Đất đai của Cty quản lý thủy lợi XHCN Guarico màu mỡ, rộng mênh mông nhưng ngay cả rau cán bộ cũng phải đi mua. Lúa chín rũ ngoài đồng nhưng có chỗ hơi lầy thụt máy gặt không xuống được công nhân cũng không chịu cắt tay, bỏ mặc cả ha cho chim ăn.
Công nhân đi làm phải có ô tô đưa đón, không có sẽ không chịu đi bởi họ không có phương tiện cá nhân mà lại đã quen nếp sống cũ. Ngay cả lái xe của đoàn chuyên gia Việt Nam, một người ở xa không về được đã đành nhưng một người nhà chỉ cách có 3-4 km nhưng sáng có lái xe đi đón, tối có lái xe đưa về.
Chuyên gia Việt Nam ăn trưa tại điểm thực hiện dự án. |
Xe đi từ 7h lòng vòng đón xong công nhân cuối cùng cũng cỡ 9h sáng, đổ quân xuống, điểm danh cho đủ mặt chấm công rồi làm quấy quá đến trưa ngồi nghỉ khoảng 1 h để ăn cơm rồi làm tí chút, đợi khoảng 3h30 lại đưa về. Dù chỉ còn vài cây cỏ nhổ cố tí là xong nhưng cứ hết giờ là nhất định về, để đấy, mai đã. Mọi thứ được hứa hẹn ngày mai ở Venezuela thường là ở thì tương lai xa.
Lúc đầu đoàn chuyên gia Việt Nam cùng các lao động được Cty đưa đón bằng xe 45 chỗ, sau một tháng xe hỏng chuyển sang loại 16 chỗ. Xe này hỏng lại chuyển sang xe tải. Xe tải hỏng lại chuyển sang xe ben. Thùng xe ben cao chót vót không có bậc để leo xuống nên khi đến địa điểm tập kết nó từ từ dốc đổ…chuyên gia xuống như đổ gạch, đổ đất. Không chỉ xe con mà khoảng 70-80% xe buýt ở đây không thể hoạt động vì thiếu phụ tùng thay thế nên chủ yếu chở người bằng xe tải.
Chuyên gia Việt Nam hướng dẫn trẻ em Venezuela trồng lúa |
Lao động thuê bên ngoài có chăm chỉ hơn và khỏe đến mức có thể quẩy bao thóc giống 50 kg lội phăm phăm trong bùn đi gieo vãi mà tay vẩy dẻo như múa hay đội lên đầu 2 bao phân nặng tới 1 tạ đi thoăn thoắt. 1 công như vậy khoảng trên dưới 10 triệu Bô cũ/ngày tức chưa tới 1 USD. Tại thời điểm suy thoái kinh tế này, hàng hóa vật dụng cho người dân nói chung và người lao động nói riêng lại càng khó khăn. Một chiếc túi xách hay ba lô đựng đồ đi làm giá có thể 40, 50 USD tương đương khoảng 3-4 tháng lương.
Bởi thế họ rất sáng tạo khi dùng chiếc thùng sơn rỗng để thay thế vừa bền vừa không sợ bị mưa ướt. Người ta có thể đựng trong đó 1 bộ quần áo, 1 chai nước uống, 1 đôi găng tay bảo hộ, 1 hộp hay cặp lồng đựng đồ ăn trưa, 1 kính bảo hộ, 1 bộ áo mưa...Ở đây xe buýt hầu như không có nên người ta hay ra đường chờ đợi vẫy xe tải đi nhờ. Khi đó chiếc thùng sơn là ghế ngồi chờ và cũng là ghế ngồi khi trên xe tải. Gặp xe tải cao có thể dùng làm ghế kê để trèo lên xuống xe. Chiếc thùng sơn có quai xách tiện lợi và chắc chắn hơn ba lô hay túi xách nhiều mà có thể xin dễ dàng hoặc mua với giá rẻ 1-2 USD trở thành một vật dụng độc đáo nhất thế giới, chỉ có thể bắt gặp ở Venezuela.
Chiếc vỏ thùng sơn đa năng của nông dân Venezuela |
Đoàn Việt Nam chia sẻ với bạn từ miếng cơm, hớp nước đến hộp cao sao vàng. Người làm thuê rất hảo ngọt. Trước đây khi 1 chai coca loại 2 lít giá chỉ khoảng 1 USD họ thường mua chia nhau uống nên siêu thị luôn bị cháy hàng, giờ giá tăng vọt lên 3 USD/chai thành ra không ai dám phung phí, kệ lại đầy ăm ắp. Thèm của ngọt mà đường thì rất hiếm nên lao động Venezuela hay mang trong túi vài quả chanh hái trong vườn đợi chuyên gia Việt Nam mang đường đến để pha.
3 chuyên gia, 2 cán bộ kỹ thuật, 2 công nhân cơ khí, 4 công nhân trồng trọt, 2 phiên dịch Việt Nam được phân làm 2 đội sản xuất. “Sở chỉ huy” của mỗi đội trưởng là một gốc cây lớn nơi đó họ kê vài viên gạch để ngồi sát sao mọi chuyện. Làm việc hầu như không có thứ bảy, chủ nhật, lắm hôm 7-8 h tối đoàn mới về, mệt nhoài định đãi nhau mỗi người 1 que kem nhưng thẻ ATM không còn đủ tiền nên bấm bụng mua một chai coca uống chung. Ruộng lúa ở Guarico bằng phẳng nên mỗi điểm nhô lên trở thành nơi sấm sét trút xuống. Đã từng có 5 người chết trên cánh đồng này nên mỗi lần trời nổi cơn giông gió là chuyên gia Việt Nam phải vội điều ô tô chở người đi tránh.
Ông Bính (phải) giới thiệu cái máy xát gạo mini cho ông Cruz |
Trước đây, dân Venezuela đã quen với việc sản xuất lớn, trồng lúa bằng cách cày dập cỏ rồi vãi hạt bằng máy thậm chí có cả máy bay phun thuốc trừ sâu. Giờ máy hỏng gần hết nên mới khốn đốn. Thấy chuyên gia Việt Nam làm đất kỹ rồi cắp thúng gieo hạt nhiều nông dân đi qua ngạc nhiên dừng lại xem, số bạo hơn còn vào hỏi han chi tiết. Phải dạy họ từ cách làm đất, giữ nước, gieo sạ, cuốc bờ, nhổ cỏ, cấy dặm, bón phân…để quen với sản xuất nhỏ, thích hợp với hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Một số chủ trang trại còn tin tưởng gửi gắm con em mới chỉ 10-15 tuổi cho các chuyên gia Việt Nam đào tạo nghề...
Trước cả trăm người tham dự hội nghị, ông Phạm Xuân Liêm-Trưởng đoàn chuyên gia tóm tắt bí quyết của nền văn minh lúa nước Việt Nam bằng 4 khâu: Làm đất thật kỹ, thường xuyên giữ nước, bón phân cân đối và sự chăm chỉ. Tôi thấy có ông nông dân ở sau lưng liên tục nhắc đi nhắc lại hai từ: “chăm chỉ” như niệm thần chú. Chăm chỉ gần như không có ở trong từ điển của Venezuela. Chuyên gia Việt Nam sang dạy cho họ biết rằng từng giờ đi qua đều quý báu, từng hạt mồ hôi rơi xuống đều có giá, đừng chỉ trông chờ vào trợ cấp.
Thóc gặt về, phơi ngay ở sân trước mấy người dân thấy vậy liền khuyên nên chuyển sang phơi ở sân sau đề phòng ăn cướp. Ngay cả khi có thóc trong tay rồi người dân Venezuela cũng không biết làm sao để cho ra được hạt gạo bởi ngày xưa đó là việc của các nhà máy. Thế nên cái máy xát gạo kiểu hàng xáo trị giá khoảng 10 triệu mà chuyên gia Việt Nam mang sang trở thành tâm điểm chú ý không chỉ cho đám công nhân mà còn khiến cho ông Cruz-Chủ tịch quỹ Fondas phải hào hứng...
Gốc cây này từng là “sở chỉ huy” của đội trưởng Thành |
Từng vụ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng diện tích nên kết thúc vụ này với năng suất trên 7 tấn tươi/ha dự kiến cánh đồng lúa kiểu Việt Nam với gần 100 ha sẽ cho tối thiểu hơn 400 tấn lúa khô-thứ quà còn quý hơn vàng giữa bối cảnh khó khăn bủa vây bốn bề của Venezuela. Chúng tôi đến tòa nhà của Fondas (Quỹ hợp tác nông nghiệp xã hội chủ nghĩa) để bàn bạc chuyện xử lý với “400 tấn vàng” trên thế nào.
Cruz-Chủ tịch quỹ dự định 70 % số thóc đó sẽ để làm giống còn 30% dùng để làm thực phẩm. Điều đó đồng nghĩa là vụ sau sẽ có 2.500 ha gieo trồng tương đương gặt được 15.000 tấn lúa, rồi những vụ sau nữa lại nhân lên gấp bội, khi đến mốc 2020 sẽ đạt 120.000 ha đủ lương thực để cung cấp cho 80% dân số Venezuela. “Đây không phải là một giấc mơ mà là điều hoàn toàn có thể đạt được”. Ông này tin tưởng.
Venezuela quản lý đất đai bằng cách hễ bỏ hoang 5 năm là nhà nước tịch thu. Thấy đất rẻ, một số người khuyên chuyên gia Việt Nam bỏ 100.000USD ra là có thể mua được 200 ha nhưng vì sợ an ninh bất ổn nên không ai dám. |
Còn về phía ta, điều đó hoàn toàn nằm trong tầm tay nếu bạn có đủ quyết tâm và đủ tài chính bởi Việt Nam đang mỗi năm sản xuất tới 7,7 triệu ha lúa, 120.000 ha ở đây chỉ bằng hơn 1 tỉnh chuyên canh lúa mà thôi. Chính nền văn minh lúa nước nói riêng và nền nông nghiệp nói chung đã làm rạng rỡ cho Việt Nam trên trường quốc tế chứ không phải là thứ gì khác.
Chẳng thế mà đoàn cán bộ 6 người của Venezuela tháng 9 vừa qua sang Việt Nam thăm đã vô cùng “choáng váng” trước biển lúa vàng mênh mông mỏi cánh cò bay ở đồng bằng sông Cửu Long hay những kho chứa ngồn ngộn thóc chất cao như núi. David-Giám đốc sản xuất của Fondas mô tả lại cái cảm giác ấy sướng ngất ngây như lúc vừa tu xong cả chai rượu rum vậy. Trở về nước, phía bạn mới quyết tâm xây dựng kế hoạch dài lâu cho sự tự chủ lương thực. Trước tiên sẽ là công nhận 3 giống lúa có tiềm năng nhất để đưa cho tư nhân chế biến rồi tháng 1 tới, sẽ tiếp tục sản xuất nếu dự án được kéo dài sang giai đoạn 2.
Người đàn ông này tần ngần trước tiệm bánh nhìn bảng giá... |
Khó khăn về ngoại tệ mà nhất là USD nên phía bạn cố gắng thuyết phục Việt Nam chấp nhận đồng tiền điện tử của Venezuela nhưng xem ra tính thanh khoản của nó là rất khó. Anh Lê Quốc Thanh-Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam-Giám đốc Ban quản lý dự án lúa tâm sự Việt Nam từng là quốc gia đói nghèo, phải mất 20 năm mới có thể vượt qua được cơn khủng hoảng lương thực. Nay với sự kết hợp đôi bên, Venezuela có thể vượt qua khủng hoảng đó với thời gian ngắn hơn nhiều.
Ông Đoàn Văn Thành-Phó đoàn chuyên gia kiêm đội trưởng một đội sản xuất trước khi hết nhiệm kỳ công tác 1 năm đã mấy đêm liền hầu như không ngủ mà chỉ thẫn thờ buồn bã. Thấy vậy Trưởng đoàn mới bảo lái xe chở ông này đến bên gốc cây “sở chỉ huy” quen thuộc của mình ngoài cánh đồng, châm một điếu thuốc mời rồi ý nhị rút lui. Ông Thành đã rời xứ sở Venezuela với một đôi mắt ngấn lệ. |
10 ngày ở Venezuela: