ngờ ra sao khi phát hiện trên xác ướp một vị pharaoh mà ông khai quật vào năm 1898 có vết sẹo giống như sẹo đậu mùa, căn bệnh mà mới chỉ được các nhà khoa học tìm ra vaccine chữa trị gần 100 năm trước đó.
Trước khi dịch bệnh hoàn toàn chấm dứt, nó đã càn quét qua khắp mọi nơi trên thế giới trong hơn 3.000 năm, theo Live Science.
Năm 1980, Tổ Chức Y Tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa đã được loại bỏ hoàn toàn, nhưng các mẫu virus vẫn còn được lưu lại ở hai phòng thí nghiệm tại Mỹ và Nga. Nhiều người lo ngại nó có khả năng trở thành vũ khí sinh học nếu rơi vào tay kẻ xấu.
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ cũng lo ngại về khả năng virus đậu mùa có thể bị những kẻ khủng bố lấy cắp.
Từ người giàu đến người nghèo, virus đậu mùa rất dễ lây lan và không chừa bất kỳ ai. Nó gần như một tay xóa sổ những đế chế thuộc Tân Thế giới được phát kiến bởi các nhà thám hiểm châu Âu lúc bấy giờ.
Tới cuối những năm 1700, vaccine phòng bệnh đậu mùa đầu tiên trên thế giới được tìm ra, nhưng không ít người vẫn lo sợ rằng vài mẫu tế bào virus còn sót lại trong phòng thí nghiệm có thể được sử dụng làm vũ khí sinh học trong tương lai.
Các nhà khoa học cho rằng bệnh đậu mùa xuất hiện từ 10.000 năm trước ở miền bắc châu Phi, sau đó dần lây lan sang những khu vực còn lại của thế giới cổ đại.
Vài nghìn năm sau, dịch bệnh lặp lại và lây nhiễm nhanh chóng với những biểu hiện như nổi phát ban, sốt cao và thường dẫn đến mù lòa.
Ngoài việc để lại vết sẹo trên khuôn mặt vua Ramses V, vị pharaoh xấu số đã qua đời vì căn bệnh này vào năm 1156 TCN, virus đậu mùa còn xuất hiện trong các tài liệu lịch sử của Ấn Độ và Trung Quốc.
Khoảng 30% các ca nhiễm tử vong và tỷ lệ thậm chí còn cao hơn ở trẻ em. Các nhà sử học cho biết theo một số phong tục cổ xưa, những đứa trẻ sơ sinh thường không được đặt tên cho đến khi chúng mắc bệnh đậu mùa và sống sót.
Bệnh đậu mùa tiếp tục lan rộng khắp châu Á vào thời Trung Cổ và càn quét sang châu Âu khoảng năm 700 sau Công nguyên.
Dịch bệnh cướp đi mạng sống của một bộ phận lớn người dân vùng nông thôn, nhưng cũng không loại trừ những người thuộc tầng lớp hoàng gia, bằng chứng là Nữ hoàng Mary II của Anh, Hoàng đế La Mã Joseph I, Vua Pháp Louis XV và Sa hoàng Peter II của Nga cũng đều qua đời vì đậu mùa.
Nhưng có lẽ nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh đậu mùa chính là những người Anh-điêng ở vương quốc Aztec và Inca thuộc Tân Thế Giới. Họ không có khả năng miễn dịch với các bệnh từ châu Âu và gần như bị xóa sổ hoàn toàn bởi virus đậu mùa trước khi bị đánh chiếm bởi những kẻ chinh phạt Tây Ban Nha vào thế kỷ 16 và 17.
Đầu thế kỷ 18, khi bệnh đậu mùa đã hoành hành ít nhất 2.800 năm, thống kê cho thấy mỗi năm có 400.000 người châu Âu chết, và cứ 7 trẻ em Nga mắc bệnh thì có một ca tử vong. Giới quan sát nhận thấy khi ai đó đủ may mắn khỏi bệnh người này sẽ không bị tái nhiễm.
Đầu những năm 1700, khái niệm “tiêm chủng” bắt đầu xuất hiện ở châu Âu, châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, nhằm chỉ việc thí nghiệm tiêm một lượng nhỏ virus lên cơ thể người để tạo miễn dịch. Bệnh đậu mùa nghiễm nhiên được chọn làm mục tiêu đầu tiên, quy trình diễn ra tương đối thành công dù một vài người tử vong sau khi tiêm.
Năm 1796, bác sĩ người Anh Edward Jenner đã phát hiện ra rằng các cô gái vắt sữa bò thường hiếm khi mắc bệnh đậu mùa ở người nếu trước đó từng tiếp xúc với bệnh đậu mùa ở loài bò, một loại bệnh có triệu chứng tương tự trên động vật nhưng ít nguy hiểm hơn.
Jenner thử nghiệm bằng cách tiêm một lượng nhỏ virus đậu mùa ở bò, sau đó lại tiêm thêm virus đậu mùa ở người cho một cậu bé. Kết quả là cậu bé không sốt.
Từ đây, Jenner đã tìm ra loại thuốc miễn dịch đầu tiên cho căn bệnh này và gọi nó là “vaccine”, nguyên gốc bởi từ “vacca” trong tiếng Latin nghĩa là “loài bò”. Các thí nghiệm sau đó của bác sĩ Jenner cũng chứng minh rằng virus đậu mùa ở bò có thể xây dựng khả năng miễn dịch chống lại virus đậu mùa ở người.
Về sau, các loại vaccine cho bệnh sốt vàng da, quai bị, rubella hay uốn ván cũng được tạo ra dựa trên lý thuyết tương tự.
Dịch bệnh đậu mùa tiếp tục kéo dài trong suốt thế kỷ 20, cho đến khi các chương trình tiêm chủng vacxin được quy định và thực hiện trên toàn thế giới.