Trong chuyến khảo sát thực tế cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT tại tỉnh Cà Mau về phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã có những chia sẻ về sự phát triển bền vững của ngành tôm tỉnh Cà Mau nói riêng, cũng như cả nước nói chung.
Nhiều năm trở lại đây ngành tôm tỉnh Cà Mau đã có những bước phát triển nổi bật. Đặc biệt là trong sản xuất tôm hữu cơ, tôm sinh thái thân thiện mới môi trường và diện tích tăng theo từng năm. Ngoài ra, Cà Mau có nhiều lợi thế trong chế biến, xuất khẩu tôm của cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay ngành tôm tỉnh Cà Mau vẫn còn phân tán và khả năng cạnh tranh chưa cao. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, mong muốn ngành tôm của tỉnh Cà Mau phát triển bền vững và lợi nhuận tốt, giá thành cạnh tranh. Để làm được việc này theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú “không có cách nào tốt hơn là chúng ta phải có một quy hoạch thật bài bản đối với ngành tôm của tỉnh Cà Mau”.
Quy hoạch phải tích hợp vào các quy hoạch chung của tỉnh Cà Mau. Chính vì vậy Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đề xuất với tỉnh Cà Mau thuê đơn vị tư vấn để quy hoạch lại toàn bộ vùng tôm. Theo ông Quang, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú muốn quy hoạch riêng cho vùng tôm lúa, thế nhưng nếu quy hoạch tôm - lúa mà không quy hoạch tổng thể cả ngành tôm Cà Mau thì cũng là bài toán khó. Thực tế ngành tôm tỉnh Cà Mau đang có 4 mô hình: Tôm rừng, tôm quảng canh, tôm lúa, tôm siêu thâm canh.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có diện tích tôm lúa rất lớn, đây được xem là lợi thế không nhỏ. Tôm lúa là mô hình kinh doanh bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và thuận thiên tốt. Đồng thời lại có giá thành thấp và lợi thế cạnh tranh tốt hơn những mô hình khác. Vì thế cần phải được quy hoạch và đầu tư đúng nó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn. Từ những yếu tố đó Tập đoàn Minh Phú muốn cùng với tỉnh Cà Mau quy hoạch và kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng nhau liên kết để phát triển bền vững.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết: Tập đoàn Minh Phú với thế mạnh chế biến xuất khẩu tôm lớn nhất nước đó là lợi thế mạnh. Ngoài ra, Tập đoàn Minh Phú cũng còn đầu tư phát triển con giống và nuôi tôm công nghệ cao.
Hiện nay, Tập đoàn Minh Phú đang có những vùng nuôi tôm công nghệ cao như ở Bà Rịa - Vũng Tàu 300 ha, Kiên Giang 900 ha và dự kiến sẽ phát triển lên 3.400 ha. Minh Phú đang chuẩn bị đầu tư nhà máy thức ăn cho tôm 100.000 tấn ở Hậu Giang. Ngoài ra, Minh Phú có chuỗi cung ứng tôm, tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ người nuôi tôm từ con giống, thức ăn, giám sát thu hoạch, thu mua tôm cho các nhà máy chế biến của Minh Phú.
Một điểm mạnh nữa là hiện này Tập đoàn Minh Phú đang cùng với WWF (Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam) làm chương trình tôm lúa. Trong hơn 1 tháng đi khảo sát cùng với các chuyên gia và WWF Tập đoàn Minh Phú nhận thấy rằng mô hình tôm lúa rất có lợi thế cạnh tranh, rất bền vững nhưng hiện tại chi phí phát sinh rất cao và hiệu quả chưa tốt.
Từ những bất cập trên theo ông Quang, để phát triển mô hình tôm - lúa bền vững cần phải tổ chức lại theo hình thức các tổ hợp tác. Tức là từ 5-10 hộ hợp tác với nhau tạo thành tổ hợp tác và liên kết với nhau thành cánh đồng lớn. Từ đó, các tổ hợp tác liên kết với nhau thành HTX. Tập đoàn Minh Phú sẽ có hình thức bao lợi nhuận giống như lúa của Tập đoàn Lộc Trời.
Sau đại dịch Covid-19, Tập đoàn Minh Phú sẽ tích cực cùng với tỉnh Cà Mau và WWF triển khai nhanh nhất mô hình phát triển tôm lúa. Đồng thời áp dụng bao lợi nhuận cho mô hình tôm rừng.