| Hotline: 0983.970.780

Cắm 'chông' trên đồng ruộng để phá máy gặt đập liên hợp

Thứ Ba 05/05/2020 , 18:27 (GMT+7)

Công an huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đang điều tra hành vi dùng thanh sắt cắm trên đồng ruộng trong mùa gặt để phá máy gặt đập liên hợp.

Một thanh sắt cắm trên đồng ruộng được người dân phát hiện. Ảnh: PQ

Một thanh sắt cắm trên đồng ruộng được người dân phát hiện. Ảnh: PQ

Ngày 5/5, ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cho biết, đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi của kẻ xấu cắm những thanh sắt trên đồng ruộng trong mùa gặt với mục đích phá hoại máy gặt đập liên hợp.

Trước đó, theo phản ánh của một số hộ dân ở đội 7, thôn Nại Cửu, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), vào cuối tháng 4/2020 khi đi thăm đồng đã phát hiện nhiều cọc sắt nhọn cắm trên khắp ruộng lúa của mình.

Những cọc sắt này dài 80 - 90cm, đường kính 8mm, một đầu uốn hình móc câu, được cắm xuống đất xen lẫn trong lúa rải khắp cánh đồng đang chờ gặt hái. “Do đợt mưa lớn kèm gió mạnh vừa rồi khiến nhiều diện tích lúa đổ rạp nên mới để lộ ra các cọc sắt, nhờ vậy mà mọi người mới phát hiện được sự việc”, người  dân thôn Nại Cửu cho biết .

Trước thực trạng trên, nông dân đã trình báo vụ việc lên chính quyền xã, đồng thời tổ chức tìm kiếm và thu gom được 42 cọc sắt nhọn. Tuy nhiên, vì các cọc sắt này được cắm thấp hơn ngọn lúa, đồng thời lại có màu gần giống với phần lá già khô nên rất khó nhìn thấy.

Nhiều thanh sắt cắm trên đồng ruộng trong mùa gặt với mục đích phá hoại máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Công Điền.

Nhiều thanh sắt cắm trên đồng ruộng trong mùa gặt với mục đích phá hoại máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Công Điền.

Đại diện UBND xã Triệu Thành cho biết, đây là lần đầu tiên ở địa phương xảy ra sự việc này. Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền xã đã xuống hiện trường kiểm tra, lập biên bản, giữ tang chứng là các cọc sắt để điều tra và truy tìm kẻ xấu.

Để đảm bảo an toàn cho các máy giặt đập liên hợp hoạt động trong mùa gặt, UBND xã Triệu Thành khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra ruộng lúa nhà mình để đề phòng kẻ xấu cắm cọc sắt vào ruộng.

Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn huyện Triệu Phong gieo trồng gần 6.000 ha lúa. Hiện nay tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch tại địa phương này đạt khá cao với việc người dân sử dụng ngày càng nhiều các loại máy gặt đập liên hợp.

Tuy nhiên, do hiện nay số lượng máy gặt đập liên hợp trên địa bàn còn khá ít so với nhu cầu nên để đảm bảo tiến độ thu hoạch, nông dân phải thuê mướn máy từ nhiều địa phương khác trong cả nước. “Sự việc trên xảy ra có thể là do cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ máy gặt với nhau. Đây là một hành vi không thể chấp nhận, đáng lên án và cần phải loại bỏ”, một cán bộ huyện Triệu Phong cho hay.

Xem thêm
Cựu Phó Giám đốc Sở nghĩ chuyến bay giải cứu là cơ hội 'kiếm tiền'

Tại phiên tòa xét xử vụ 'Chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2, cựu PGĐ Sở Ngoại vụ Thái Nguyên thừa nhận đã lợi dụng việc đưa người về cách ly Covid-19 để trục lợi.