| Hotline: 0983.970.780

Cần nói "không" với dự án phim trường

Thứ Năm 01/12/2011 , 10:24 (GMT+7)

Chúng tôi đã nhận được những ý kiến phản hồi, quan tâm, trong đó đặc biệt là vấn đề xây dựng phim trường trên đảo Nhím của hồ.

Một góc hồ Dầu Tiếng
Sau khi NNVN phản ánh việc hồ Dầu Tiếng đang bị xâm hại nghiêm trọng và có nguy cơ tiếp tục bị tác động tiêu cực bởi những dự án chuẩn bị "thôn tính" một số khu vực lòng hồ, chúng tôi đã nhận được những ý kiến phản hồi, quan tâm, trong đó đặc biệt là vấn đề xây dựng phim trường trên đảo Nhím của hồ.

>> Tiếng kêu cứu từ hồ Dầu Tiếng
>> Ẩn họa từ dự án phim trường

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Ủy viên Ủy ban KH, CN- MT của QH: Không đồng ý xây dựng phim trường

Dự án phim trường trên đảo Nhím sẽ làm gia tăng áp lực ô nhiễm môi trường lên công trình hồ Dầu Tiếng. Bởi khi phim trường đã hoàn thành, sẽ có nhiều người đến đây làm việc, vui chơi, làm phát sinh nhiều rác thải. Có thể ở phim trường sẽ có khâu xử lý rác thải, chất thải, nhưng sẽ không tránh khỏi việc làm tăng ô nhiễm cho nước hồ. Bên cạnh đó, để đưa người ra đảo Nhím, người ta sẽ phải xây dựng bến tàu, tổ chức những con tàu đưa khách từ bờ ra đảo và ngược lại. Những con tàu đó sẽ làm rò rỉ dầu ra hồ.

Dự án phim trường sẽ ảnh hưởng đến khả năng điều tiết lũ của hồ Dầu Tiếng. Nếu như phim trường được xây dựng, thì sau này, khi cần phải nâng mực nước dâng trong lòng hồ, sẽ rất khó. Do đó gây khó khăn tới khả năng tích nước để điều tiết lũ cho vùng hạ du.

Dầu Tiếng là công trình thủy lợi trọng điểm quốc gia, được quy hoạch đa mục tiêu như cấp nước tưới, nước sinh hoạt …, và sau này có thể thêm cả du lịch. Bình thường thì không nói làm gì, nhưng khi những mục tiêu này có xung đột với nhau, thì vấn đề an toàn dân sinh phải là trên hết, tức là phải ưu tiên cho việc đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt, nâng cao khả năng tích nước để tránh xả lũ gây ngập cho vùng hạ du.

Các địa phương liên quan đến hồ Dầu Tiếng như Tây Ninh, TP HCM, Bình Dương cần phải xem xét, cân nhắc kỹ dự án phim trường trên đảo Nhím. Riêng cá nhân tôi không đồng ý với việc xây dựng công trình này.

KS hóa học Đào Văn Thắng, GĐ Cty TNHH Hóa chất Thiên Hà (TP HCM): Làm phim cũng gây ô nhiễm

Để làm được những cảnh cháy nổ, các đoàn làm phim buộc phải sử dụng tới các loại hóa chất. Do đó, chắc chắn sẽ gây ô nhiễm ở nơi dàn dựng các bối cảnh cháy, nổ. Ở nước ta, do quy mô của ngành công nghiệp điện ảnh còn nhỏ bé, mỗi năm chỉ dựng vài bộ phim nhựa. Phim truyền hình cũng ít có những cảnh cháy, nổ hoành tráng, thành ra vấn đề ô nhiễm từ dàn dựng phim chưa được quan tâm tới.

Nhưng ở những nước có nền công nghiệp điện ảnh lớn, người ta đã quan tâm nghiên cứu tới vấn đề này. Ở Mỹ, Viện môi trường thuộc Đại học California đã thực hiện một nghiên cứu cho thấy mỗi năm, ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ đã thải 140.000 tấn chất độc hại vào bầu khí quyển. Chất thải ozone, diesel từ các máy phát điện và xe tải sử dụng trong phim trường, cũng như những vụ nổ để gây hiệu ứng đặc biệt đều góp phần làm dày thêm lớp sương mù bao phủ thành phố Los Angeles.

Ở Trung Quốc, hồi đầu năm ngoái, đoàn làm phim "Tân Thủy Hử" đã bị ngưng quay hình ở tỉnh Trịnh Châu do làm ô nhiễm môi trường ở nơi dựng phim. Nguyên nhân là do khi quay một cảnh chiến trận hoành tráng với hàng trăm diễn viên tham gia, đoàn làm phim đã sử dụng nhiều máy móc, hóa chất để tạo khói, tạo lửa. Sau khi quay xong, nhiều hóa chất đã lưu lại trên cỏ, cây trong khuôn viên nơi quay phim. Đồng thời hàng trăm diễn viên đã xả ra một lượng rác lớn mà đoàn làm phim không hề tổ chức thu dọn, gây mất mỹ quan và làm ô nhiễm môi trường. Để được tiếp tục quay phim, đoàn làm phim này đã phải xin lỗi chính quyền, nhân dân Trịnh Châu và phải khắc phục hậu quả.

Đoàn làm phim "Tân Thủy Hử" đó dựng cảnh trên đất liền nên dù sao việc khắc phục hậu quả ô nhiễm cũng không đến nỗi khó khăn. Còn nếu làm phim, dựng cảnh cháy nổ ở một hòn đảo giữa hồ như đảo Nhím, nếu các loại hóa chất dùng để cháy, nổ cùng các loại rác sinh hoạt khác lọt xuống hồ, việc khắc phục hậu quả sẽ rất khó.

Mặt khác, hiện nay, khi dàn dựng những cảnh cháy nổ, các nhà làm phim nước ta vẫn đang sử dụng chất nổ TNT. Đây là loại chất nổ cực mạnh, có sức công phá lớn. Qua sách báo, tôi được biết hồ Dầu Tiếng có tầm quan trọng rất lớn đối với khu vực Đông Nam Bộ, yếu tố an toàn của hồ luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, nếu dùng thuốc nổ TNT để dựng cảnh cháy nổ trên đảo Nhím, e rằng sẽ ảnh hưởng tới an toàn của công trình, tới chất lượng nguồn nước hồ. 

PGS.TS Lương Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Biển: Phải xem xét thật thận trọng

Hồ Dầu Tiếng là một công trình thủy lợi lớn nhất nước. Mức độ an toàn của hồ chứa Dầu Tiếng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản, công trình, đất đai và môi trường các thành phố phía hạ du hồ. Vai trò của hồ Dầu Tiếng càng đặc biệt quan trọng khi mà hồ này chuẩn bị tiếp nhận thêm 56 m3 nước/giây bổ sung từ hồ Phước Hòa phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế tổng hợp cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TP HCM.

Với tầm quan trọng như vậy, bất cứ một công trình nào xây dựng trong lòng hồ Dầu Tiếng cũng phải xem xét thật kỹ càng xem có làm ô nhiễm nguồn nước và an toàn của hồ hay không. Việc nuôi cá lồng bè trên hồ mà Nhà nước đã phải cấm vì lo ngại gây ô nhiễm nguồn nước, thì khi có một phim trường trong lòng hồ, người ta sẽ đưa vào nhiều thứ có khả năng gây ô nhiễm như thuốc nổ, hóa chất … thì lại càng phải xem xét thật thận trọng.

Nếu làm phim trường trong lòng hồ, thì cũng phải xem những loại phim nào được quay ở đây. Bởi dựng những phim có bối cảnh chiến tranh, phải dùng tới thuốc nổ, hóa chất gây cháy nổ, thì chắc chắn sẽ gây mất an toàn cho hồ.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm