| Hotline: 0983.970.780

Cần Giờ giải bài toán phát triển bền vững thủy sản - rừng ngập mặn

Thứ Sáu 22/12/2017 , 14:06 (GMT+7)

Với hệ thống rừng ngập mặn ven biển, lợi thế của huyện Cần Giờ (TP.HCM) là phát triển nuôi trồng thủy sản. Mô hình nuôi cá, tôm dưới tán rừng không chỉ giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu, mà còn góp phần đáng kể trong việc bảo vệ “lá phổi xanh” của thành phố...

Mưu sinh dưới tán rừng

Rừng phòng hộ Cần Giờ nằm ở phía Đông Nam TP.HCM, có diện tích hơn 35.000 ha, nơi đây được mệnh danh là “lá phổi xanh” của thành phố. Có đến gần 1.000 loài thủy sinh, hàng trăm hộ dân đang sinh sống nhờ vào nghề nuôi thủy sản dưới tán rừng.

11-29-54_nh_0
Thu hoạch cá dứa

Nhiều năm qua gia đình anh Nguyễn Anh Dũng, xã Tam Thôn Hiệp sống bằng nghề nuôi ốc len, dựa vào rừng phòng hộ Cần Giờ. Hàng ngày công việc chính của anh Dũng là tuần tra bảo vệ rừng, còn nuôi ốc chủ yếu do chị Trương Thị Ánh Hồng, vợ anh đảm nhận. Ngày nào chị Hồng cũng đi thăm ốc vài lượt, xem những con nào có thể cho thu hoạch hay con nào bò ra khỏi lưới bao thì nhặt về. Anh Dũng tâm sự: “Ốc len nuôi chỉ 6 tháng đã thu hoạch, gia đình tôi nuôi theo kiểu gối đầu để có ốc thu hoạch quanh năm. Như những năm trước tôi chỉ cần đổ vài triệu tiền ốc giống, nhưng tới vụ này thị trường con giống tăng giá nên phải đầu tư gấp đôi”.

Theo anh Dũng, nuôi ốc dưới tán rừng phòng hộ không tốn tiền thức ăn, vì chúng sống bằng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên. Một kg ốc giống có giá từ 40-50.000 đồng, thu hoạch ốc thương phẩm thì bán được từ 80.000 -120.000 đồng/kg, xem như đầu tư một cho lời gấp đôi. Cuộc sống luôn ổn định gắn với rừng nhiều năm khiến anh chị chưa khi nào nghĩ đến việc sẽ bỏ rừng để về quê hay tìm việc khác.

Tương tự, anh Nguyễn Minh Dũng, quê ở Long An làm nghề đóng đáy ở rừng Cần Giờ hơn chục năm nay, gần 30 tuổi nhưng anh Bảy đã có 15 năm kinh nghiệm với nghề sông nước. Vừa chạy thuyền thả lưới anh Dũng chia sẻ: “Mình phải biết căn con nước vừa ròng vừa đứng để thả lưới đáy. Nghề đóng đáy không thể cố định vào thời gian nào mà tất cả phải phụ thuộc vào con nước ròng. Do vậy mình phải biết căn theo con nước để thả lưới mới bắt được nhiều cá”.

Theo anh Dũng, mỗi tháng từ ngày 12 đến 20 âm lịch và từ 27 đến mùng 4 tháng sau là có cá nhiều nhất. Việc đóng đáy hiện nay cũng khác nhiều so với ngày xưa phải đóng cọc và canh chừng, còn nay đóng đáy thùng khỏe hơn, chỉ cần ngồi trên ghe thả lưới xuống và đợi vài tiếng sau kéo lưới lên là bắt cá. Bình quân mỗi tháng anh Dũng đóng được 2 lần cho thu khoảng 15 triệu đồng. Gia đình anh Dũng có tới 7 người con đều sống bằng nghề đóng đáy ở rừng Cần Giờ này.

11-29-54_nh_4
Đóng đáy bắt tôm cá dưới tán rừng phòng hộ Cần Giờ

Tìm hiểu về nghề đóng đáy của người dân nơi đây cho thấy mùa này chủ yếu bắt cá đối với cá bống kèo, nếu gặp thời điểm “con nước mát” có tháng thu nhập lên tới 20 triệu đồng. Mấy chục năm trước, rừng Cần Giờ như một vùng “đất chết” vì hậu quả tàn phá nặng nề của bom đạn chiến tranh, nhưng đến nay nơi đây đã trở thành “lá phổi xanh” của thành phố và là nguồn sinh kế ổn định cho người dân nơi đây.
 

Chuyển đổi nuôi tôm sú hữu cơ

Theo BQL rừng phòng hộ Cần Giờ, để bảo vệ sự bình yên cho những cánh rừng, BQL đã giao khoán cho 144 hộ gia đình tại địa phương và 12 cơ quan đơn vị chức năng cùng tham gia bảo vệ rừng.

Dẫn chúng tôi vào tham quan mô hình nuôi tôm sinh thái của hộ bà Trần Thị Nga nằm sâu trong rừng phòng hộ, ông Nguyễn Tấn Thụy, cán bộ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản chia sẻ: “Nhiều hộ nhận giao khoán chăm sóc và bảo vệ rừng đã kết hợp thả nuôi tôm, cá dưới tán rừng, vừa tăng thêm thu nhập lại gắn liền trách nhiệm với rừng. Đây là những mô hình nuôi sinh thái dưới tán rừng phòng hộ cho hiệu quả bền vững”.

11-29-54_nh_6
Mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng phòng hộ

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân ở xã An Thới Đông hiện cũng đang đầu tư nhân rộng mô hình nuôi cá, tôm hữu cơ mang lại hiệu quả cao, mở ra hướng phát triển cho nuôi trồng thủy sản tại đây. Anh Đỗ Mạnh Hùng trang trại nuôi tôm sú hữu cơ trên diện tích 5 ha cho biết, mô hình của anh đầu tư khoảng 20 - 25 triệu đồng, tùy từng thời vụ, sau 6 - 7 tháng nuôi, tôm đạt trọng lượng 20 - 25 con/kg, với giá 180.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với cách nuôi thông thường.

Theo anh Hùng, nuôi tôm sú hữu cơ cần phải lưu ý đến nguồn nước và môi trường nuôi, nên thả một số loại cá để giữ sinh thái ổn định. Ao tôm phải trải bạt từ phần tiếp giáp mặt nước đến tận đáy; mặt đáy ao là đất hữu cơ bình thường, không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào. Con tôm sú giống được nuôi bằng bã đậu nành ủ với men chua trong vòng 45 ngày, nhanh lớn và tăng trưởng an toàn.

Để bảo vệ nguồn cá thiên nhiên quý hiếm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như mong muốn của các nhà khoa học, huyện Cần Giờ đã xây dựng nhiều mô hình nuôi thí điểm cá dứa tại xã An Thới Đông và xã Lý Nhơn.

Một trong các hộ tham gia nuôi thí điểm cá dứa đầu tiên tại xã Lý Nhơn là ông Võ Văn Sung cho biết: “Để đảm bảo độ mặn thích hợp, 2 ao của ông đều dẫn nước mặn từ cửa biển vào và giữ cho độ mặn dao động từ 5 – 20‰, đặt nhiều quạt nước để đảm bảo ôxi như ngoài tự nhiên”. Theo ông Sung, thời gian nuôi cá dứa khá dài, khoảng 17-18 tháng mới cho thu hoạch, nếu chăm sóc tốt lượng cá đạt từ 1,2 -1,5 kg/con, năng suất trung bình từ 10-15 tấn cá/ha/năm. Thương lái bắt đầu thu mua từ tháng 8 âm lịch để làm khô bán tết với giá từ 120.000-150.000 đồng/kg.

Còn bà Nguyễn Thị Nhiệm, Trưởng ban quản trị HTX Thuận Yến, chia sẻ: “Cá dứa rất khó nuôi. Chưa ai có thể thành công trong việc đem cá giống trong tự nhiên về nuôi. Ngay cá giống ép từ cá bố mẹ đã thuần dưỡng thì nuôi cũng không dễ dàng. Tuy nhiên theo tính toán tạm thời, tỷ lệ hao hụt 20% là chấp nhận được”.

11-29-54_nh_5
Mô hình nuôi đặc sản cá dứa tại HTX Thuận Yến, Cần Giờ

Trao đổi với NNVN, ông Đặng Xuân Bình, Trưởng phòng kinh tế huyện Cần Giờ cho biết: Các mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng phòng hộ và chủ yếu được thả nuôi theo các hệ thống kênh rạch. Việc triển khai mô hình nuôi tôm sinh thái gắn với việc bảo vệ rừng phòng hộ. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân ở xã Thạnh An còn chuyên nuôi hàu, cá dứa, cá chẽm, ốc hương, cua cho thu nhập rất cao. Các đối tượng nuôi trồng mới đã được đưa vào tập huấn như ốc len, ốc hương, cua hạt tiêu, cua hạt dưa, cá kèo, cá chẽm, cá bông lau, tôm càng xanh, tôm xen cua; mô hình GAP nuôi lồng bè gồm các đối tượng: hàu, cá bóp, cá mú, cá chim trắng vây vàng đã giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa nghèo bền vững.

Box: “Theo UBND huyện Cần Giờ, thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý các hoạt động dưới tán rừng luôn được huyện chú trọng thực hiện. Ngành thủy sản vẫn được xác định là ngành kinh tế chủ lực của huyện với mức tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 10,1%/năm (chiếm tỷ trọng 95,5% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp). Hàng năm có hơn 6.000 ha đất được đưa vào nuôi tôm với 3.300 ha nuôi quảng canh, 2.800 ha nuôi sinh thái dưới tán lá rừng. Mỗi năm sản lượng nuôi tôm trên 13.800 tấn, giá trị gần 1.000 tỷ đồng/năm”.

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

DT Group nhận giải thưởng Sao Vàng đất Việt

Khánh Hòa Việc DT Group được vinh danh với giải thưởng Sao Vàng đất Việt đã khẳng định cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, uy tín và chất lượng của thương hiệu rong nho.