| Hotline: 0983.970.780

Canada: Nông dân chạy đua với hạn hán để giải cứu gia súc

Thứ Năm 12/08/2021 , 06:53 (GMT+7)

Tình trạng các đồng cỏ cằn cỗi ở Tây Canada do hạn hán kéo dài nhiều năm ngày càng tồi tệ hơn kể từ đợt nắng nóng kỷ lục vào tháng 6 vừa qua.

Nông dân Canada đang khó khăn lựa chọn: bán những con bò đã gắn bó cả đời vào lò mổ hoặc giữ chúng lại và đối mặt với tình trạng khan hiếm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: NY Times.

Nông dân Canada đang khó khăn lựa chọn: bán những con bò đã gắn bó cả đời vào lò mổ hoặc giữ chúng lại và đối mặt với tình trạng khan hiếm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: NY Times.

Tất cả các cánh đồng của các trang trại nuôi gia súc đều bị còi cọc, khô héo hoặc bị tàn phá bởi châu chấu, khiến người nông dân không thể tìm ra thức ăn thay thế. Nhiều thành phố nông thôn ở các tỉnh Manitoba và Alberta phải ban bố tình trạng khẩn cấp về nông nghiệp.

Tại tỉnh Manitoba, các gia đình nông dân đang suy nghĩ về điều từng được cho là không tưởng: bán một số hoặc tất cả gia súc mà nhiều thế hệ của họ gắn bó. Hạn hán năm nay có thể đánh dấu sự chấm dứt nghề mang lại thu nhập, truyền thống và cách sống của người chăn nuôi gia súc.

Michael Duguid, chủ trang trại ở Interlake, cách Winnipeg, thủ phủ của tỉnh Manitoba 160 km về phía Bắc, nói về trang trại bò của mình: “Chúng tôi không thể bỏ đói những con vật này. Chúng có quyền ăn và uống nước giống như chúng tôi, và điều nhân đạo cần làm lúc này có lẽ là bán chúng đi".

Tính đến năm ngoái, Canada vẫn nằm trong số 10 quốc gia xuất khẩu thịt bò hàng đầu trên thế giới, theo Canada Beef, một tổ chức tiếp thị quốc gia. Manitoba có đàn bò thịt lớn thứ ba và hầu như tất cả các hoạt động sản xuất của tỉnh đều gắn với các trang trại nuôi bò sinh sản.

Bò đẻ một con mỗi năm, thường từ tháng 1 đến tháng 6, lúc đó các cặp mẹ - con được lùa ra đồng cỏ để chăn thả từ mùa xuân đến cuối tháng 10 - các mốc thời gian thay đổi tùy theo thời tiết và sự phát triển của thực vật.

Những con bê được cai sữa, bán vào mùa thu, vỗ béo, sau đó giết mổ, trong khi người nông dân tích trữ mùa màng thu hoạch và cỏ khô làm thức ăn bổ sung cho bò mẹ trong những tháng mùa đông.

Các nhà nghiên cứu cho biết mùa khô hạn bắt đầu vào khoảng năm 2018 và liên tiếp phá vỡ kỷ lục. Năm ngoái là năm khô hạn nhất từng được ghi nhận ở Winnipeg, theo Natalie Hasell, thuộc Cơ quan về môi trường và biến đổi khí hậu Canada.

Tại khu vực Interlake, lượng mưa thấp hơn 40% so với mức trung bình trong ba tháng qua tính đến ngày 19/7, theo dữ liệu về hạn hán của Cơ quan liên bang Nông nghiệp và Nông sản Canada.

Tim McAllister, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về sản xuất thịt bò tại cơ quan nông nghiệp cho biết: “Hiện tại đã hết sạch cỏ”.

Tyler Fulton, Chủ tịch của Nhà sản xuất thịt bò Manitoba cho biết, những người nông dân chăn nuôi gia súc ở Manitoba hiện tại đang cố gắng sống sót qua cuộc khủng hoảng này.

Theo Kevin Stocki, chủ một trang trại ở Fisher Branch, Manitoba, đồng cỏ không có cỏ khiến ông phải khai thác nguồn cung cấp thức ăn dự trữ của mình sớm hơn khoảng 4 tháng để nuôi dưỡng 80 con bò trong trang trại.

Ông nói mình thuộc thế hệ nuôi bò thứ ba, và gia đình ông dành 70 năm để theo nghề, nhưng nay có lẽ sẽ phải bán bớt bò. Ông Stocki đã bán một số con bò sớm hơn so với thời gian dự kiến, và cố gắng giữ những con còn lại hết sức có thể.

Mặt khác, Stuart Melnychuk, chủ một trang trại trồng ngũ cốc và gia súc gần đó cho biết đang bán tháo tất cả, chỉ để lại 20 con trong đàn bò 250 con. Trang trại đã thuộc về gia đình ông từ năm 1909.

Ông Melnychuk sử dụng một phần thu hoạch ngũ cốc để cung cấp thức ăn cho những con bò trong những năm khô hạn vừa qua. "Tôi không thể mượn hàng xóm thức ăn cho bò, vì không còn nguồn cung nào trong vùng", Melnychuk nói và tin rằng ông "là một trong số ít những người phải bán gia súc của mình cho nông dân ở các tỉnh khác.

Vì nhân đạo, Melnychuk đang hướng đến một trang trại ở Ontario, thay vì gửi gia súc thẳng đến lò giết mổ.

Kirk Kiesman, Tổng giám đốc tại Ashern Auction Mart, một nhà đấu giá vật nuôi trong khu vực, cho biết đã thấy nhiều con bò được chăn thả trước đó nay bị đem bán làm thịt và người nông dân phải đưa ra những quyết định khó khăn. "Không ai muốn thấy tài sản thừa kế của họ bị biến thành thịt", Kiesman chia sẻ.

"Kinh tế cung cầu khắc nghiệt có nghĩa là, những người nông dân chọn bán gia súc phải đối mặt với thị trường tràn ngập bò và do đó, giá thấp hơn", Reynold Bergen, Giám đốc khoa học tại Hội Đồng Nghiên Cứu về Bò nói.

Ở Canada, làm nông nghiệp không phải là lĩnh vực sinh lợi nhất để khởi nghiệp. Công nhân nông trại nói chung ở vùng Interlake có thể kiếm được tới 50.000 CAD một năm, theo dữ liệu lương của chính phủ, với hơn 40% nông dân Canada bổ sung thu nhập bằng công việc phi nông nghiệp.

Joe Bouchard, người điều hành một cơ sở mổ bò công suất 400 con cho biết người chăn nuôi phải bán bò với giá thấp và sẽ mất tất cả sở hữu những con bò mà họ đã dành cả đời hoặc nhiều thế hệ gây dựng. “Cho đến nay, đây là năm khó khăn nhất mà chúng tôi từng phải đối mặt”, Bouchard buồn bã.

Nếu không muốn bán bò, người chăn nuôi phải đối mặt sự thực khó khăn không kém: chống chọi với giá thức ăn tăng chóng mặt.

Buddy Bergner, người bán đấu giá lâu năm nhất của Ashern trong gần 4 thập kỷ cho biết, các vụ bán cả bò và bê của trang trại trong tháng 7 là điều chưa từng có. Ông đã đến thăm gần như mọi trang trại trong vòng 240 km quanh thị trấn trong những năm qua, và thấy một số nông dân ngồi khóc vì đối mặt với quyết định này.

Những con bò uống nước từ một cái máng được làm từ lốp xe cũ tại một trang trại ở tỉnh Manitoba. Ảnh: The Narwhal.

Những con bò uống nước từ một cái máng được làm từ lốp xe cũ tại một trang trại ở tỉnh Manitoba. Ảnh: The Narwhal.

Douglas Cattani, một nhà nghiên cứu thức ăn gia súc và giáo sư tại Đại học Manitoba, cho biết những người chăn nuôi gia súc sẽ cần vài chục milimet mưa mỗi tuần trước khi đến mùa đông để có thể có thu hoạch trong năm nay.

Nhưng nhà khí tượng học Hasell cho biết không thấy điều đó trong các dự báo của tháng 8.

Trở lại với Duguid, ông đang lên kế hoạch bán 50 con trong số đàn bò 300 con của mình trong tuần này và 50 con nữa vào lần bán tiếp theo.

“Tôi ước ai đó sẽ nhận chúng vì chúng là những con vật ngoan ngoãn và yên tĩnh", Duguid nói. “Không ai muốn thấy gia súc mình gắn bó cả đời chui vào lò mổ”.

(Theo NY Times)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.