Dự án cảng cá sông Trà Bồng do Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, được phê duyệt từ tháng 9/2008 và điều chỉnh, bổ sung tháng 7/2009. Dự án khởi công năm 2010, hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2013, quy mô khoảng 23ha với tổng mức đầu tư gần 185 tỷ đồng.
Công trình này bao gồm các hạng mục như: bến dài 128m cho tàu 90CV; bến dài 90m cho tàu 45CV; kè bảo vệ bờ dài 1.480m; san lấp mặt bằng với diện tích gần 18.000m2; nạo vét vũng bốc xếp trước bến và quay trở tàu đảm bảo cho tàu có chiều dài 15m cập cảng; hệ thống phao báo hiệu gồm 18 phao và các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cảng cá.
Mục tiêu của dự án nhằm phục vụ ngư nghiệp cho các hộ dân tái định cư và người dân trong vùng; đảm bảo hoạt động nghề cá ổn định, lâu dài; cung cấp nơi neo đậu tránh, trú bão... Thế nhưng, sau gần 11 năm đưa vào sử dụng, cảng cá không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng vì không đảm bảo độ sâu luồng lạch; không có diện tích vùng nước cảng.
Do vùng nước trước cầu cảng không đảm bảo theo quy định nên các tàu cá có chiều dài trên 15m đều không thể ra vào. Từ thực tế này, để thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật Thủy sản, những tàu cá lớn của ngư dân địa phương phải cho tàu chạy ra cửa biển Sa Cần, vòng vào cảng Tịnh Kỳ, hoặc cảng Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi) rất bất tiện.
Ngư dân Huỳnh Vương (trú xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) cho biết, từ cửa biển Sa Cần vào cảng cá Tịnh Kỳ phải di chuyển mất hơn 3 giờ đồng hồ. Còn đi từ cảng Tịnh Kỳ về cửa biển Sa Cần, do ngược dòng chảy nên phải mất 6-7 giờ, rất tốn thời gian và chi phí đi lại. “Ngoài ra, đến mùa mưa bão, bà con vẫn phải neo đậu tạm bợ dọc sông Trà Bồng, rất nguy hiểm”.
Ghi nhận thực tế của chúng tôi, tại cầu cảng cá sông Trà Bồng thường chỉ có hơn chục tàu cá neo đậu, đa số là tàu công suất nhỏ. Cạnh đó, dưới mặt nước có nhiều lồng bè của người dân nuôi trồng thủy sản và bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống của các hộ dân.
Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết, cảng cá sông Trà Bồng đã được đầu tư xây dựng từ lâu, nhưng hiện nay hoạt động mua bán hải sản không có. Nguyên nhân do cửa biển ra vào phụ thuộc vào thủy triều lên xuống, dẫn đến nhiều tàu công suất lớn mùa nắng không thể vào neo đậu bán hải sản được. Hiện tại, tàu có chiều dài hơn 15m của ngư dân ở địa phương không vào neo đậu được tại đây, mà đa số chỉ là tàu cá loại nhỏ.
Trước thực tế này, vừa qua, sau khi lập các đoàn kiểm tra, đánh giá và họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã giao Sở NN-PTNT, trực tiếp là Ban Quản lý cảng cá tỉnh Quảng Ngãi vận hành, khai thác cầu cảng cá sông Trà Bồng. Đồng thời, đề nghị Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất khẩn trương bàn giao dự án cầu cho Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi quản lý trước ngày 1/11/2024.
“Sở NN-PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, lập các thủ tục đầu tư nâng cấp công trình cầu cảng cá sông Trà Bồng đạt các tiêu chí cảng cá loại III theo quy định của Luật Thủy sản; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030 để đảm bảo phát huy hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế biển của địa phương. Nghiên cứu phương án xây dựng cảng cá sông Trà Bồng là cảng cá vệ tinh thuộc cảng cá Sa Cần để đáp ứng nhu cầu ngư dân trong vùng dự án trước mắt cũng như lâu dài”, ông Trần Phước Hiền.