| Hotline: 0983.970.780

“Cải tử hoàn sinh” nương rẫy

Thứ Tư 13/03/2013 , 08:58 (GMT+7)

Huyện đang vận động người dân chuyển đổi diện tích lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng ngô, thực hiện cuộc “cải tử hoàn sinh” cho nương rẫy...

Huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có khoảng 4.500 ha nương rẫy các loại, trong đó nương sắn 500 ha, lúa nương 500 ha...; hiệu quả SX rất thấp, nguy cơ cháy rừng lây lan từ việc phát dọn nương rẫy rất cao.

Huyện đang vận động người dân chuyển đổi diện tích lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng ngô, thực hiện cuộc “cải tử hoàn sinh” cho nương rẫy...

Nằm trên ngọn nguồn của Ngòi Thia, phần lớn nương rẫy của huyện nằm trên các sườn núi có độ dốc lớn. Trải qua hàng chục năm canh tác độ màu mỡ của các nương rẫy giảm nhiều, nguy cơ sa mạc hoá đã hiện hữu. Nhiều diện tích nương rẫy bỏ hoang cây cỏ cũng không lên nổi, sỏi đá trồi lên không thể trồng được bất cứ một loại cây gì trên diện tích đó.

Diện tích nương rẫy hoang hóa càng lan rộng, trong khi nhu cầu lương thực của người dân đòi hỏi ngày một nhiều cho sinh hoạt, chăn nuôi và tiêu dùng. Để có đất SX, người dân nhằm diện tích rừng xâm chiếm, đốt phá... đã gây ra nhiều trận cháy rừng lớn, khiến Trạm Tấu thiệt hại cả ngàn ha rừng mấy chục năm qua.


Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho người dân

Từ năm 2011 nhằm “cải tử hoàn sinh” cho các diện tích lúa nương và sắn kém hiệu quả, huyện vận động người dân chuyển sang trồng ngô kết hợp với các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc. Những năm trước đây, vụ trồng ngô chính của Trạm Tấu là vụ xuân, năm cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 1.300 ha, năng suất 20 - 22 tạ/ha. Năm 2011 Trạm Tấu vận động người dân chuyển diện tích trồng lúa nương và sắn kém hiệu quả sang trồng ngô được trên 200 ha, đưa diện tích ngô vụ xuân lên 1.638 ha, năm 2012 chuyển 392,5 ha sang trồng ngô, diện tích ngô xuân năm 2012 nhảy vọt lên 2.469,46 ha, tập trung ở các xã có diện tích nương rẫy kém hiệu quả như Bản Công 76,5 ha, Trạm Tấu 58 ha, Phình Hồ 52 ha, Pá Lau 49 ha, Làng Nhì 18 ha, Tà Xi Láng 23 ha, Bản Mù 13 ha... Năng suất vụ ngô xuân 2012 toàn huyện đạt 23,7 tạ/ha.

Vụ ngô xuân 2013 kế hoạch huyện Trạm Tấu dự kiến trồng 2.600 ha ngô, trong đó chuyển khoảng 300 ha diện tích lúa nương và sắn sang trồng ngô, riêng xã Pá Hu người dân đã đăng ký diện tích chuyển đổi 91 ha. Do nhận thấy trồng ngô năng suất cao nhiều hộ dân đã chuyển phần lớn diện tích trồng lúa nương sang trồng ngô. Trong đó phải kể tới gia đình ông Giàng A Dơ, thôn Tà Xùa, xã Bản Công chuyển đổi 1 ha; ông Giàng A Đài, Giàng A Chềnh, thôn Bản Công chuyển đổi 1 ha lúa nương và sắn sang trồng ngô.

Chính sách hỗ trợ cho người dân chuyển đổi cây trồng là 20 kg ngô giống tương đương 2 triệu đồng cho 1 ha, 365 - 380 kg phân bón tổng hợp NPK cho mỗi ha. Các giống ngô năng suất cao Bioseed9698, C919, AG59 đang được người dân trồng với diện tích lớn.

Ông Hờ A Thào ở thôn Tà Chử cho biết: Vụ ngô năm ngoái nhà mình chuyển hơn 6.000 m2 đất trồng lúa sang trồng ngô, được nhà nước hỗ trợ phân bón và giống. Không nghĩ là trồng ngô được ăn đâu, nhưng đến mùa thu hoạch thấy ngô tốt quá, bắp nào cũng to, hạt dày. Không cân đâu, nhưng cán bộ khuyến nông bảo số ngô ấy được hơn 1 tấn đấy. Nhà mình ai cũng vui, mình bán ngô để mua gạo ăn mà. Năm nay mình tiếp tục đăng ký trồng ngô trên diện tích trồng lúa nương năm ngoái, không phải 6.000 m2 mà còn hơn nữa, kể cả diện tích nương sắn...

Cùng với việc vận động người dân chuyển đổi diện tích lúa nương và sắn kém hiệu quả sang trồng ngô, Trạm Khuyến nông Trạm Tấu đã hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng xen cây họ đậu, sử dụng thân cây ngô và cỏ rác phủ lên mặt đất để chống rửa trôi tăng độ phì cho đất. Đây là những việc làm mà Trạm Tấu thực hiện nhằm “cải tử hoàn sinh” cho nương rẫy, giúp người dân có thu nhập cao ổn định và nâng cao đời sống.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.