| Hotline: 0983.970.780

Lúa giảm phát thải vụ đông xuân ở Cần Thơ lợi nhuận 30 triệu đồng/ha

Thứ Hai 17/02/2025 , 11:01 (GMT+7)

CẦN THƠ Mô hình trồng lúa giảm phát thải giúp giảm được chi phí từ 3 - 3,5 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống, lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha.

Năng suất lúa đạt 8,8 - 9,5 tấn/ha

Ngày 15/2, tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ và Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức hội thảo sơ kết mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ đông xuân 2024 - 2025.

Mô hình trồng lúa giảm phát thải được triển khai tại HTX nông nghiệp Tiến Dũng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình trồng lúa giảm phát thải được triển khai tại HTX nông nghiệp Tiến Dũng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đây là chương trình do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cùng trung tâm khuyến nông, trung tâm dịch vụ nông nghiệp 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL triển khai. 

Tại Cần Thơ, dự án được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ triển khai tại HTX nông nghiệp Tiến Dũng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ trên diện tích 50ha, với 20 hộ nông dân tham gia.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX nông nghiệp Tiến Dũng cho biết: Vụ đông xuân 2024 - 2025 là lần đầu HTX tham gia mô hình, sử dụng giống Đài Thơm 8 với lượng gieo sạ 70kg/ha, gieo sạ thưa, sử dụng giống đạt cấp xác nhận, áp dụng cơ giới và đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như "1 phải 5 giảm", quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tưới nước ngập - khô xen kẽ, sử dụng cơ giới trong gieo sạ, thu hoạch lúa và thu gom rơm.

Các hộ dân thực hiện đúng 4 lần rút nước theo quy trình quản lý nước ngập - khô xen kẽ, giảm được phát thải khí nhà kính; sạ thưa, bón vùi phân và sử dụng phân bón chuyên dùng của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền giúp giảm được lượng phân đạm. Năng suất lúa trong mô hình đạt từ 8,8 - 9,5 tấn/ha, cao hơn 0,1 - 0,72 tấn/ha so với ruộng đối chứng. Lợi nhuận đạt khoảng 30 triệu đồng/ha, cao hơn từ 5,9 - 8,9 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Giảm chi phí từ 3 - 3,5 triệu đồng/ha

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, Cần Thơ là một trong 4 tỉnh ở ĐBSCL (Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng và Đồng Tháp) thực hiện dự án canh tác lúa giảm phát thải, cũng là địa phương thu hoạch lúa đầu tiên trong các mô hình thí điểm ở vụ đông xuân 2024 - 2025 tại ĐBSCL.

Trong mô hình nông dân áp dụng sạ thưa, sử dụng giống xác nhận, áp dụng cơ giới và đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong mô hình nông dân áp dụng sạ thưa, sử dụng giống xác nhận, áp dụng cơ giới và đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình này giúp nông dân giảm được giống từ 120kg/ha xuống còn 60 - 70kg/ha, kết hợp phương pháp sạ cụm với vùi phân để tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Mục tiêu cao nhất là giảm giá thành sản xuất lúa đến mức tối thiểu và giảm phát thải khí nhà kính.

Qua đánh giá, mô hình ở Cần Thơ đã giảm được chi phí từ 3 - 3,5 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống, lợi nhuận caon hơn từ 5,9 - 8,9 triệu đồng/ha. Đây là kết quả rất khả quan, bà con tin tưởng về phương thức canh tác mới này và sẽ được nhân rộng.

Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền làm chủ nhiệm dự án dưới sự quản lý của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ thực hiện 6 mô hình thí điểm với 300ha tại 4 địa phương Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Thời gian thực hiện trong 2 vụ liên tiếp là đông xuân và hè thu năm 2025, sau đó tổng kết, đánh giá để nhân rộng.

Xem thêm
Giữ sức khỏe cho đàn ngựa để vượt mùa giá rét

LÀO CAI Rét đậm liên tiếp ùa về, bà con Na Hối cẩn trọng chăm sóc, giữ sức khỏe cho đàn ngựa. Với họ, đàn ngựa là tài sản lớn nhất nên không thể lơ là.

Tây Ninh phân bổ 900.000 liều vắc xin cúm gia cầm

Hiện dịch bệnh cúm gia cầm đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành trên cả nước, để bảo vệ đàn vật nuôi, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh tăng cường công tác phòng, chống.

Doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã là trái tim của chuyển đổi công nghệ

Trưởng nhóm nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho biết trong chuyển đổi công nghệ, trái tim của hệ thống chính là nông dân.

Bình luận mới nhất