| Hotline: 0983.970.780

Cần một quy trình thống nhất kiểm soát chất lượng sầu riêng Việt Nam

Chủ Nhật 17/09/2023 , 10:24 (GMT+7)

ĐBSCL Các địa phương định hướng phát triển chuyên canh sầu riêng, cung cấp sản phẩm chất lượng cho thị trường, nhưng để kiểm soát diện tích, chất lượng lại chưa có quy trình thống nhất.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam chia sẻ tại tọa đàm 'Giải pháp phát triển bền vững cho sầu riêng Việt Nam' do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Ảnh: Kim Anh.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp phát triển bền vững cho sầu riêng Việt Nam” do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Ảnh: Kim Anh.

Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho thấy, diện tích trồng mới cây sầu riêng hằng năm ở các tỉnh phía Nam khoảng 11,8 nghìn ha/năm. Bên cạnh đó, qua rà soát của Sở NN-PTNT các địa phương vùng ĐBSCL, diện tích trồng sầu riêng có xu hướng tăng đáng kể từ năm 2021 cho đến nay.

Trước thực trạng tăng “nóng” diện tích trồng sầu riêng, tại tọa đàm “Giải pháp phát triển bền vững cho sầu riêng Việt Nam” do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện mới đây, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam tỏ ra rất lo ngại. Bởi theo ông, sự bền vững của cây sầu riêng chưa rõ ràng cả về cây giống và việc quy hoạch phát triển.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu chỉ ra thực tế, ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp trồng sầu riêng như đất phèn, đất không thoát thủy tốt, bà con nông dân hiện vẫn đang ồ ạt trồng sầu riêng. Điển hình, tại tỉnh Tiền Giang, khu vực phía Bắc quốc lộ 1A, địa phương đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo không được trồng sầu riêng nhưng nông dân vẫn cứ trồng.

Bên cạnh đó, hiện mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa chặt chẽ, tình trạng nông dân bán trái non vẫn diễn ra, dẫn đến chất lượng sầu riêng khi đến thị trường tiêu thụ không đồng đều.

Đặt lên bàn cân so sánh giữa sầu riêng Việt Nam và Thái Lan, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam nhấn mạnh, các sản phẩm chế biến từ sầu riêng của Việt Nam rất ít so với Thái Lan. Hơn nữa, Thái Lan vừa nâng tiêu chuẩn trọng lượng khô của trái sầu riêng lên đúng 35% mới được tiến hành cắt bán. Cách kiểm soát này được PGS.TS Nguyễn Minh Châu đánh giá rất hay và Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện tốt.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu cho biết, Thái Lan không tin việc gõ vào trái sầu riêng để nhận biết sầu riêng chín hay chưa. Bởi người gõ khác nhau sẽ có những kinh nghiệm và độ chín khác nhau. Do đó, quốc gia này quy định rõ ràng phải đạt tiêu chuẩn 35% độ khô, nông dân mới được thu hoạch và nhà đóng gói được phép thu mua sản phẩm, nếu không đạt sẽ bị hủy.

“Chỉ cần một chiếc xe hơi, máy sấy, một con dao và một cái cân, thế là đủ để lấy mẫu. Doanh nghiệp khi thu mua chỉ cần cắt miếng sầu riêng trọng lượng khoảng 100 gram đem đi sấy. Khoảng 2 - 3 giờ mẫu đạt độ khô 35% thì sầu riêng đạt chuẩn. Cùng một lúc có thể kiểm tra khoảng 30 mẫu để đánh giá”, PGS.TS Nguyễn Minh Châu hướng dẫn cách kiểm tra độ khô của trái sầu riêng.

Chuyên gia cho rằng, việc gõ vào trái sầu riêng không thể nhận biết chính xác độ chín, bởi mỗi người gõ sẽ có những kinh nghiệm khác nhau. Ảnh: Kim Anh.

Chuyên gia cho rằng, việc gõ vào trái sầu riêng không thể nhận biết chính xác độ chín, bởi mỗi người gõ sẽ có những kinh nghiệm khác nhau. Ảnh: Kim Anh.

Từ cách làm của Thái Lan, nhìn lại thực tế sản xuất sầu riêng ở Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, hiện đa số các địa phương phát triển cây sầu riêng đều đưa ra định hướng phát triển chuyên canh để cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn cho thị trường trong nước và nước ngoài. Thế nhưng việc kiểm soát diện tích sản xuất, chất lượng trái sầu riêng hầu như chưa có một quy trình thống nhất.

Ngành sầu riêng muốn phát triển bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa bà con nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, đặc biệt là chú trọng vào chất lượng để xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt.

Được biết, tỉnh Đồng Tháp là địa phương có thế mạnh về cây ăn trái, thế nhưng sầu riêng chưa phải là cây trồng chủ lực. Vài năm gần đây, đặc biệt là kể từ thời điểm Trung Quốc ký Nghị định thư để sầu riêng Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào quốc gia này, diện tích sầu riêng Đồng Tháp tăng lên đáng kể, với diện tích gieo trồng đến năm 2022 trên 2.300ha.

Vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cùng nhiều đơn vị liên quan đã tổ chức cho bà con nông dân, HTX trồng sầu riêng của huyện Cao Lãnh và Châu Thành đến tham quan vùng chuyên canh sản xuất, chế biến, kinh doanh sầu riêng tại Thái Lan.

Nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra sau chuyến đi, nhất là việc Thái Lan chú trọng nâng cấp chất lượng sầu riêng, khuyến cáo kỹ nông dân chỉ nên giữ 70 trái/cây để giữ chất lượng. Ngoài ra, phải tuân thủ thời gian thu hoạch, khi sầu riêng trổ đều mới tiến hành cột dây, phương pháp này giúp nông dân dự đoán được thời gian thu hoạch.

Khi sản phẩm bán đến nhà máy, cơ quan quản lý sẽ tiến hành kiểm tra lần 2 để chắc chắn sản phẩm đạt độ khô 35%. Chất lượng sầu riêng được đảm bảo từ vùng trồng, đến cơ sở đóng gói.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu một lần nữa khẳng định, xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam là bước đường dài và đó là mục tiêu xứng đáng ngành sầu riêng trong nước theo đuổi. Thương hiệu này phải bắt đầu từ người nông dân cho đến doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước cùng chung tay xây dựng.

Xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam là bước đường dài, bắt đầu từ người nông dân cho đến doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước cùng chung tay xây dựng. Ảnh: Kim Anh.

Xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam là bước đường dài, bắt đầu từ người nông dân cho đến doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước cùng chung tay xây dựng. Ảnh: Kim Anh.

Nông dân nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu nên bắt đầu từ việc không bán trái non, trái đạt đúng độ chín mới được cắt. Tương tự, doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu không được mua sầu riêng khi chưa đạt độ chín. Thương hiệu sầu riêng Việt Nam cần một mối liên kết chặt chẽ, nghiêm túc, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp tranh mua, nông dân tranh bán. Khi doanh nghiệp và nông dân nghiêm túc sẽ dễ dàng xây dựng chất lượng, thương hiệu cho sầu riêng Việt Nam.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.