Lâm Đồng là một trong những địa phương có nhiều tiểu vùng sinh thái nông nghiệp. Điều này giúp tỉnh có nhiều nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhất cả nước. Lâm Đồng đã tiên phong trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong hơn 20 năm qua, làm cơ sở phát triển nhanh nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ.
Đặc biệt, Lâm Đồng có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa với các loại nông sản ưu thế so với vùng khác như cây công nghiệp dài ngày là chè, cà phê, dâu tằm; chăn nuôi bò sữa, cá nước lạnh; sản xuất rau, hoa cao cấp…
“Suốt những năm qua, việc hợp tác giữa công và tư về nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực công nghệ đã luôn được Lâm Đồng quan tâm đẩy mạnh”, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, sự hợp tác này thể hiện rõ nét khi các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và các tổ chức đã không ngừng đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn.
Theo ông Phạm S, thay vì chờ đợi nguồn tài trợ từ ngân sách, giới khoa học đã tự chủ động tiến hành nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm công nghệ sáng tạo, sau đó triển khai chuyển giao cho sản xuất.
Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu nông nghiệp cũng là một ví dụ điển hình cho những nỗ lực chuyển đổi số của Lâm Đồng. Các nghiên cứu về phương pháp ra hoa muộn, nông nghiệp thông minh trong chăn nuôi bò sữa, hay các công nghệ thông minh trong bảo quản rau quả sau thu hoạch đã mang lại những tiến bộ đáng kể.
Những thành tựu này không chỉ lan tỏa nhanh chóng trong cộng đồng mà còn góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng suốt những năm qua.
Ông Phạm S khẳng định, sự cạnh tranh về khoa học công nghệ (KHCN) ngày càng gay gắt để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
“Các bộ ngành trung ương, đặc biệt là Bộ NN-PTNT cần thiết lập các cơ chế và điều kiện thuận lợi hơn cho hợp tác giữa khối công và khối tư nhân, đặc biệt là trong việc đặt hàng các đề tài nghiên cứu mà các viện nghiên cứu và các trường đại học hiện chưa thể đáp ứng được hoặc thiếu nguồn lực tài chính. Điều này có thể thực hiện thông qua việc đặt hàng các tổ chức, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, bao gồm cả những nguồn lực từ nước ngoài”, ông Phạm S nói.
Ông Phạm S nêu ví dụ, việc chọn tạo giống cây dược liệu quý hoặc một giống hoa nhiều năm qua các viện và cơ sở nghiên cứu chưa thể đáp ứng được nhưng lại có thể thực hiện được nhanh chóng thông qua hợp tác công - tư.
Vì thế, các nhà khoa học có thể hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước theo cơ chế đặt hàng, từ đó tạo ra bộ giống mới một cách hiệu quả mà không cần tốn kém nhiều chi phí. Thay vì dành nhiều thời gian và kinh phí cho việc nghiên cứu ban đầu, việc đặt hàng này cho phép ngành nông nghiệp của địa phương nhanh chóng có được bộ gen cần thiết để nghiên cứu và chuyển giao vào thực tiễn.
Trong 20 năm qua, Lâm Đồng đã định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ. Để mở rộng quy mô và phát triển hơn nữa, tỉnh Lâm Đồng đang hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản để phát triển nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp thông minh, đáp ứng các yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian tới.
Chiều ngày 10/7, Bộ NN-PTNT tổ chức Diễn đàn đàn kết nối các sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, các viện nghiên cứu, các trường trực thuộc Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức quốc tế… liên quan đến ngành nông nghiệp.
Diễn đàn được tổ chức theo dạng hỏi - đáp, trả lời trực tiếp các câu hỏi mà các đại biểu quan tâm, các phóng sự giới thiệu về chủ trương, chính sách của Bộ NN-PTNT trong việc khuyến khích nghiên cứu, đổi mới KHCN và những kết quả đạt được, giới thiệu các điển hình đã và đang chuyển giao thành công sản phẩm KHCN vào sản xuất.
Báo Nông nghiệp Việt Nam tường thuật sự kiện này trên www.nongnghiep.vn