| Hotline: 0983.970.780

Luồng lạch cảng cá bị bồi lấp, ngư dân cầu cứu [Bài 1]: Những cuộc 'giải cứu' bất thành

Thứ Ba 09/05/2023 , 09:27 (GMT+7)

Luồng lạch cảng cá bị bồi lấp. Tàu thuyền hỏng hóc do va vào bãi cát. Ngư dân và chủ cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá viết đơn cầu cứu.

Ông Nguyễn Văn Việt, trú tại thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) là chủ một con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá công suất 155 CV, dài 14,5 m, vỏ bằng chất liệu composite.

Là người thông thạo luồng lạch cảng cá Cửa Tùng, từ nhiều năm nay, mỗi khi có tàu cá cập cảng mắc cạn, ông Việt lại lên đường giải cứu. Tàu có công suất vừa phải, chất liệu composite đỡ trầy xước là lợi thế cho việc giải cứu tàu mắc cạn. Thế nhưng cũng không ít lần ông thất bại.

Luồng lạch cảng cá Cửa Tùng bị bồi lấp từ nhiều năm nay nhưng việc khắc phục không đem lại hiệu quả. Ảnh: Công Điền.

Luồng lạch cảng cá Cửa Tùng bị bồi lấp từ nhiều năm nay nhưng việc khắc phục không đem lại hiệu quả. Ảnh: Công Điền.

Mới rồi, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi cập cảng cá Cửa Tùng “cầu cứu”. Như thường lệ, ông Việt lại lên đường.

Do không quen luồng lạch cảng cá Cửa Tùng, tàu cá Quảng Ngãi cập cảng đúng lúc thủy triều xuống thấp, thúc vào bãi cát. Chủ tàu đã nỗ lực vùng vẫy, chiếc tàu phả khói đen phủ kín cả một vùng trời nhưng càng lúc càng lún sâu.

Đúng lúc tiến thoái lưỡng nan thì tàu ông Việt xuất hiện. Thế nhưng, sau một hồi “quần thảo”, tàu cá ông Việt cũng bất lực.

Một chiếc tàu đang nằm phía bên trong cảng có công suất lớn hơn chuyển hướng ra phía lạch nước. Một ngày sau, chiếc tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi mới được giải cứu. Hải sản vẫn được các đầu nậu thu mua nhưng cũng giảm 20-30% giá trị.

Thường những lần giải cứu như vậy, ông Việt không đặt vấn đề sẽ lấy bao nhiêu tiền công. Cũng có những chủ tàu, sau khi bốc dỡ hết hàng hóa, mua vật tư để chuẩn bị chuyến biển thì không còn tiền để trả công cho ông Việt. Vì vậy, nhiều cuộc “giải cứu” ông Việt trở về tay không.

Nhưng như thế cũng chưa phải là tận cùng của sự khốn khó.

“Có chuyến giải cứu, tàu của tôi hỏng cả chân vịt, trầy xước, đem đi sửa hết gần 20 triệu đồng nhưng thấy họ hết nhẵn tiền nên đành thôi. Tôi cũng không nhớ số của những con tàu mình từng giải cứu vì công việc này đã làm từ rất nhiều năm nay. Cũng có những người sau khi quay lại cảng cá, họ tìm đến tôi chỉ để cảm ơn bằng… một cuộc nhậu”, ông Việt nhớ lại.

Bà Phan Thị Tư, chủ một cơ sở thu mua hải sản tại thị trấn Cửa Tùng cho hay, chuyện tàu mắc cạn ở đây xẩy ra như cơm bữa. Là chủ đầu nậu thu mua, chuyên đầu tư cho các tàu đánh bắt, nhiều lần bà Tư rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Có lần, tàu “đối tác” của bà Tư hỏng bộ đàm và máy dò cá. Khi tàu đang cập cảng Cửa Tùng bốc dỡ hàng hóa để sửa tàu, đến lạch Cửa Tùng thì mắc cạn.

Chiếc tàu này đã phải chờ từ sáng đến chiều ngày hôm sau mới có tàu giải cứu. Khi vào đến cảng, cần và chân vịt của tàu bị hỏng do va vào cát. Không những cá thu mua về bị giảm chất lượng, bà Tư còn phải hỗ trợ “đối tác” sửa chữa lại con tàu.

Hiện chỉ những tàu có công suất nhỏ mới thuận tiện ra vào cảng cá Cửa Tùng. Ảnh: Công Điền.

Hiện chỉ những tàu có công suất nhỏ mới thuận tiện ra vào cảng cá Cửa Tùng. Ảnh: Công Điền.

"Khi tàu cá đối tác của tôi vào đến cảng thì chất lượng hải sản giảm 30-40%, sửa chữa hết gần 150 triệu đồng nữa. Làm ăn với nhau tôi cũng đành chia sẻ rủi ro với họ. Ở đây, có thời điểm luồng lạch cảng cá Cửa Tùng chỉ sâu chừng 60-70 cm trong khi yêu cầu phải có độ sâu từ 1,9-2,7m tàu lớn mới cập cảng được. Tình trạng này đã kéo dài từ nhiều năm nay và thường xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 7 hàng năm”, bà Tư cho hay.

Nhiều tàu cá do không cập cảng được phải đậu ngoài cửa lạch và thuê tàu trung chuyển đưa cá vào cảng rồi lại thuê tàu nhỏ vận chuyển vật tư chuẩn bị cho chuyến biển mới. Điều này khiến các đầu nậu tốn thời gian thu mua, chất lượng hải sản giảm xuống.

“Cũng vì điều này nên nhiều tàu cá ngoại tỉnh hiện nay không còn quay lại cảng cá cửa Tùng. Việc thu mua hải sản của chúng tôi theo đó cũng gặp khó khăn. Nếu không có giải pháp khơi thông luồng lạch thì ngư dân và những người làm dịch vụ hậu cần nghề cá đều phải chịu thiệt”, bà Phan Thị Tư rầu rĩ.

Luồng lạch cảng cá bị bồi lấp gây nguy hiểm cho tàu cá ra vào

Cuối năm 2020, dự án nạo vét luồng lạch cửa sông Bến Hải (đoạn luồng lạch vào cảng cá Cửa Tùng) hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như sóng, dòng chảy, bão lũ… luồng chạy tàu tại khu vực Cửa Tùng bị biến đổi, tiếp tục bồi lấp, nhiều cồn cát chiếm gần hết cửa sông làm luồng chạy tàu biến đổi, khúc khuỷu hình chữ Z, chiều rộng luồng có đoạn dưới 10 m, độ sâu luồng nhiều vị trí -0,5 m, gây khó khăn, mất an toàn giao thông cho các phương tiện thủy, tàu cá ra khơi đánh bắt thủy hải sản.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất