| Hotline: 0983.970.780

Cần duy trì hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới

Thứ Bảy 02/01/2021 , 10:06 (GMT+7)

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ Nội vụ và Bộ NN-PTNT cần sớm có văn bản thống nhất, đề nghị các địa phương duy trì hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Không để gián đoạn hoạt động của Văn phòng Điều phối nông thôn mới

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao kết quả mà Văn phòng đã đạt được, nhất là công tác tham mưu cho Trung ương và Bộ NN-PTNT để đạt được thành tích trong xây dựng NTM những năm qua.

“Năm 2020 là thời điểm kết thúc giai đoạn 10 năm xây dựng NTM, nhưng đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn. Chúng ta phải đổi lịch, chuyển lịch công tác liên tục, các công việc gần như xáo trộn nhưng văn phòng vẫn đảm bảo khối lượng công việc theo đúng tiến độ”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cũng đã phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương trong việc thẩm định, kiểm tra các chuyên đề, tổ chức các sự kiện, hội chợ OCOP (Chương tình Mỗi xã một sản phẩm).

Tuy nhiên, đến hết ngày 31/12/2020, các văn phòng điều phối NTM sẽ hết thời hạn hoạt động. Từ năm 2021, các văn phòng không được ký các văn bản để triển khai các nhiệm vụ. Do đó, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cần sớm trao đổi với Bộ Nội vụ để có văn bản thống nhất với Bộ NN-PTNT, đề nghị các địa phương duy trì hệ thống văn phòng điều phối NTM cho đến khi có chủ trương mới.

Bên cạnh đó, Văn phòng cần sớm triển khai các nội dung liên quan để Chính phủ phê duyệt đề án phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại của Việt Nam. Bởi đây là kênh quảng bá hữu ích cho nông sản Việt, nhất là các sản phẩm OCOP.

Chuẩn bị triển khai Chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025

Dự kiến, tháng 6/2021, Quốc hội khóa mới sẽ họp để xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho giai đoạn 2021 – 2025. Do đó, ngay từ bây giờ, cần xây dựng kế hoạch cụ thể và chuẩn bị các văn bản liên quan, để ngay sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, chúng ta có thể triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, vừa qua, lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Bộ Thông tin - Truyền thông đã thống nhất xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong xã NTM, phục vụ quản lý cộng đồng, hệ thống hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản, cải cách hành chính...

Qua đó thúc đẩy quảng bá sản phẩm các địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Bộ NN-PTNT cũng đã thống nhất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chương trình phát triển du lịch cộng đồng, từ đó các địa phương có cơ sở để triển khai thực hiện.

Đồng thời, hai Bộ sẽ thảo luận để tổ chức các hội thi thể thao, văn hóa, văn nghệ nông thôn nhằm khích lệ các hoạt động văn hóa tại cộng đồng các khu dân cư, mà nhà văn hóa chính là trung tâm.

Để triển khai Chương trình OCOP trong giai đoạn tiếp theo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Văn phòng Điều phối NTM Trung ương phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn để bố trí nguồn vốn từ chương trình xây dựng NTM, hỗ trợ các mô hình phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 52 của Chính phủ.

Đối với chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Tổng cục Thủy lợi tham mưu Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng tiếp tục thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ năm 2004 về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (lồng ghép vào chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn 2020).

Từ đó, Ngân hàng Chính sách xã hội có cơ sở để tiếp tục cấp tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo đầu tư các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, phục vụ xây dựng NTM.

  • Tags:
Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.