| Hotline: 0983.970.780

Cần có cơ chế thu hút nhà đầu tư làm du lịch chuyên nghiệp

Thứ Ba 08/11/2022 , 16:39 (GMT+7)

Tiền Giang Đó là kiến nghị của Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đối với ngành du lịch tỉnh Tiền Giang.

Trong khuôn khổ Lễ hội Văn hoá Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ V năm 2022, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức buổi hội thảo giới thiệu tiềm năng, điểm đến và giải pháp phát triển du lịch bền vững, hiệu quả.

Du khách tham quan nhà cổ ông Kiệt ở Làng cổ Đông Hoà Hiệp, Cái Bè. Ảnh: Minh Đảm.

Du khách tham quan nhà cổ ông Kiệt ở Làng cổ Đông Hoà Hiệp, Cái Bè. Ảnh: Minh Đảm.

Nhiều tiềm năng

Tiền Giang là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách TP.HCM 70km, nằm trải dài theo dòng sông Tiền và vươn ra biển Đông với chiều dài 120km. Tỉnh có nhiều kênh rạch chằng chịt, đan xen nhau tạo nên những cù lao như: Tân Phong, Ngũ Hiệp, Thới Sơn, Tân Long và các cồn Ngang, Cổ Lịch… Trên những dãy cù lao có nhiều vườn cây ăn trái xum xuê bốn mùa, nổi tiếng với bạn bè gần xa như xoài cát Hoà Lộc, vú sữa Lò Rèn – Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, bưởi lông Cổ Cò, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công, khóm Tân Phước.

Tiền Giang còn là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng với 22 di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia và 162 di tích cấp tỉnh gắn liền với các vị anh hùng dân tộc, sự kiện văn hoá lịch sử được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như: Di tích Rạch Gầm – Xoài Mút, di tích chiến thắng Ấp Bắc, lăng Trương Định, chùa Vĩnh Tràng, lăng Hoàng Gia, đền thờ Thủ khoa Huân, di tích khảo cổ văn hoá Óc Eo – Gò Thành, đình Long Hưng.

Các đại biểu thảo luận giải pháp phát triển bền vững ngành du lịch tại hội nghị. Ảnh: Minh Đảm.

Các đại biểu thảo luận giải pháp phát triển bền vững ngành du lịch tại hội nghị. Ảnh: Minh Đảm.

Cùng với đó, không khí trong lành, thoáng mát, lối sống chân chất, nhiệt tình nét sinh hoạt văn hoá truyền thống đặc trưng của người dân sông nước miệt vườn ĐBSCL. Tiền Giang cũng được biết đến như là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương. Bên cạnh đó, còn là quê hương của các làng nghề truyền thống nổi tiếng như tủ thờ Gò Công, nón bàng buôn Tân Hiệp, dệt chiếu Long Định, thảm xơ dừa Mỹ Tho.

Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết thêm, toàn tỉnh hiện có 13 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 5 làng nghề truyền thống. Qua đánh giá, có 4 làng nghề có khả năng phát triển du lịch như: Làng nghề bánh phồng Cái Bè, dệt chiếu Long Định, bánh – bún - hủ tiếu Mỹ Tho và đóng tủ thờ Gò Công. Với tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hoá đa dạng đã tạo nên những ưu thế và thuận lợi cho hoạt động du lịch, thu hút du khách theo hướng du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch văn hoá lịch sử và lễ hội dân gian.

Du lịch nông thôn là một trong những ưu thế tại Tiền Giang. Ảnh: Trọng Linh.

Du lịch nông thôn là một trong những ưu thế tại Tiền Giang. Ảnh: Trọng Linh.

Từng bước phục hồi

Theo ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết: Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch (doanh thu và thu hút du khách) của tỉnh đạt bình quân 9%. Riêng năm 2019, Tiền Giang đón trên 2,1 triệu lượt du khách, trong đó có 850.000 lượt du khách quốc tế, doanh thu đạt 1.160 tỷ đồng.

Sau hai năm bị tác động của dịch Covid-19, ngành đã từng bước thực hiện các giải pháp sớm phục hồi. Trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng lượt du khách đến Tiền Giang đã đạt trên 600.000 lượt, trong đó có 36.000 lượt du khách quốc tế và doanh thu đạt 300 tỷ đồng. Nhiều khu du lịch, điểm du lịch mới được đưa vào hoạt động cho thấy hoạt động du lịch đã từng bước khởi sắc, ngành du lịch đã từng bước phục hồi. Tại hội thảo các đại biểu và doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã nêu ra các ý kiến, giải pháp đóng góp để ngành du lịch Tiền Giang phát triển bền vững hiệu quả.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã đề xuất 6 định hướng phục hồi ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Cụ thể như, tiếp tục nhất quán chủ trương phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với việc bảo tồn di sản văn hoá, bản sắc dân tộc. Phát huy tối ưu tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh liên kết với các địa phương. Tìm kiếm những nguồn lực ý tưởng mới, thích ứng xu hướng mới. Cần cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, blockchain, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ không tiếp xúc.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã nêu ra những định hướng phục hồi ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch và gợi ý giải pháp cho ngành du lịch Tiền Giang. Ảnh: Trọng Linh.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã nêu ra những định hướng phục hồi ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch và gợi ý giải pháp cho ngành du lịch Tiền Giang. Ảnh: Trọng Linh.

Để ngành du lịch tỉnh Tiền Giang phát triển bền vững, TS. Nguyễn Anh Tuấn đã góp ý lãnh đạo tỉnh: Sản phẩm của tỉnh Tiền Giang hiện nay nếu biết khai thác phát huy sẽ trở thành những sản phẩm hấp dẫn đáp ứng nhu cầu du khách. Vấn đề là cải thiện cơ sở hạ tầng, định hướng phát triển các sản phẩm dựa trên các ưu thế, thế mạnh địa phương, phát huy vai trò cửa ngõ ĐBSCL. Đồng thời cần có cơ chế thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Để phát triển Làng nghề gắn với du lịch, Sở NN-PTNT Tiền Giang còn đề xuất 6 nhóm giải pháp: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về quản lý và phát triển du lịch nông thôn. Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn. Đề xuất, hoàn thiện và bổ sung chính sách khuyến khích thu hút đầu tư. Tăng cường huy động các nguồn lực hợp pháp khác cho phát triển du lịch nông thôn. Khuyến khích kêu gọi các sáng kiến, ý tưởng, dự án mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch nông thôn.

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Bổ nhiệm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc

BẮC GIANG Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc thay ông Nguyễn Đức Ninh nghỉ hưu theo chế độ.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...