| Hotline: 0983.970.780

Cận cảnh từ nhà vách đất ở thôn quê đến khu ổ chuột trên phố Venezuela

Thứ Năm 08/11/2018 , 14:05 (GMT+7)

Ngôi nhà rất tạm bợ, trên cửa có dòng chữ in to “Máu của đức Chúa Jesu thấm vào bạn”. Người Venezuela nói chung là rất mộ đạo, ông bà Các Me Lồ cũng vậy. Trong nhà không có một cái giường nào mà chỉ có 2 cái võng mắc chéo qua gian buồng chật chội, tăm tối vì bóng điện đã hỏng...

 


Siêu thị của huyện Calabozo thuộc bang Guarico cái lớn thì thiếu hàng, cái nhỏ thì phân nửa kệ để trống, khan nhất là các loại lương thực, thực phẩm… Tôi cùng ông Bùi Văn Bính-một thành viên của đoàn chuyên gia Việt Nam ra ngoại vi thị trấn. Những ngôi nhà của nông dân nghèo xây rải rác cái thì vách đắp đất, cái thì vách gạch bê tông với mái tôn cũ kỹ.
 

Siêu thị vắng hàng thực phẩm


Chúng tôi dừng chân trước ngôi nhà của Các Me Lồ-bạn già của ông Bính, gọi mãi chẳng ai thưa, có thể là do khoảng cách giữa nhà và cổng quá xa nên ông Bính chui tọt luôn qua cái song sắt mất một nan để vào. Lát sau rồi cũng thấy ông Các Me Lồ giương mục kỉnh ra mở cửa, xăm xắm mời. Vợ ông-người đàn bà nhỏ thó, da đen sạm, mặt đầy vết nhăn khẽ gật đầu chào rồi lại ngồi xuống cái ghế cũ kỹ trước sân nhà, lặng im như một pho tượng. Xa xa phía góc vườn là một cái ô tô đã hoen rỉ trông chẳng khác đống sắt vụn.

Ngôi nhà rất tạm bợ, trên cửa có dòng chữ in to “Máu của đức Chúa Jesu thấm vào bạn”. Người Venezuela nói chung là rất mộ đạo, ông bà Các Me Lồ cũng vậy. Trong nhà không có một cái giường nào mà chỉ có 2 cái võng mắc chéo qua gian buồng chật chội, tăm tối vì bóng điện đã hỏng tự lúc nào.
 

Đồ ăn của vợ chồng Các Me Lồ


Khi ánh đèn pin trên tay ông Các Me Lồ rọi loang loáng tôi thấy rõ mấy buồng chuối nửa xanh, nửa ương trong góc nhà. Hai cái xoong lớn lấm lem bồ hóng bởi đun bằng bếp củi dù gas ở đây gần như là miễn phí nhưng ông bà lại không có bếp. Trong cái xoong lớn hơn có ít cơm sột sệt trộn với một hai thứ rau, củ nào đó, trong cái xoong nhỏ có vài cái bánh sắn luộc buộc túm lại bằng bẹ ngô.

Ngôi nhà bé nhỏ, chủ nhân của chúng cũng bé nhỏ như lọt thỏm trong khu vườn với những cái cây khổng lồ, với khỉ chuyền cành, chim lích chích bên trên. Xa hơn nữa là vườn chuối, vườn ngô, vườn đu đủ mọc lẫn cùng cỏ dại, chỉ cần với tay ra là có cái ăn. Không có đất nên họ nhận trông hộ vườn lấy hoa lợi để sinh sống. Cuộc sống bằng phẳng như mặt hồ, không đói, không buồn mà hoàn toàn chấp nhận. Mặt hồ ấy chỉ có chút gợn sóng khi mới đây lũ cướp kéo đến, chìa dao dọa cắt đầu nếu chống lại.
 

Tác giả chụp ảnh chung với vợ chồng Các Me Lồ


Ông bà ngoan ngoãn để chúng dắt đi 4 con dê lớn trong đàn dê có 5 con của mình. Tài sản của họ chỉ còn dê nhỏ như một con chó, trị giá chừng 4-5 USD nhưng cũng không lấy thế làm buồn. Dân Venezuela làm đến đâu, có đến đâu ăn đến đó. Chồng đi làm còn vợ ở nhà bếp núc, con cái 3-4 tuổi đã biết lẫm chẫm ra vườn kiếm cái mà nhai.

Ông Các Me Lồ trước đây nhận làm bảo vệ thời vụ ở cánh đồng lúa Việt Nam nên kết thân với ông Bùi Văn Bính và gọi nhau là “amigồ”. Ông Bính tuần nào cũng tranh thủ đánh máy cày đến thăm bạn, có thuốc lá, bánh kẹo hay cơm gạo gì đều san sẻ cho. Lúc “amigồ” bị dao cắt vào tay còn cho kháng sinh, lúc vợ của “amigồ” ho còn cho siro vì họ không có tiền để đi viện tư còn viện công lại quá xa và thường hay quá tải. Ông Các Me Lồ cũng thế, mỗi lần gặp ông Bính đều ra vườn chặt mía, bẻ ngô, bứt đu đủ hay hái hoa chuối để cho bạn về làm nộm.

Khoảng 2-3 tháng một lần ông bà được một hộp đồ ăn cứu trợ gồm 3 gói bột ngô, 2 hộp cá, 1 gói đậu, 4 kg gạo, 1 lít dầu ăn, 1 gói cà chua xay, 1 hộp nước sốt mà chỉ phải trả với cái giá tượng trưng 70 Bô mới, tương đương với 2/3 USD. Số lương thực, thực phẩm ấy đủ cho cả hai ăn khoảng 10 ngày, còn lại đều phải nhờ vào khoản thu nhập cỡ 1.800 Bô mới (tương đương 10 USD)/tháng của người chồng.
 

Sống trong khung cảnh nên thơ ở vùng nông thôn Guarico nhưng lại quá nghèo. Con dê là tài sản có giá nhất của ông bà Các Me Lồ


Thanh niên ở đây người nào người nấy đều nặng trung bình cỡ 70-80 kg trở lên. “Đó là đã sa sút nhiều so với trước đấy”, ông Bính nhận xét. Gần năm trước khi ông sang, ai nấy đều nặng xấp xỉ 1 tạ. Như anh bạn Manuel trước đây nặng dễ đến 1,5 tạ, bụng chảy ra không thể cài được cúc quần mà chỉ có kéo khóa, giờ sút còn có 1,3 tạ nên tự nhiên cài được cúc.

Mỗi bữa anh này có thể ăn được 1 kg gạo nấu nhưng giờ kinh tế khó khăn nên suất ăn khá ít, không tương xứng với sức vóc. Thấy vậy, 3 người Việt của đội ông Bính sẻ mỗi người ½ suất ăn của mình, mà ăn xong xem ra Manuel vẫn còn thèm thuồng lắm.

Dân Venezuela vẫn rất quý chó mèo, bế bồng cho ăn, cưng nựng khi tắm, không mấy khi dám để chúng đi hoang, chứ không nói đến chuyện ăn thịt. Con chó của ông Các Me Lồ cũng thế, vẫn khỏe mạnh, có da, có thịt như thường.

 


Dọc theo thủ đô Caracas vẫn còn rất nhiều khu nhà ổ chuột trên núi, xây dựng lộn xộn, cảm giác chồng chất lên nhau như một chiếc ô tô chở gạch bị đổ, mỗi ngôi nhà là một góc của một viên gạch lộ ra.

Eymi, cán bộ của Fondas (Quỹ hợp tác nông nghiệp xã hội chủ nghĩa) đã mua một căn nhà ổ chuột cách đây mấy năm với giá 200 triệu Bô (tương đương khoảng vài trăm hay khoảng 1.000 USD theo thời giá cô cũng không nhớ rõ). Khu của cô không có đường ô tô lên trên nên nếu có xe phải gửi dưới để đi bộ tiếp còn có những khu nhà ổ chuột được chính phủ xây dựng cáp treo để đi lại cho thuận tiện.

Một khu nhà ổ chuột trên núi được chính phủ xây cáp treo để đi lên


Giải phóng khu ổ chuột chính là ước mơ của cố tổng thống Hugo Chavez và đương kim tổng thống Maduro nhưng chưa thành công vì kinh tế khó khăn khiến cạn nguồn tiền để xây dựng tiếp. Đi dọc Caracas có thể thấy rất nhiều khu nhà ở xã hội đang xây dựng dở, trơ nền móng xi măng, cốt thép xám xịt lên bầu trời.

Tôi đã dành ra cả một buổi để lang thang ở khu nhà ở xã hội Basurero, ngoại vi của Caracas, nó đồ sộ, thông thoáng.

Ở trong đó có đủ tất sân chơi, sân đỗ xe, nhà trẻ, trường học… và người dân cũng vẫn béo tốt, vui tươi như thường. Nhà ở xã hội chủ yếu dành cho quân nhân, người tàn tật, người ở trên núi xuống. Eymi không đạt chuẩn để nhận một căn như vậy.
 

Cận cảnh một khu nhà ổ chuột ở thủ đô Caracas


Mỗi tháng 1 lần, nhà nước cho cô một gói cứu trợ gồm vài cân bột ngô hay mì Ý, 2 chai dầu ăn, 1 kg đường… tổng cộng chừng 10 kg. Lương của Eymi khoảng 15 USD/tháng, chồng cô là vệ sĩ tư cho nhà giàu, lương khoảng 20 USD. “Số lương và trợ cấp ấy nếu chưa có con thì còn đủ sống”, cô vừa nói vừa nhìn nhanh xuống cái bụng đã lùm lùm của mình nhưng không lộ chút nào lo lắng mà còn nhoẻn miệng cười rất tươi. 

Chuyện trai gái ở Venezuela khá thông thoáng nhưng luật pháp lại rất nghiêm ngặt. Vợ biết chồng cặp bồ, có chứng cứ đầy đủ kiện ra tòa là người chồng chỉ còn nước xách va li ra đường, để hết tài sản nhà cửa ở lại, hàng tháng còn phải chu cấp cho con cái nữa.

Federico- tài xế của Fondas cũng đang sống ở một khu ổ chuột cùng vợ, 2 đứa con gái và 3 đứa cháu. Hàng tháng, vợ chồng ông được 1 túi hỗ trợ, 2 người con đã có gia đình được thêm 2 túi nữa nhưng vẫn còn thiếu ăn. Đồng lương tháng 15 USD của ông chỉ đủ mua ít muối, 1 kg thịt bò, 1 vỉ trứng 30 quả, 1 kg pho mát nên mỗi ngày gia đình chỉ ăn 2 bữa với thức ăn chính gồm cơm và tí đậu nấu.

Chuyện nhặt nhạnh thức ăn ở bãi rác thì năm ngoái cũng có một người ở khu của ông Federico có đi nhưng năm nay do các gói hỗ trợ của chính phủ đều hơn nên bớt nhiều: “Những kẻ đi nhặt rác để tìm thức ăn đều là những người lười cả”.

Ông Federico bảo trước thời Hugo Chavez ai mà làm việc chăm chỉ thì sống tốt hơn thời này. Tuy nhiên thời này lại có những ưu thế riêng như giúp người nghèo như ông có tiếng nói trong xã hội, con em của họ được vào đại học, được tiếp cận với hệ thống y tế công…

Ông khoe với tôi tấm thẻ yêu nước do đảng của Tổng thống Maduro mới cấp cho 1 năm trước. Thẻ này được cấp không nhất thiết yêu cầu phải bầu cho tổng thống mà là để ủng hộ chính sách xây dựng một nước Venezuela giàu mạnh, độc lập nên nhiều đảng viên đối lập cũng đăng ký.

Venezuela có rất nhiều đảng phái nhưng có hai đảng lớn là Đảng đoàn kết xã hội chủ nghĩa của ông Maduro và Đảng đoàn kết dân chủ của phe đối lập.
 

Những khu nhà ổ chuột ở thủ đô Caracas

 

10 ngày ở Venezuela:

[Bài 1] >> Nghèo đến mức khách sạn không giấy vệ sinh, không nước... nhưng rất hào phóng

[Bài 2] >> Hòa nước muối ăn cơm giúp bạn Venezuela làm lúa nước

[Bài 3] >> 400 tấn lúa giống quý hơn vàng trong bối cảnh khó khăn bủa vây bốn bề Venezuela

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.