| Hotline: 0983.970.780

Cởi trói cây dược liệu

Cần cái 'bắt tay' giữa nông nghiệp và y tế

Thứ Năm 20/05/2021 , 10:12 (GMT+7)

Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp và y tế đang là đòi hỏi tất yếu để vực dậy tiềm năng cây dược liệu nước nhà trong giai đoạn tới.

Thiếu bàn tay ngành nông nghiệp

Là đơn vị duy nhất của ngành y tế đảm nhiệm vai trò nghiên cứu về cây dược liệu, trong bối cảnh nhu cầu sản xuất cây dược liệu trong nước ngày càng rộng, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) hiện cũng đang đứng trước rất nhiều cơ hội lẫn khó khăn, đặc biệt là khâu hợp tác, chuyển giao giống, quy trình kỹ thuật ra sản xuất.

Viện Dược liệu gần đây đã phát triển một số giống cây dược liệu mới. Ảnh: Lê Bền.

Viện Dược liệu gần đây đã phát triển một số giống cây dược liệu mới. Ảnh: Lê Bền.

Lâu nay, Viện chủ yếu chỉ tập trung cho khâu nghiên cứu. Để chuyển giao ra sản xuất với số lượng lớn, cần hệ thống về nhân lực, hạ tầng, cũng như điều kiện cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, cần có các trung tâm, đơn vị, doanh nghiệp có tiềm lực, đủ các điều kiện, được cấp phép mới có thể nghiên cứu, khảo nghiệm, công nhận giống, nhân giống…

Điều này hiện nay bên ngành nông nghiệp đã có một bề dày và hệ thống rất bài bản, chặt chẽ, tuy nhiên về mảng cây dược liệu vẫn đang mới ở giai đoạn bước đầu. Vì vậy, rất cần sự phối hợp, cùng vào cuộc của ngành nông nghiệp, cả về vấn đề nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao, lẫn công tác quản lý nhà nước về cây dược liệu.

Một ví dụ để cho thấy sự cấp thiết này, đó là vấn đề về quản lý giống cây dược liệu. Hiện nay, một số giống cây dược liệu phổ biến, Viện Dược liệu cũng đã có quy trình về sản xuất giống, quy trình canh tác, phòng trừ sâu bệnh… Tuy nhiên, trong khi công tác quản lý về giống cây dược liệu chưa thể đi vào quy củ, không phải nơi nào, người dân cũng có thể tiếp cận được nguồn giống đảm bảo chất lượng…

Hiện nay, một số giống cây dược liệu có thể nhân vô tính như gừng, nghệ…, người dân có thể tự để giống, tuy nhiên đối với các giống cây dược liệu nhân giống hữu tính, phải sản xuất hạt giống vô cùng khó khăn, chưa nói tới chuyện giống lai.

Ví dụ đơn cử như cây đương quy, để có hạt giống đảm bảo chất lượng, phải trồng 2-3 năm mới được thu hạt làm giống. Quy trình sản xuất hạt giống rất chặt chẽ, cành lấy hạt phải là cành cấp 1, cấp 2, quy trình tuyển chọn, thu hoạch, bảo quản… nghiêm ngặt.

Không phải nơi nào, người dân cũng có thể tiếp cận được nguồn giống dược liệu đảm bảo chất lượng. Ảnh: TL.

Không phải nơi nào, người dân cũng có thể tiếp cận được nguồn giống dược liệu đảm bảo chất lượng. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, người dân rất nhiều nơi hiện nay chỉ cần cây đương quy ra hoa năm đầu tiên, cứ có hạt là thu về làm giống, khiến chất lượng hạt giống không đảm bảo tiêu chuẩn, vườn cây bị thoái hóa, sụt giảm rất mạnh về năng suất, chất lượng các vụ sau.

Trước đây, khi cây dược liệu mới chỉ được sản xuất trên quy mô nhỏ lẻ thiệt hại do giống không đảm bảo chất lượng còn nhỏ, nhưng càng ngày, khi sản xuất càng lớn, thiệt hại, rủi ro do chất lượng giống sẽ nặng nề hơn.

Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây dược liệu hiện nay cũng là vấn đề mà các đơn vị sản xuất cây dược liệu ở nhiều địa phương rất lúng túng và khó khăn. Một số cây dược liệu, khi trồng nhỏ lẻ, trồng xen chưa phát hiện sâu bệnh nghiêm trọng, nhưng khi phát triển trồng tập trung quy mô lớn, ngày càng phát sinh rất nhiều sâu bệnh hại.

Hiện nay, Viện Dược liệu đã và đang thực hiện nghiên cứu, giám định, xây dựng quy trình quản lý tổng hợp sâu bệnh hại cho một số cây dược liệu, tuy nhiên cần có thêm những nghiên cứu sâu và bài bản trên các đối tượng sâu bệnh hại cây dược liệu, cũng như quy trình phòng trừ hiệu quả. Vì vậy, loại cây dược liệu nào có nguy cơ sâu bệnh gì, phòng trừ ra sao, sử dụng loại thuốc gì, sử dụng theo quy trình nào để an toàn, không gây tồn dư hóa chất cũng đang là vấn đề cần có sự vào cuộc, phối hợp căn cơ của ngành nông nghiệp, nhất là ngành bảo vệ thực vật.

Hướng tới tiêu chuẩn GACP-WHO

Cũng giống như cây nông nghiệp, để phát triển tốt nhất một loại cây dược liệu, đòi hỏi phải có những nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá một cách tổng thể từ khâu nghiên cứu, chọn tạo giống, đánh giá sự phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, quy trình canh tác, quy trình phòng chống sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế bảo quản…

Các nghiên cứu của Viện Dược liệu mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu phát triển thực tế. Ảnh: Lê Bền.

Các nghiên cứu của Viện Dược liệu mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu phát triển thực tế. Ảnh: Lê Bền.

Những năm qua, Viện Dược liệu đã có những nghiên cứu tổng thể đó đối với một số loài cây dược liệu quan trọng, sản xuất lớn ở nước ta. Tuy nhiên, là đơn vị duy nhất của ngành y tế nghiên cứu về cây dược liệu, các nghiên cứu của Viện mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu phát triển thực tế về cây dược liệu, cũng như số lượng đồ sộ về loài dược liệu hiện nay.

Khác với ngành nông nghiệp hiện nay đã có hệ thống chặt chẽ từ quản lý nhà nước tới khâu sản xuất, thương mại về cây trồng, các doanh nghiệp trong ngành dược hiện nay lại đang gặp rất nhiều hạn chế và khó khăn trong việc tổ chức sản xuất nguyên liệu từ cây dược liệu.

Các doanh nghiệp dược hiện thường chọn một số đối tượng cây dược liệu chủ lực để phát triển, làm nguyên liệu cho chế biến, bào chế ra các sản phẩm dược (thuốc, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền…).

Cây dược liệu có đặc thù khắt khe hơn rất nhiều so với cây nông nghiệp, bởi đây là nguyên liệu đầu vào của thuốc y học cổ truyền và ngành công nghiệp dược. Vì vậy, cây dược liệu không chỉ là cây trồng đáp ứng được các yêu cầu về mặt kinh tế cho người trồng như năng suất, chất lượng, giá cả, mà còn phải đạt các yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về dược tính, tồn dư hóa chất, liên quan tới quy trình chăm sóc, bón phân, phòng, trừ sâu bệnh…

Cây dược liệu có đặc thù khắt khe hơn rất nhiều so với cây nông nghiệp, bởi đây là nguyên liệu đầu vào của thuốc y học cổ truyền và ngành công nghiệp dược. Ảnh: Lệnh Thắng.

Cây dược liệu có đặc thù khắt khe hơn rất nhiều so với cây nông nghiệp, bởi đây là nguyên liệu đầu vào của thuốc y học cổ truyền và ngành công nghiệp dược. Ảnh: Lệnh Thắng.

Nguồn nguyên liệu cây dược liệu trước khi đưa vào bào chế dược phẩm, sẽ phải được kiểm tra, đảm bảo nhiều điều kiện về chất lượng, phương pháp sơ chế, bảo quản…

Để có nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo các yêu cầu theo quy định của ngành y tế, hiện nay các doanh nghiệp dược thường phải tự đứng ra tổ chức sản xuất nguyên liệu cây dược liệu, liên kết rất chặt chẽ với nông dân, HTX…

Nhiều doanh nghiệp phải huy động cả dược sỹ, nhân viên kinh doanh trực tiếp đứng ra tổ chức sản xuất, quản lý, giám sát vùng trồng… Và đương nhiên, họ không thể có chuyên môn sâu về nông học, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại… như đối với các chuyên gia của ngành nông nghiệp. Vì vậy, chi phí, giá thành sản xuất nguyên liệu cây dược liệu thường khá tốn kém. Trên thực tế, các doanh nghiệp dược thường không thu được lợi nhuận đáng kể ở khâu sản xuất cây dược liệu, mà lợi nhuận chủ yếu từ khâu chế biến thành dược phẩm sau này.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã liên kết với các trung tâm dịch nông nghiệp tại các địa phương để giám sát, quản lý, tổ chức sản xuất cây dược liệu. Điều này cho thấy, nếu có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp dược và hệ thống các đơn vị chuyên ngành nông nghiệp ở các địa phương trong sản xuất cây liệu, sẽ vừa đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của ngành y tế, vừa giảm được chi phí sản xuất và hạ giá thành. Đây là hướng đi mà bản thân các doanh nghiệp trong ngành dược hiện cũng rất mong muốn.

Ngành y tế cũng đang có cơ chế để khuyến khích, hướng tới xây dựng và quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành dược đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng quy trình GACP-WHO. Ảnh: Lệnh Thắng.

Ngành y tế cũng đang có cơ chế để khuyến khích, hướng tới xây dựng và quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành dược đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng quy trình GACP-WHO. Ảnh: Lệnh Thắng.

Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã có quy định tất cả các thuốc, thực phẩm chức năng đều phải được sản xuất trong nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP. Với cây dược liệu, hiện việc sản xuất đa số vẫn đang được trồng như đối với cây nông nghiệp.

Tuy nhiên, ngành y tế cũng đang có cơ chế để khuyến khích, hướng tới xây dựng và quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành dược đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng quy trình GACP-WHO (GACP là viết tắt của Good Agricultural and Collection Practices, tức Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái đối với cây dược liệu).

Hiện Bộ Y tế cũng đã có các quy định chặt chẽ về việc kiểm tra, đánh giá, cấp chứng nhận vùng trồng cây dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Để khuyến khích việc áp dụng sản xuất cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO, ngành y tế đã có các cơ chế, chính sách ưu tiên đối với các sản phẩm thuốc, dược liệu đạt được tiêu chuẩn này vào phục vụ trong hệ thống các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên cũng giống như chứng nhận GAP trong ngành nông nghiệp, việc triển khai sản xuất cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP - WHO (hoặc sản xuất hữu cơ) hiện nay không phải nơi nào cũng làm được. Hiện cả nước mới chỉ có khoảng 60 vùng trồng, với khoảng 40 loài cây dược liệu được cấp chứng nhận GACP - WHO. Đây đa số là các vùng trồng cây dược liệu do các doanh nghiệp dược trực tiếp tự tổ chức sản xuất nhằm đảm bảo yêu cầu về chất lượng nguyên liệu cho sản xuất dược phẩm.

TS Phan Thúy Hiền, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu (Bộ Y tế)

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Một xã vùng cao có 26 con trâu bò chết nghi do ung khí thán

NGHỆ AN Nhiều hộ dân tại bản Huồi Mũ của xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang hoang mang khi trâu, bò bỗng dưng chết hàng loạt.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.