Lai tạo giống cam ưu việt
Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI), thời gian qua, cam sành có hạt được nông dân các tỉnh ĐBSCL như Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh... trồng khá phổ biến. Tuy nhiên, nhược điểm của giống này là có nhiều hạt, vỏ dày nên khó đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng cho mục đích ăn tươi và chế biến nước ép quả.
Ngoài ra, giống này cũng thường xuyên bị ba loại bệnh vàng lá Greening, thối rễ, vàng lá gân xanh và tri-tê-da rất khó trị. Trong đó, bệnh vàng lá gân xanh được xem là bệnh gây ra nhiều thiệt hại nhất, mang tính hủy diệt cao, có thể làm chết cây, giảm khả năng cho trái. Nguyên nhân là do nông dân khai thác đất quá nhiều năm, chỉ trồng một loại cây nên đất nhanh bị bạc màu, mầm bệnh lưu tồn cao...
Tiến sĩ Trần Thị Oanh Yến và các nhà khoa học thuộc Viện SOFRI đã thực hiện nghiên cứu trên giống cam sành, tạo ra được giống/dòng cam sành mới kháng bệnh cao, không hoặc ít hạt, hình dạng quả đẹp, phẩm chất ngon từ cây cam sành thương phẩm đang được ưa chuộng trong sản xuất. “Số hạt trong một quả cam là một trong những yếu tố hạn chế tiêu thụ cam, quýt tươi ở cả thị trường trong và ngoài nước. Do đó, trong việc chọn tạo giống cây có múi ở Việt Nam cũng như trên thế giới, mục tiêu chính là chọn được giống không hạt, đẹp, ngon, chống được sâu, bệnh hại nguy hiểm” TS Yến chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Yến, bằng phương pháp chọn tạo qua xử lý đột biến bằng tia gamma, từ dòng cam sành (CS8) có số lượng 10-23 hạt/quả. Sau khi được chiếu xạ đã tạo ra được dòng cam sành không hạt mang tên LĐ6 với nhiều đặc tính nổi trội như: Tỷ lệ hạt phấn bất dục cao (70%), số hạt/quả thấp (dưới 2 hạt/quả) và ổn định trong tất cả các quả ở tất cả các cây. Giống cam sành mới này có thịt quả màu vàng cam, sáng đẹp, vỏ quả ít sần và bóng hơn so với cam sành hiện tại. Khối lượng quả trung bình của LĐ6 là 237gram, nước quả nhiều (trên 40%), vị ngọt chua, mùi thơm đặc trưng. Năng suất của LĐ6 khá cao (20-25kg/cây/năm đối với những cây 3 năm tuổi).
“Để tạo được giống cam này, nhóm nghiên cứu đã thu nhận cành cam từ giống cam sành dòng CS8, cắt bỏ lá, rửa sạch, bao lại bằng giấy giữ ẩm, đặt vào túi nylon, giữ ở nhiệt độ 4-80C một đêm rồi mang đi chiếu xạ. Mầm ngủ đã chiếu xạ được giữ trong tủ lạnh 4-80C một đêm rồi ghép trên gốc ghép Volkameriana 8-10 tháng tuổi trong nhà lưới. Khi mầm ngủ nảy mầm và cây cao 50-60cm (khoảng 6 tháng sau) thì đem trồng. Ở tất cả các cây khảo nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thu được cam có số hạt thấp (dưới 2 hạt mỗi quả). Thịt quả màu vàng cam, sáng đẹp, vỏ hơi nhẵn và bóng hơn cam sành đối chứng, vị ngọt chua giống như cam sành thương phẩm. Từ thành công này, Viện Cây ăn quả miền Nam kiến nghị nên ứng dụng tia gamma trong xử lý chiếu xạ tạo dòng đột biến cải thiện số lượng hạt/quả, chất lượng quả hay màu sắc thịt, vỏ quả… trên các giống cây có múi và các chủng loại cây ăn quả khác” TS Yến tiết lộ .
Để phát huy tối đa hiệu quả của giống, Viện SOFRI dành nhiều thời gian nghiên cứu qui trình trồng và chăm sóc cây cam sành không hạt LĐ6 theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, bên cạnh các biện pháp tỉa cành tạo tán, bón phân hữu cơ,... quy trình cũng xác định rõ thành phần sâu bệnh hại và thành phần vi sinh vật có lợi trên vườn cây để nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả hơn. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không dư lượng thuốc BVTV, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Khi canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, giống cam sành không hạt LĐ6 không chỉ hạn chế được các loại bệnh khó trị mà giống này trồng sau 3 năm cho năng suất đạt trên 10-15 tấn/vụ/ha và đạt bình quân trên 35 tấn/ha đối với cam trưởng thành, với giá bán dao động từ 15.000 -25.000 đồng/kg đem lại thu nhập cao và ổn định cho bà con nông dân.
Từ những ưu điểm vượt trội đó, giống cam sành không hạt LĐ6 của viện SOFRI đã được Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng năm 2019.
Cây giống có tỷ lệ sống 99%
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu nhân giống và thử nghiệm thành công mô hình trồng sản xuất cam sành LĐ6 theo tiêu chuẩn VietGAP, Viện SOFRI đã phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh thực hiện dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nhân giống, trồng cam sành không hạt chất lượng cao cho bà con nông dân ứng dụng vào sản xuất, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh, năm 2019, trung tâm phối hợp với Trung tâm Giống tỉnh Trà Vinh thực hiện sản xuất 100.000 cây giống cam sành không hạt LĐ6 sạch bệnh trong nhà lưới với diện tích 900 m2 đạt tiêu chuẩn nhân giống tại ấp Bến Có, xã Nguyệt Hoá, huyện Châu Thành. Đồng thời, xây dựng 4 mô hình tại 18 nông hộ trồng cam không hạt trên tổng diện tích 20 ha tại các huyện Châu Thành, Cầu Kè.
Nhờ giống chuẩn, thích nghi rất tốt với điều kiện đất đai thổ nhưỡng tại địa phương cùng quy trình canh tác tiên tiến, khoa học, tất cả cây to khỏe, không sâu bệnh, năng suất và chất lượng quả tốt. Thực tế, cam sành không hạt có giá trị cao hơn so với cam sành thông thường từ 30 đến 50% do giảm được chi phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV nên được chính quyền địa phương và người dân rất đồng tình ủng hộ.
Cụ thể, tại xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, mô hình dự án được thực hiện tại 5 nông hộ với 6.426 cây giống, gieo trồng trên diện tích 5 ha. Sau 2 năm chăm sóc, số lượng cây sống đạt tỷ lệ 99%, sinh trưởng và phát triển tốt, không bị nhiễm bệnh Greening, Tristera và bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi. Hiện, cây đã phát triển cao 1,8-2,3 m và đang kết trái, dự kiến năng suất đạt không dưới 10 tấn/ha .
Hộ ông Trương Văn Thạnh, xã Lương Hòa A cho biết, gia đình ông có 2 ha đất hồi trước trồng lúa hiệu quả kinh tế không cao nên từ lâu ông mong muốn chuyển đổi qua trồng cam. Đến nay, khi được địa phương hỗ trợ cây giống, phân bón ban đầu nên ông quyết tâm đầu tư chuyển đổi mô hình. Ông Thạnh hào hứng chia sẻ: “Lúc mới bắt tay vào trồng, gia đình tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn do ở đây cây cam sành đã có thương hiệu, nhưng riêng giống cam sành không hạt LĐ6 vẫn đang là giống khá mới. Ai cũng cho rằng tôi trồng cam sành không hạt là quá mạo hiểm, nhưng tôi vẫn quyết tâm trồng vì tin giống cam này sẽ hiệu quả và… đột phá!
Theo ông Thạnh, hiện nay 2 ha cam sành giống mới của gia đình ông đang phát triển xanh tốt, dự kiến vụ này đem lại thu nhập không dưới 100 triệu đồng.
Trao đổi với NNVN, ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh Trà Vinh có trên 3.200 ha cam sành, trong đó trồng tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Kè, với hơn 2.000 ha. Đến nay, các giống cam tại địa phương đang trong tình trạng bị thoái hóa nên khả năng chống chịu sự khắc nghiệt của môi trường và sâu bệnh ngày càng giảm sút, năng suất và chất lượng trái cũng giảm dần… Trong khi đó, giống cam sành không hạt LĐ6 lại có rất nhiều ưu điểm như trái đẹp, mọng nước và ngọt nên có nhiều khả năng cạnh tranh trên thị trường.
“Ðây là mô hình sản xuất cam sành không hạt an toàn đầu tiên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giúp người dân làm giàu. Thời gian tới địa phương sẽ đánh giá lại năng suất, hiệu quả, trên cơ sở đó sẽ tiến hành nhân rộng. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị đa dạng hóa sản phẩm cây trồng tại địa phương”, ông Lê Văn Lâm nhấn mạnh.