| Hotline: 0983.970.780

Cần hướng tới nuôi cá tra theo GAP

Thứ Sáu 06/04/2012 , 10:51 (GMT+7)

Dẫu gì, con cá tra cũng mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho vùng đồng bằng; nếu người nuôi biết áp dụng BMP thì chắc chắn sẽ thành công lớn hơn.

TS Bùi Minh Tâm đang tiêm cá
Cá tra, con cá nước ngọt đặc thù của ĐBSCL, được người dân chọn nuôi ở ao nhà đã bao đời, từ nguồn cá bột được vớt trên thượng nguồn dòng Mekong, mỗi khi mùa nước đổ chảy từ Biển Hồ về hạ lưu.

Theo TS. Bùi Minh Tâm, khoảng năm 1996- 1997, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Nông Lâm TP HCM và Cty Agifish đã nghiên cứu và cho sinh sản thành công cá tra, khiến nghề nuôi cá tra phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi nuôi cũng chịu những thăng trầm giá cả, thức ăn, nguồn giống... Dẫu gì, con cá tra cũng mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho vùng đồng bằng; nếu người nuôi biết áp dụng Quy phạm thực hành quản lý tốt hơn (BMP) thì chắc chắn sẽ thành công lớn hơn. 

Thưa ông, nguồn cá tra giống có đáp ứng đủ nhu cầu nuôi?

Theo tôi biết, trước 1996, người dân ĐBSCL nuôi cá tra chủ yếu dựa vào nguồn cá bột vớt được ở các địa phương Vĩnh Xương, Tân Châu (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp) rồi đem ương thành cá giống. Nguồn cá này trước đây có nhiều, nhưng chắc không đủ nuôi số lượng lớn.

Như đã nói, giống hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn cho sinh sản nhân tạo và kỹ thuật này đã được xã hội hóa một cách rộng rãi nên nhiều trung tâm, trại cá giống đã biết. Vì vậy, tôi nghĩ họ có thể cung cấp đủ nguồn giống cho việc nuôi cá tra với quy mô lớn. Đó là nói tới việc nuôi cá thương phẩm (cá thịt). Còn nguồn cá tạo giống (cá bố mẹ) thì có 3 nguồn: (i) chọn từ nguồn cá cho sinh sản nhân tạo có chất lượng tốt, (ii) cá vớt được trong tự nhiên, (iii) mua cá giống từ Campuchia về.

Kỹ thuật nuôi, nhất là nuôi theo Quy phạm thực hành quản lý tốt hơn (BMP), có quá khó khăn không?

Việc SX cá bột và ương giống cá tra có thể phải nắm nhiều yêu cầu kỹ thuật cho từng giai đoạn khác nhau. SX giống phải đáp ứng điều kiện ao nuôi vỗ và lưu giữ, quản lý cá bố mẹ, yêu cầu cho sinh sản, ấp trứng và quản lý di truyền... Còn việc ương cá, cũng có nhiều yêu cầu khác nhau trong việc quản lý, như yêu cầu chuẩn bị ao, yêu cầu của giai đoạn ương cá bột lên cá hương, rồi giai đoạn ương cá hương lên cá giống...

Riêng việc nuôi cá tra thương phẩm thì lại có những yêu cầu kỹ thuật khác, như chuẩn bị ao nuôi, chọn cá giống và thả giống, thay nước trong quá trình nuôi, quản lý ao nuôi, quản lý sức khỏe cá nuôi, thu hoạch... Tất cả những nội dung có liên quan tới những yêu cầu trên đều được nêu cụ thể, rõ ràng giúp người nuôi cá tra nhanh chóng nắm bắt và dễ dàng thực hành.

Cũng không thể nêu hết ra đây, nhưng tôi nghĩ rằng, với Sổ tay Quy phạm thực hành quản lý tốt hơn cho nuôi cá tra thương phẩm, cả cho việc SX cá bột và ương giống cá tra, xuất bản năm 2011, thuộc Dự án 001/07/VIE “Xây dựng quy phạm thực hành quản lí nuôi tốt hơn (BMP) cho nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL”, bà con nuôi cá tra có thể yên tâm về kỹ thuật nuôi.

Tuy nhiên, cũng cần nhắc đến một số vấn đề khác liên quan đến BMP mà bà con nuôi cá tra nói chung cần phải tuân thủ, nếu muốn sản phẩm của mình có chỗ đứng trên thị trường thì đó là: (1) Trách nhiệm đối với cộng đồng, (ii) Bảo vệ môi trường, (iii) An toàn vệ sinh thực phẩm, (iv) Truy xuất nguồn gốc. Nói tóm lại, đó là một hướng làm nông nghiệp áp dụng theo các tiêu chuẩn GAP.

Trong nuôi trồng thủy sản, vấn đề thức ăn là quan trọng, thưa ông?

Có những hiệu thức ăn có chất lượng tương đối tốt như: Cargill, Con Cò, Việt Thắng, UP... Những loại thức ăn tốt thường có hệ số chuyên hóa thức ăn 1,5- 1,7 (để đạt 1 kg cá thịt cần 1,5 đến 1,7 kg thức ăn). Còn thức ăn tự chế thì có hệ số chuyển hóa 2,2 đến 2,5. Theo tôi, để giảm chi phí thức ăn, ta cần cho ăn cách quãng. Và để quản lý có hiệu quả nguồn thức ăn, nên cho ăn giữa ao và có thể làm khung để giữ thức ăn được tốt. Có thể cho ăn 5- 6 ngày và có 1 ngày nghỉ.

Ông có lời khuyên gì cho người nuôi để đạt hiệu quả?

Bà con nên áp dụng theo tiêu chuẩn GAP hoặc theo yêu cầu BMP. Lý do, muốn XK phải biết xuất xứ (nguồn gốc) cá nuôi. Hiện nay, Khoa Thủy sản ĐH Cần Thơ đã có dự án nuôi cá tra như đã nói. Dự án thành lập được 11 tổ hợp tác nuôi và đã hỗ trợ tài liệu, tập huấn chuyên sâu, thiết bị để đo chất lượng nước...

Bà con cũng cần chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng. Nên mua ở các trung tâm giống thủy sản của tỉnh. Mặt khác, khi thả nuôi, không nên thả quá dày, mật độ khuyến cáo theo tiêu chuẩn ngành là 40 con/m2. Và nên tăng cường dưỡng khí (ôxy hòa tan) bằng các máy tạo ôxy.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.