Đây là thông tin được đại diện Cục Thủy sản báo cáo tại buổi làm việc để triển khai thực hiện kế hoạch chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) sáng 6/6.
Theo lãnh đạo Cục Thủy sản, từ tháng 1/2024, Cục đã có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai phần mềm; tập huấn cho các địa phương (từ cảng cá, đại diện của ngư dân, các Chi cục và đại diện các nhà máy thu mua nguyên liệu chế biến).
Sau năm 5 tháng triển khai, nhiều cảng cá đã tổ chức triển khai xuất nhập bến cho tàu cá thành thạo trên phần mềm, thực hiện cấp giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản qua cảng, Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC) cho các doanh nghiệp.
“Đến nay đã có 83 cảng công bố thực hiện cho tàu cá xuất bến trên hệ thống và 56 cảng chỉ định mở, với 7.940 lượt tàu cá thực hiện xuất bến và 47/83 cảng cá thực hiện thủ tục nhập bến cho tàu cá với 4.356 lượt tàu cá cập bến”, đại diện Cục Thủy sản cho biết.
Theo kế hoạch, Cục Thủy sản tổng hợp, theo dõi, công bố danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tàu cá “3 không” theo cơ chế thường xuyên. Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị địa phương theo dõi, báo cáo hàng ngày về kết quả xử lý tất cả các trường hợp vi phạm quy định ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển theo quy định. Từ đó, tiến tới nắm bắt 100% số lượng tàu cá ngắt kết nối, vượt ranh giới.
Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết, đơn vị đã tham mưu Bộ ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 5, trên cơ sở triển khai thực hiện Chỉ thị số 32 ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản và Nghị quyết số 52 ngày 22/4/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32.
Theo đó, kế hoạch đã chi tiết hóa nhiệm vụ của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian hoàn thành, sản phẩm... Ông Hùng đề nghị các đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện.
Đối với quy định quản lý đội tàu, Cục Thủy sản chịu trách nhiệm, phối hợp với Cục Kiểm ngư, Vụ Pháp chế và các cơ quan, đơn vị liên quan quản lý, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ đội tàu cá; thực hiện việc cấp phép đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định, đôn đốc các địa phương cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase.
Thứ trưởng nhấn mạnh, về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, phải thường xuyên cập nhật danh sách theo quy định, xử lý 100% tàu cá “3 không”. Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa triển khai Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23 về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá.
“Mặc dù số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS rất cao ở mức hơn 98% nhưng tình trạng tàu cá bị mất kết nối trên biển vẫn còn. Trong khi đó, nhà cung cấp khẳng định chỉ 0,2% do lỗi thiết bị, chủ yếu lỗi do chủ tàu. Sơn đánh dấu 96% tàu cá, vậy 4% còn lại là con số không nhỏ”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu. Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư làm việc để hoàn tất 100% tàu cá lắp đặt thiết bị VMS và sơn tàu theo quy định.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu khẩn trương triển khai đồng bộ hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác điện tử (eCDT), hoàn thành trước tháng 9/2024.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, để chuẩn bị cho việc đón đoàn công tác EC lần thứ 5, dự kiến vào tháng 9 tới đây, các Cục, Vụ phải làm việc chặt chẽ với các địa phương, tránh tình trạng quan liêu trong quản lý đội tàu, xử lý tàu vi phạm.
"Các tàu cá đều phải được cập nhật hồ sơ, vị trí thường xuyên. Những tàu nghi ngờ vi phạm vùng biển nước ngoài, xóa số, hỏng hóc, làm mờ số… phải được cập nhật vị trí, địa chỉ hàng tuần để không bị lọt ra ngoài", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến quán triệt.