| Hotline: 0983.970.780

Sơn La và cuộc chiến chống lại bóng tối:

'Cái lý của người Mông' về chuyện anh em ruột làm thông gia

Thứ Ba 08/01/2019 , 13:05 (GMT+7)

Hôn nhân cận huyết cứ như chiếc vòng ma quái siết lên đầu, lên cổ đồng bào Mông, khiến cho kẻ ngoài kinh hãi nhưng người trong cuộc lại chẳng hề thấy khó chịu gì thậm chí còn tự hào...

Ngược lại một cô gái Mông yêu một chàng trai cùng họ nhưng không hề có quan hệ huyết thống trong vòng 3 đời, dù có lỡ chửa trước đi nữa vẫn không được cưới, đứa trẻ sinh ra vẫn chỉ là một đứa con hoang không hơn không kém.
 

Ngăn cản rất khó

Mùa A Đến (đã đổi tên)-cán bộ của xã Hang Chú (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) khi kể với tôi về đám cưới bất đắc dĩ giữa em gái mình là Mùa Thị Bơ (đã đổi tên) sinh năm 1998 và Sồng A Khác (đã đổi tên) vẫn còn nguyên sự tức giận lẫn bất lực trong giọng nói: “Một buổi tối hồi tháng 5 năm 2018, mẹ tôi gọi điện thông báo em gái sắp lấy chồng rồi, đang trên đường đi về nhà trai để làm lễ cúng thành con ma của nhà khác. Tôi hỏi mẹ nó lấy ai, ở đâu thì mẹ bảo nó lấy thằng Khác, con của cậu ruột tôi ở xã Chim Vàn. Vợ chồng tôi đều có học hành nên ngăn cản quyết liệt vì biết đó là hôn nhân cận huyết thống.

gi-lng-di-vn-dong-chong-to-hon-hon-nhn-cn-huyet124822368
Già làng đi vận động chống tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết

Tôi liền gọi điện cho cậu ruột bảo không được cho lấy, gọi cho em gái bảo nó quay xe máy về ngay. Tôi phân tích với nó rằng thứ nhất là bố mới mất trước đó có 1 tháng, thứ hai là thằng Khác là con của cậu ruột không thể lấy được nhưng cả em gái lẫn thằng kia đều không nghe. Chúng bảo, nếu không được sống cùng nhau thì sẽ chết cùng nhau. Can mãi đến tận 11 h đêm mà chúng vẫn cứ nhất định lấy nhau như thế”.

Không như nhiều thanh niên Mông bị mù chữ, cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết này đều đã học đến lớp 9 thế nhưng trong suy nghĩ của họ vẫn không thoát nổi những luật tục cổ hủ của đồng bào nơi đây, vẫn thoải mái tìm hiểu anh em họ hàng gần. Nguyên nhân của đám cưới trớ trêu trên là một lần Bơ theo mẹ đi sang xã Chim Vàn cùng huyện để thăm nhà người cậu ruột. Không ngờ mới gặp gỡ mà hai chị em họ lại thích nhau. Hơn 1 tuần sau chuyến đi, Bơ nằng nặc một sống hai chết đòi cưới em trai họ về làm chồng... 


[video] Hai anh em ruột kể về việc trở thành thông gia bất đắc dĩ.  

Hang Chú-xã xa xôi nhất của huyện Bắc Yên, bị bao bọc bởi trùng trùng núi, trùng trùng đèo, cách trung tâm thị trấn đến 3 giờ đi xe này trở thành một trong những điểm nóng về tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Hỏi một lúc trong chính đội ngũ cán bộ xã đã có không ít trường hợp con em, người thân là hôn nhân cận huyết như con gái của anh Mùa A Bê (đã đổi tên) lấy chính con trai người chị ruột còn con trai của ông Giàng A Na (đã đổi tên)-một lãnh đạo xã đã nghỉ hưu lấy con gái người chị ruột của vợ.

Ông Na giải thích: “Anh em, chị em ruột mà đã đi lấy người khác họ thì con đẻ ra đã thành người khác họ rồi, vẫn lấy được nhau chứ? Làm thông gia cho thêm gần gũi, cho họ hàng mình càng thêm đông vui. Chỉ có điều sau đám cưới xưng hô sẽ hơi khác, vợ tôi vẫn gọi chị vợ tôi là chị em, còn gọi chồng của chị là ông thông gia. Cũng như thế, tôi với chị vợ tôi vẫn gọi là chị em còn tôi gọi chồng của chị là ông thông gia”.

Cán bộ đã thế thì chẳng trách gì mà dân chúng lại không đua nhau theo. Hôn nhân cận huyết cứ như chiếc vòng ma quái siết lên đầu, lên cổ đồng bào Mông, khiến cho kẻ ngoài kinh hãi nhưng người trong cuộc lại chẳng hề thấy khó chịu gì thậm chí còn tự hào. Ngược lại một cô gái H’Mông yêu một chàng trai cùng họ nhưng không hề có quan hệ huyết thống trong vòng 3 đời, dù có lỡ chửa trước đi nữa vẫn không được cưới, đứa trẻ sinh ra vẫn chỉ là một đứa con hoang không hơn không kém.

Phàng A Giảng-Phó Chủ tịch xã Hang Chú bảo những cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống chừng nào chưa đẻ con ra bị tàn tật thì còn chưa thấy sợ. Trường hợp Giàng A Công (đã đổi tên) sinh năm 1974 ở bản Pa Cư Sáng A lấy vợ là người chị con bác ruột là một ví dụ điển hình. Men theo triền đồi mùa đông này đang tím ngắt màu hoa cứt lợn, tôi tìm đến nhà của Công. Nó nhỏ như một chiếc lều, bên trong tuềnh toàng chỉ là mấy cái giường, mấy cái áo cũ vắt luộm thuộm. 

Cả gia đình gồm vợ chồng, con trai, con gái, con dâu cùng các cháu của anh chị đang quây quần bên mâm cơm. Thức ăn chẳng có gì ngoài món măng chua và canh bí đỏ nấu cả vỏ. Mỗi người một chiếc thìa lớn, cứ xúc một thìa cơm bỏ vào mồm rồi lại xúc một thìa canh kế tiếp cho dễ nuốt.

hi-chi-em-con-bc-con-chu-ruot-ly-nhu-o-x-hng-chu124822539
Hai chị em con bác, con chú ruột lấy nhau ở xã Hang Chú

Tôi để ý đến một chàng trai gầy gò với khuôn mặt đầy sầu muộn là Giàng A Lờ (đã đổi tên). Học đã hết lớp 12 nên Lờ hiểu rõ tác hại của việc tảo hôn: “Bố mẹ em ngày trước không biết gì nên mới lấy nhau như thế chứ chính em là minh chứng cho hậu quả của việc tảo hôn này rồi. Từ bé đến giờ em rất hay bị đau ốm. Hồi còn đi học thì năm nào cũng là đứa còi nhất lớp, giờ tuy đã lấy vợ rồi vẫn chỉ nặng được có 40 kg thôi, người rất yếu”.   
 

Một cuộc “chia hành lý” của cặp vợ chồng trẻ con

Bên cạnh hôn nhân cận huyết, nạn tảo hôn lan tràn cũng là một vấn đề nóng của đồng bào vùng cao. Theo thống kê chưa đầy đủ mỗi năm huyện Bắc Yên có trên dưới 100 vụ tảo hôn, tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở những xã có nhiều người Mông.

Lúc tôi đến xã Hang Chú được chứng kiến một cảnh “chia hành lý” ly hôn cười ra nước mắt của cặp vợ chồng trẻ con. Con bé tức là người vợ mới chỉ 14 tuổi được bố mẹ cùng người chú ruột hộ tống về để lấy phần chia tài sản của mình gồm 7 bao thóc, 1 cái máy khâu, 5, 6 con gà cùng mớ quần áo trước sự chứng kiến của người chồng mới chỉ 18 tuổi. Trước đây khi thằng bé đang học lớp 9 trường nội trú xã đã thích con bé đang học lớp 7 cùng trường. Thế là buổi tối hôm ấy, nhân cơ hội được làm “cờ đỏ” ở trường để đi kiểm tra nội quy của các phòng nội trú nó đã rủ con bé bỏ về nhà mình làm vợ.

Đến con dốc đầu nhà nó gọi điện thoại ồi ồi cho bố: “Bố có ở nhà không? Tôi đã kéo vợ về nhà rồi đây này”. Đang mơ màng ngủ, ông bố tưởng là đùa nhưng vẫn tung chăn, lật đật ra mở cửa thì thấy nó đã kéo một con bé xa lạ về thật. Vậy là sáng hôm sau ông đành phải huơ huơ con gà trên đầu con bé làm thủ tục nhập ma nhà mình rồi nhờ ông mối đi hỏi vợ cho con, định bụng chờ đến khi nào chúng đủ tuổi mới xin làm lễ cưới.

Nhưng nào ngờ ở vào cái tuổi nửa trẻ con nửa người lớn ấy chúng cứ cãi nhau chí chóe suốt ngày. Mới chưa đầy 1 năm mà đã 3 lần đứa con dâu bỏ về nhà ngoại khiến cho ông phải muối mặt nỉ non đi đón về. Lần này, khi nó đòi đi buôn vải nhưng chồng không cho liền đòi chia đôi hành lý, tài sản của ai người đó lấy lại rồi ký giấy thỏa thuận ly hôn dưới sự chứng kiến của UBND xã. Một cán bộ công an bảo tôi, xã nào ở vùng cao mỗi năm cũng đều có cả chục vụ tảo hôn như vậy. Nếu bắt những người vi phạm thì e rằng các nhà tù ở Sơn La chật không còn đủ chỗ nhốt.

cn-bo-y-te-di-tiem-phong-cho-tre-con-vung-co124822145
Cán bộ y tế đi tiêm phòng cho trẻ con vùng cao
Hôn nhân cận huyết được định nghĩa là hôn nhân giữa những người có cùng dòng máu, chưa quá ba đời. Theo các nhà khoa học, những đứa trẻ được sinh ra từ các cuộc hôn nhân cận huyết này thường có nguy cơ mắc các bệnh về máu cao gấp nhiều lần so với những đứa trẻ sinh ra từ các cuộc hôn nhân thông thường mà dễ thấy nhất là Thalassemia (tan máu bẩm sinh) và Hemophilia (rối loạn đông máu bẩm sinh). Ngoài những bệnh lý về máu, hôn nhân cận huyết thống còn gây ra một số bệnh lý khác như mù màu, bạch tạng, da vảy cá... làm  suy giảm chất lượng giống nòi và gánh nặng cho gia đình, xã  hội.

Bài tới: Ngoài chuyện anh em ruột làm thông gia thì ở Sơn La mấy năm gần đây còn có “chiến dịch” của các cấp chính quyền tuyên truyền chống lại việc tự tử bằng lá ngón hay thuốc trừ cỏ.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.