| Hotline: 0983.970.780

Những đại dịch loài người đã vượt qua:

Cúm Tây Ban Nha ảnh hưởng tới 500 triệu người toàn cầu

Thứ Ba 24/03/2020 , 08:27 (GMT+7)

Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 gây ảnh hưởng tới khoảng 500 triệu người trên toàn thế giới, 1/3 dân số toàn cầu, giết chết từ 20-50 triệu người.

Một phòng hòa nhạc thính phòng ở Oakland, Mỹ, được biến thành nơi chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm cúm Tây Ban Nha năm 1918. Ảnh: AP.

Một phòng hòa nhạc thính phòng ở Oakland, Mỹ, được biến thành nơi chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm cúm Tây Ban Nha năm 1918. Ảnh: AP.

Bệnh dịch được phát hiện đầu tiên ở châu Âu, Mỹ và một vài phần ở châu Á trước khi lan rộng khắp các châu lục. Lúc bấy giờ, không có thuốc hay vaccine đặc hiệu trị bệnh.

Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang. Trường học, rạp chiếu phim, doanh nghiệp phải đóng cửa và thi thể người thì chất đống trong các nhà xác tạm thời trước khi bệnh dịch kết thúc “cuộc diễu hành chết chóc” của nó, theo History.

Cơn sóng đầu tiên của dịch cúm Tây Ban Nha nổi lên vào mùa xuân năm 1918 nhưng tương đối nhẹ. Bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng giống với bệnh cúm bình thường như ớn lạnh, sốt, mệt mỏi và thường hồi phục sau vài ngày. Con số người thiệt mạng ở mức thấp.

Tuy nhiên, đợt sóng thứ hai trở lại vào mùa thu cùng năm lại nghiêm trọng gấp hàng trăm lần. Bệnh nhân chết chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày xuất hiện triệu chứng. Da người bệnh chuyển sang màu xanh tím tái và phổi chứa đầy dịch khiến họ bị ngạt thở.

 Đến nay, vẫn chưa rõ chủng cúm đặc biệt gây ra đại dịch xuất phát từ đầu nhưng dịch cúm năm 1918 đã lan rộng trên toàn cầu chỉ trong vòng vài tháng. Dù thực tế là dịch bệnh không bị cô lập ở một nơi, nó được thế giới gọi tên cúm Tây Ban Nha bởi đây là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngay cả nhà vua Tây Ban Nha Alfonso XIII cũng được ghi nhận nhiễm bệnh.

Một điểm khác thường của dịch cúm 1918 là nó đã đánh gục rất nhiều người trẻ tuổi, khỏe mạnh, nhóm người vốn ít bị ảnh hưởng bởi những loại bệnh truyền nhiễm kiểu này, trong đó có cả các quân nhân Thế chiến I.

Dù đa số các nguồn thông tin đều ước số ca tử vong do cúm Tây Ban vào khoảng 20 đến 50 triệu người trên toàn cầu, một số nguồn dữ liệu khác lại nói số người chết có thể lên đến 100 triệu, tương đương 3% dân số thế giới. Giới nghiên cứu ngày nay không thể nắm rõ con số tử vong chính xác vì dịch bệnh do thiếu hồ sơ y tế ở nhiều nơi.

Nhưng điều mọi người đề biết chính xác là dịch cúm 1918 không chừa bất cứ ai, bất cứ nơi nào. Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson được cho là đã nhiễm bệnh vào đầu năm 1919 khi đàm phán Hiệp ước Versailles giúp kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất.

Khi dịch cúm 1918 bùng lên, các bác sĩ và nhà khoa học không biết chắc về nguyên nhân gây bệnh cũng như cách điều trị nó. Không giống như ngày nay, khi đó, không có vaccine hay thuốc chống virus hiệu quả. (Vaccine trị cúm đầu tiên được cấp phép tại Mỹ vào những năm 1940)

Những phụ nữ Australia đeo khẩu trang để đề phòng nhiễm cúm Tây Ban Nha. Ảnh: BBC.

Những phụ nữ Australia đeo khẩu trang để đề phòng nhiễm cúm Tây Ban Nha. Ảnh: BBC.

Mặt khác, Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất khiến tình trạng thiếu ý bác sĩ và nhân viên y tế xảy ra ở nhiều nơi, càng làm phức tạp thêm tình hình. Ngay cả các bác sĩ cũng bị nhiễm bệnh.

Thêm vào đó, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải khiến nhà chức trách các nước phải biến trường học cùng các công trình công cộng khác thành bệnh viện dã chiến, đồng thời điều động cả các sinh viên y khoa chưa tốt nghiệp tham gia chống dịch.

Lệnh phong tỏa được ban bố ở hàng loạt khu dân cư, người dân được yêu cầu đeo khẩu trang, không gian công cộng bị đóng cửa, nhà thờ không cử hành lễ. Người dân được khuyến cáo tránh bắt tay và nên ở yên trong nhà. Thư viện ngừng cho mượn sách. Hành vi khạc nhổ bừa bãi bị cấm hoàn toàn.

Dịch cúm Tây Ban Nha đã lấy đi một lượng lớn sinh mạng, để lại vô số góa phụ và trẻ mồ côi. Các nhà tang lễ quá tải với những thi thể chất đống. Nhiều người phải tự đào mộ chôn chính những thành viên trong gia đình mình.

Bệnh dịch còn gây ảnh hưởng tới nền kinh tế. Tại Mỹ, các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa vì người lao động lâm bệnh. Các dịch vụ cơ bản như chuyển phát thư tín hay thu dọn rác bị đình trệ vì nhân viên mắc cúm nên không có người làm. Một số nơi không có đủ nông dân để thu hoạch mùa màng. Ngay cả các cơ quan y tế của chính phủ cũng bị đóng cửa, cản trở nỗ lực ngăn dịch lây lan và cung cấp thông tin đầy đủ cho công chúng.

Đến mùa hè năm 1919, dịch cúm Tây Ban Nha kết thúc khi những người nhiễm đều đã chết hoặc đã phát triển được hệ miễn dịch chống lại bệnh. Gần 90 năm sau, vào năm 2008, các nhà nghiên cứu mới tuyên bố họ đã phát hiện ra điều gì khiến dịch cúm 1918 chết chóc đến vậy. Một nhóm gồm ba gen đã giúp virus có khả năng làm suy yếu ống phế quản và phổi của nạn nhân, gây nên bệnh viêm phổi do vi khuẩn.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.