| Hotline: 0983.970.780

Cảng Cửa Tùng bị bồi lấp: Lời khẩn cầu của ngư dân

Thứ Hai 01/07/2024 , 08:30 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Cảng Cửa Tùng bị bồi lấp cản trở tàu thuyền lưu thông, gây thiệt hại cho ngư dân. Dù đã nạo vét nhưng chỉ một thời gian, tình trạng bồi lấp lại xuất hiện.

Cảng Cửa Tùng thường xuyên bị bồi lấp. Ảnh: Võ Dũng.

Cảng Cửa Tùng thường xuyên bị bồi lấp. Ảnh: Võ Dũng.

Thiệt hại khó đo đếm

Sau nhiều ngày đánh bắt trên biển, khoảng 4 giờ ngày 22/1/2024, tàu cá mang số hiệu BTH-99231-TS, có chiều dài 16,8m, tổng công suất máy chính 420CV do ông Nguyễn Trương Hoài trú tại thôn Tân Linh, xã Tân Phước, huyện La Gi, tỉnh Bình Thuận làm thuyền trưởng, hành nghề lưới rê tìm đường cập cảng Cửa Tùng để tránh gió. Tuy nhiên, con tàu này đã bị mắc cạn tại cồn cát trong thủy diện cảng cá cửa lạch cảng Cửa Tùng, cách cầu Cửa Tùng khoảng 100m.

Nhận được thông tin, tối cùng ngày, Ban quản lý Cảng cá Quảng Trị đã phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan cùng với ba tàu cá ngư dân gần đó sử dụng dây thừng cứu hộ nhưng không thành công. Nước ngập vào khoang tàu BTH-99231-TS khiến máy móc hư hỏng nặng, hải sản bốc dỡ không kịp thời đã bị giảm chất lượng.

Đến 12 giờ 30 phút ngày 23/1/2024, do sóng to, gió mạnh, vùng nước nơi tàu cá gặp nạn quá cạn, công tác cứu hộ tạm dừng và phải lên phương án thuê thợ lặn dùng phao để làm nổi tàu mới kéo cứu hộ được. Tuy nhiên, công tác cứu hộ vẫn không thể thực hiện. Chủ tàu Nguyễn Trương Hoài cho biết, vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng xác tàu cá trị giá 1,6 tỉ đồng hiện vẫn nằm lại tại cửa lạch.

Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản  lý Cảng cá Quảng Trị cho hay, chủ tàu Nguyễn Trương Hoài đã thuê hết 30 triệu đồng để đưa được máy tàu lên bờ. Tuy nhiên, máy bị hư hỏng nặng nên bán lại chỉ được 28 triệu đồng. Vụ việc khiến chủ tàu Nguyễn Trương Hoài mất cả vốn lẫn lời.

Từ năm 2019 đến nay, tình trạng tàu cá mắc cạn tại cảng Cửa Tùng xảy ra thường xuyên. Nhiều chủ tàu đã viết đơn cầu cứu chính quyền địa phương và ngành chức năng. Các tàu lớn hầu như không thể cập cảng, xuất cảng theo ý muốn mà phải chờ lúc thủy triều lên mới thực hiện được.

Trước thực tế trên, cuối năm 2020, dự án nạo vét luồng lạch cửa sông Bến Hải (đoạn luồng lạch vào cảng cá Cửa Tùng) hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như sóng, dòng chảy, bão lũ… luồng chạy tàu tại khu vực Cửa Tùng bị biến đổi và tiếp tục bồi lấp, nhiều cồn cát chiếm gần hết cửa sông làm luồng chạy tàu biến đổi, khúc khuỷu hình chữ Z, chiều rộng luồng có đoạn dưới 10m, độ sâu luồng nhiều vị trí chỉ còn 0,5m, gây khó khăn, mất an toàn giao thông cho các phương tiện thủy, tàu cá ra khơi đánh bắt thủy hải sản. Hằng năm, cảng Cửa Tùng tiếp tục bị bồi lấp khiến rất nhiều tàu cá mắc cạn bị hư hỏng nặng.

Con tàu của ngư dân Nguyễn Trương Hoài bị mắc cạn. Ảnh: Võ Dũng.

Con tàu của ngư dân Nguyễn Trương Hoài bị mắc cạn. Ảnh: Võ Dũng.

Theo Sở Giao thông vận tải Quảng Trị, thực trạng luồng lạch vào cảng Cửa Tùng bị bồi lấp đã xảy ra nhiều năm nay, gây khó khăn cho ngư dân trong khai thác thủy hải sản. Tuy nhiên, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn do cứ nạo vét được một thời gian thì tình trạng bồi lấp lại tái diễn.

Vào ngày 2/6/2024, Sở Giao thông vận tải Quảng Trị đã gửi văn bản đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị sớm có kế hoạch nạo vét, đảm bảo giao thông qua khu vực bãi cạn Cửa Tùng, trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia sông Bến Hải, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện thủy hoạt động ra vào cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng được an toàn. Việc nạo vét cũng sẽ giúp tăng khả năng tiêu thoát lũ cho sông Bến Hải, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và ngư dân phát triển kinh tế.

Nạo vét khẩn cấp

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, luồng lạch vào cảng Cửa Tùng bị bồi lấp đã gây ra rất nhiều khó khăn cho ngư dân trong quá trình vươn khơi đánh bắt; công tác quản lý của ngành chức năng nhiều thời điểm cũng xuất hiện những bất cập.

Cảng cá Cửa Tùng được chỉ định đủ điều kiện cho tàu cá cập cảng để bốc dỡ sản phẩm thủy sản phục vụ công tác giám sát sản lượng và truy xuất nguồn gốc theo quy định của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU.

Tuy nhiên, với việc nhiều tàu cá có chiều dài trên 15m hoạt động vùng khơi không thể vào cập cảng, ngành chức năng rất khó để giám sát tàu ra vào cảng, ảnh hưởng đến mục tiêu gỡ "thẻ vàng" châu Âu về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp.

Nhiều tàu cá, vì cảng Cửa Tùng bị bồi lấp, đã phải tìm điểm bốc dỡ hàng hóa không đúng quy định, thậm chí phải tìm đến các khu neo đậu không đảm bảo an toàn. Thực tế, thời gian qua, một số tàu cá bốc dỡ hàng hóa không đúng cảng cá quy định đã phải chịu nộp phạt.

Cảng cá Cửa Tùng vắng hoe. Ảnh: Võ Dũng.

Cảng cá Cửa Tùng vắng hoe. Ảnh: Võ Dũng.

Cảng Cửa Tùng bị bồi lấp khiến lưu lượng tàu cập cảng, sản lượng bốc dỡ giảm, gián tiếp ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của các cơ sở chế biến và kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá ở trong khu vực cảng cá Cửa Tùng nói riêng và Thị trấn Cửa Tùng nói chung.

Tàu muốn cập cảng hoặc ra khơi phải chờ lúc thủy triều lên khiến thời gian đi biển chậm lại; chất lượng hải sản vào bờ không đạt yêu cầu phải bán với giá thấp. Chất lượng hải sản qua chế biến tại địa phương vì thế không đạt chất lượng như kỳ vọng. Nhiều lao động tại các cơ sở chế biến cũng rơi vào tình trạng thiếu việc làm, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống.

Cũng theo ông Vinh, hiện nay UBND tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương giao huyện Vĩnh Linh xây dựng phương án nạo vét. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị địa phương này sớm xây dựng phương án để khẩn trương triển khai nạo vét, tạo điều kiện cho tàu cá có chiều dài trên 15m hoạt động vùng khơi vào cập cảng cá Cửa Tùng để bốc dỡ hải sản và rời cảng đi khai thác thủy sản, đặc biệt là vào thời điểm chính vụ cá Nam, đảm bảo đúng quy định về chống khai thác IUU.

Vì tàu lớn khó khăn trong việc cập cảng. Ảnh: Võ Dũng.

Vì tàu lớn khó khăn trong việc cập cảng. Ảnh: Võ Dũng.

Về lâu dài, ông Vinh cho rằng, UBND huyện Vĩnh Linh cần chủ động xây dụng Đề án tổng thể duy tu nạo vét luồng vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; làm cơ sở để tiến hành công tác nạo vét, duy tu luồng lạch hằng năm, tạo điều kiện cho bà con ngư dân yên tâm vươi khơi bám biển sản xuất.

“Thiệt hại của ngư dân và lực lượng lao động gián tiếp cũng như các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn thời gian qua là rất lớn. Nếu không nạo vét cảng Cửa Tùng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Việc gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu EU về chống khai thác hải sản bất hợp pháp cũng như công tác quản lý của ngành chức năng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Vinh cho hay.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, giao UBND huyện Vĩnh Linh chủ trì tổ chức nạo vét khẩn cấp luồng lạch vào khu neo đậu, tránh trú bão cảng Cửa Tùng.

UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu UBND huyện Vĩnh Linh xây dựng đề án tổng thể duy tu, nạo vét luồng lạch vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng, trình phê duyệt làm cơ sở để nạo vét, duy tu luồng lạch hằng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển sản xuất.

Xem thêm
Giảm lượng, tăng chất để thủy sản có đủ năng lượng phục hồi sau thiên tai

Trong quá trình khôi phục sản xuất thủy sản sau thiên tai, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò then chốt để giúp thủy sản tăng cường sức đề kháng.

Ngư dân Cù Lao Xanh sống tốt nhờ chuyển đổi nghề

BÌNH ĐỊNH Sau khi những nghề truyền thống không còn hiệu quả, ngư dân Cù Lao Xanh (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) chuyển sang các nghề khai thác hải sản khác cho thu nhập cao…

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Quảng Bình chậm hỗ trợ xử lý mất kết nối

Đã có hàng trăm lá đơn của ngư dân đề nghị gửi các cơ quan chức năng để xin được hỗ trợ xử lý việc mất kết nối thiết bị giám sát hành trình…