TP Cần Thơ là 1 trong 6 tỉnh, thành của vùng ĐBSCL được Bộ NN-PTNT chọn tham gia “Dự án các Trung tâm đổi mới Sáng tạo xanh giai đoạn 2021-2024” (GIC). Dự án GIC được thực hiện với mục tiêu thúc đẩy và nhân rộng các mô hình, giải pháp đổi mới, sáng tạo, thông qua nhiều sản phẩm nông nghiệp khác nhau, góp phần phát triển nông thôn bền vững vùng ĐBSCL.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, để thực hiện dự án GIC, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị có liên quan và các địa phương chọn 10 HTX sản xuất lúa, gạo điển hình trên địa bàn các huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ tham gia dự án. Theo đó, Sở NN-PTNT đã hỗ trợ các HTX sản xuất lúa, gạo theo tiêu chuẩn bền vững (SRP), giảm phát thải CO2, kết hợp tổ chức 49 lớp tập huấn kinh doanh cho nông dân (FBS). Tổ chức 40 lớp tập huấn IPM cho khoảng 1.200 nông dân sản xuất lúa trong các HTX và các hộ liên kết sản xuất. Tổ chức 8 lớp nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX. Bên cạnh đó còn tổ chức các hội thảo đầu bờ đánh giá mô hình và hướng dẫn các HTX kết nối thị trường…
Qua đó, đã giúp nông dân trong các HTX nông nghiệp từng bước thay đổi tập quán sản xuất theo hướng giảm khí phát thải nhà kính, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường. Đồng thời, giúp nhà nông, HTX chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp để nâng cao thu nhập.
Năm 2022 thực hiện dự án GIC, HTX Thuận Thắng (xã Đông Thuận, huyện Thới Lai) là một trong 10 HTX ở huyện Thới Lai được thành phố chọn tham gia dự án.
Anh Dương Văn Siêu, Phó giám đốc HTX cho biết: HTX Thuận Thắng được thành lập từ năm 2017, HTX nằm trên vùng sản xuất lúa trọng điểm thuộc huyện Thới Lai, đến nay HTX có 26 thành viên chính thức với tổng diện tích sản xuất lúa 80ha, chuyên canh lúa 3 vụ/năm. HTX có 52,08 ha diện tích canh tác đạt chứng nhận VietGAP và tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.
Bên cạnh việc sản xuất lúa, HTX còn triển khai các dịch vụ khác như giống, phân thuốc, máy móc làm đất và thu hoạch. Hàng năm, HTX làm trung tâm để liên kết đầu ra với các doanh nghiệp thu mua lúa, đảm bảo đầu ra ổn định cho thành viên tham gia, với giá cả hợp lý. Hiện nay, HTX đã không ngừng phát triển, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiến tới đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, sản phẩm ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ và nhu cầu xuất khẩu. Mục tiêu cuối cùng là giúp cho thành viên, nông dân sản xuất ổn định, đạt lợi nhuận ngày càng tăng, biết cách làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Thời gian qua HTX được các cấp, các ngành hỗ trợ trong công tác đào tạo tập huấn về kiến thức, kỹ thuật sản xuất lúa “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, theo hướng an toàn hữu cơ, tham gia các hoạt động của dự án. Ngoài ra HTX được tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn SRP, hỗ trợ mô hình sản xuất theo tín chỉ carbon thấp, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX và đặc biệt là người dân trong vùng HTX được dự án tập huấn về lớp học kinh doanh cho nông dân (FBS).
Trước đây người dân chỉ quan tâm đến việc sản xuất lúa làm sao tạo ra năng suất càng cao càng tốt, tuy nhiên qua lớp tập huấn kinh doanh cho nông dân (FBS) đã giúp bà con nông dân có cái nhìn khác và dần thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp.
Còn đối với HTX Thạnh Phú, ở huyện Cờ Đỏ được dự án GIC hỗ trợ mở lớp tập huấn kinh doanh cho nông dân (FBS) đã giúp nông dân nâng cao kiến thức tổ chức quản lý, điều hành, liên kết doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch trung hạn, quản lý tài chính và marketing.
Ông Nguyễn Danh Dũng, Giám đốc HTX nông nghiệp Tiến Dũng cho biết: Thông qua khóa tập huấn kiến thức kỹ năng thương lượng và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, từ đó HTX đẩy mạnh việc chủ động tìm các công ty, doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm. Kết quả trong hai vụ vụ ĐX và HT năm nay, HTX đã ký kết với tập đoàn Lộc Trời và Công ty TNHH Thạnh Hưng với diện tích trung bình 220ha/vụ với 101 hộ dân sản xuất lúa đạt hơn 2.800 tấn lúa tươi. Việc liên kết đã giúp ổn định đầu ra cho người dân an tâm sản xuất, không còn bị tình trạng bị thương lái ép giá hoặc khó bán sản phẩm đến thời điểm thu hoạch.
"Bên cạnh đó việc liên kết với công ty đã nâng cao thu nhập cho người dân tăng thêm từ 300.000- 500.000 đồng/ha, qua đó người dân phấn khởi, hăng hái tham gia công tác bao tiêu lúa của HTX. Từ đó đã từng bước hình thành tính liên kết sản xuất theo yêu cầu của thị trường và hạn chế tình trạng sản xuất tự phát, nhỏ lẻ", ông Dũng cho hay.