| Hotline: 0983.970.780

Cận kề vải thiều chính vụ: Lo nhất khâu vận chuyển

Thứ Ba 01/06/2021 , 22:41 (GMT+7)

Làm sao để đảm bảo thông suốt, thuận lợi nhất cho khâu vận chuyển vải thiều đi tiêu thụ đang là vấn đề mà các HTX, thương lái, doanh nghiệp… ái ngại nhất.

Ngày 1/6, các đơn vị của Bộ NN-PTNT (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Cục BVTV…) cùng đông đảo các doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều đã tổ chức hội nghị trực tuyến với Sở NN-PTNT Bắc Giang, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) nhằm tiếp tục bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho việc tiêu thụ vải thiều tại Bắc Giang trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Đến thời điểm này, đã có 45 nghìn tấn vải trà sớm của Bắc Giang được thu hoạch và tiêu thụ. Ảnh: VN.

Đến thời điểm này, đã có 45 nghìn tấn vải trà sớm của Bắc Giang được thu hoạch và tiêu thụ. Ảnh: VN.

Ông Lê Bá Thành, PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết tính đến ngày 31/5, toàn tỉnh Bắc Giang vẫn còn một số sản phẩm nông sản chưa tiêu thụ hết như dưa còn 5 nghìn tấn/tổng số 10 nghìn tấn; dứa còn 2,5 nghìn tấn/tổng số khoảng 9 nghìn tấn…

Đối với vải, hiện khoảng 45 nghìn tấn vải trà sớm đã được thu hoạch và tiêu thụ (trong tổng số khoảng 180 nghìn tấn toàn tỉnh).

Trong đó, hiện có khoảng 19 nghìn tấn vải trà sớm (chiếm khoảng gần 50% tổng sản lượng vải đã thu hoạch) đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc một cách thuận lợi, chưa phát sinh các khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu vải sang thị trường này.

Dự kiến, trà vải thiều chính vụ tại Bắc Giang sẽ bắt đầu thu hoạch rộ trong khoảng 10 ngày nữa. Thời gian thu hoạch trà vải thiều chính vụ của Bắc Giang sẽ diễn ra dồn dập trong khoảng thời gian rất ngắn 1 tháng (từ khoảng 10/6 đến 10/7). Do đó, việc tổ chức thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, tiêu thụ cũng đang gặp không ít vấn đề lo lắng.

Mong các địa phương không “ngăn sông cấm chợ”

Theo UBND huyện Lục Ngạn, để đảm bảo thông thương cho tiêu thụ vải trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, huyện Lục Ngạn đã rà soát, các cơ sở thu mua vải phải đăng ký rõ về số lượng, địa điểm thu mua, đăng ký người lao động, lái xe để tiến hành xét nghiệm Covid-19, kiểm tra y tế theo quy trình.

Trên cơ sở đó, UBND huyện sẽ cấp giấy chứng nhận đi đường đảm bảo an toàn, cho phép lưu thông đối với người và phương tiện vận chuyển vải ra ngoài tỉnh. Mặc dù vậy, việc vận chuyển, lưu thông vải từ Bắc Giang đi các tỉnh vẫn đang là vấn đề mà các HTX trồng vải, doanh nghiệp thu mua không khỏi lo lắng.

Việc đảm bảo cho vận chuyển vải từ Lục Ngạn đi tỉnh ngoài tiêu thụ đang là điều mà các doanh nghiệp, thương lái lo lắng nhất. Ảnh: Tùng Đinh.

Việc đảm bảo cho vận chuyển vải từ Lục Ngạn đi tỉnh ngoài tiêu thụ đang là điều mà các doanh nghiệp, thương lái lo lắng nhất. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn, Bắc Giang), đơn vị sản xuất, tiêu thụ vải thiều lớn ái ngại cho biết: mặc dù các lái xe đã được huyện Lục Ngạn cấp “giấy thông hành” để chở vải đi tiêu thụ, tuy nhiên những ngày qua, đã có một số chuyến hàng từ Lục Ngạn chở vải sang tỉnh Bắc Ninh tiêu thụ thì vẫn bị phía Bắc Ninh không cho phép lái xe chở hàng vào, nên buộc phải quay đầu xe chở hàng về.

“Vải thiều là mặt hàng rất khó bảo quản, xe chở hàng đi mà bị trả hàng về thì xem như bỏ đi, bởi chất lượng sẽ bị giảm rất mạnh, ngay cả đưa vào lò sấy cũng không được. Vì vậy, điều chúng tôi lo nhất vẫn là làm sao các địa phương khác đừng ngăn sông cấm chợ, tạo điều kiện cho vải thiều được chuyển đi tiêu thụ nếu đã đảm bảo các yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch bệnh”, ông Dũng kiến nghị.

Cũng theo ông Dũng, mọi năm, lượng vải thiều vận chuyển tiêu thụ tại thị trường phía Nam, nhất là thị trường TP. HCM chiếm số lượng rất lớn. Tuy nhiên năm nay, bên cạnh các thương lái ít ra Bắc Giang thu mua hơn, thì việc vận chuyển vải vào phía Nam cũng đang rất khó khăn do các lái xe không dám vào Bắc Giang nhận chở hàng.

Hiện số lượng container lạnh từ miền Nam ra Bắc Giang rất ít nên giá cước vận chuyển cũng cao hơn mọi năm. Bên cạnh đó, do lái xe không thể vào tận nơi ở Bắc Giang để chở vải như mọi năm nên phải “tăng bo” 2 lần, phải chuyển hàng sang xe mới khi ra khỏi Bắc Giang, khiến chi phí cũng bị đội lên cao, thời gian vận chuyển kéo dài…

Việc tiêu thụ vải vào các tỉnh phía Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nếu bài toán vận chuyển không được giải quyết thông suốt trong thời gian tới. Ảnh: VN.

Việc tiêu thụ vải vào các tỉnh phía Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nếu bài toán vận chuyển không được giải quyết thông suốt trong thời gian tới. Ảnh: VN.

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Big C khu vực miền Bắc cho biết thời gian qua, Big C đã triển khai thu mua, tiêu thụ với mức 50-60 tấn vải/tuần. Big C hiện đã xác định tiêu thụ vải thiều sẽ là chủ đề chính trong tháng 6/2021. Các hệ thống siêu thị trên toàn quốc đều ưu tiên vị trí đẹp nhất cho gian hàng vải thiều, đồng thời huy động tổng thể các hình thức bán hàng trực tuyến…

Tuy nhiên theo ông Phong, thời gian tới, khi trà vải thiều chính vụ thu hoạch rộ, sản lượng thu mua sẽ tăng lên rất lớn, và vấn đề vận chuyển có thể sẽ gặp vấn đề, bởi hiện nay rất khó tìm phương tiện vận tải.

“Năm ngoái, khoảng 70% lượng vải thiều của Big C là tiêu thụ tại thị trường phía Nam. Tuy nhiên năm nay, nếu tình hình không cải thiện, việc tiêu thụ vải vào phía Nam sẽ hết sức nan giải. Bên cạnh đó, nếu không có cơ chế cho phép phương tiện vào tận nơi để đóng và vận chuyển hàng, mà phải sang hàng 2 lần, sẽ khiến chi phí đội lên rất lớn”, ông Phong lo lắng.

Tính phương án lao động thu hoạch vải

Bên cạnh khó khăn về vận chuyển, vấn đề lao động thu hoạch, phục vụ hậu cần như đá lạnh, đóng gói… cũng đang là vấn đề đáng lo. Mọi năm, lực lượng lao động từ các địa phương khác về Bắc Giang phục vụ mùa thu hoạch vải rất lớn, tuy nhiên năm nay, không chỉ một số lao động tại địa phương ở Lục Ngạn phải đi cách ly dịch Covid-19, mà lao động tỉnh ngoài cũng sẽ không thể về Lục Ngạn…

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Hiện nay, các ca F1 phải cách ly do dịch bệnh Covid-19 của huyện Lục Ngạn đều đã được huyện chuyển về cách ly tập trung tại các điểm cách ly ngoài huyện Lục Ngạn.

Lực lượng lao động cũng là khó khăn mà Lục Ngạn đang tập trung giải quyết khi vụ thu hoạch chính vụ đang cận kề. Ảnh: VN.

Lực lượng lao động cũng là khó khăn mà Lục Ngạn đang tập trung giải quyết khi vụ thu hoạch chính vụ đang cận kề. Ảnh: VN.

Đối với các ca F2, F3, Lục Ngạn đã và đang kiểm soát chặt việc tự cách ly tại nhà. Các thôn, xóm, giữa xã này với xã khác đều có các chốt kiểm tra người và phương tiện ra vào nên thương lái có thể hoàn toàn yên tâm khi vào Lục Ngạn thu mua vải.

Trong vài ngày tới, Lục Ngạn cũng sẽ có vacxin tiêm phòng Covid-19 được tỉnh Bắc Giang ưu tiên sử dụng, trong đó bên cạnh tiêm phòng cho các lực lượng phòng chống dịch tuyến đầu, cũng sẽ ưu tiên cho các thương lái, lái xe thu mua vải.

Về những khó khăn trong việc tổ chức vận chuyển vải, ông Nguyễn Thế Thi cho biết Sở GT-VT Bắc Giang hiện cũng đã có văn bản gửi các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người và phương tiện vận chuyển vải từ Bắc Giang ra tỉnh ngoài. Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng sẽ họp với các doanh nghiệp vận tải để huy động phương tiện, ký hợp đồng vận chuyển vải…

Để giải quyết khó khăn về lao động trong thu hoạch, sơ chế đóng gói vải, Lục Ngạn đang triển khai giải pháp thành lập các tổ nhóm, huy động các tổ chức đoàn thể tại chỗ giúp thu hoạch vải cho các hộ dân bị cách ly dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, hiện khoảng 5.000 công nhân các nhà máy không phải cách ly Covid-19 cũng đã trở về địa phương. Khoảng 1 tuần tới, khoảng 2.000 ca F2, F3 cũng sẽ hết thời gian cách ly. Đây sẽ là lực lượng tại chỗ nhằm bổ sung cho thu hoạch vải.

Năm nay, Lục Ngạn đã có chính sách tăng cường các lò sấy vải bằng việc triển khai gói hỗ trợ 4 tỉ đồng. Hiện có 1.240 lò sấy đã đăng ký xây dựng (trong đó 400 lò đã xây dựng) nhằm tăng cường vải sấy khô, góp phần giải tỏa tiêu thụ cho vải tươi chính vụ.

Ông Phạm Ngọc Thành, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cũng cho biết: Năm nay, DOVECO đã ký hợp đồng thu mua để xuất khẩu khoảng 5-6 nghìn tấn vải của Hải Dương và Bắc Giang.

Hiện nay, vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang các thị trường như EU, Nhật Bản đang rất tốt. Hiện nhà máy của DOVECO với công suất chế biến từ 200-250 tấn/ngày đã sẵn sàng vào vụ.

Tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19, DOVECO đang lo lắng không thể mua đủ nguyên liệu, nhất là việc khó khăn trong vận chuyển.

“Để đảm bảo vận chuyển thông suốt, chúng tôi đang tính có thể để các HTX tại Lục Ngạn trực tiếp vận chuyển vải về nhà máy của DOVECO. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang cần có những hướng dẫn thống nhất, tạo thuận lợi nhất cho khâu vận chuyển vải”, ông Phạm Ngọc Thành kiến nghị.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm