Không lơ là nhiệm vụ
Dịp trước, trong và sau tết là thời gian các đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản tăng cường hoạt động về quy mô, mức độ, thủ đoạn mới. Đây là thời điểm lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, chủ rừng “căng mình”, vượt qua khó khăn, len lỏi khắp nẻo đường rừng để cho những cánh rừng thêm xanh.
Tại khu vực rừng giáp ranh Khánh Hòa - Lâm Đồng, nơi có độ cao 1.500m so với mực nước biển, vào sáng sớm luôn có nhiệt độ rất thấp, nhiều sương mù. Ra ngoài vào thời điểm trên có thể khiến cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột, nhưng những người giữ rừng nơi đây chẳng ngại khó khăn, không một chút lơ là với nhiệm vụ. Đội bảo vệ rừng Sơn Thái thuộc Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa là ví dụ, ngay từ mờ sáng mọi người đã chuẩn bị “cơm đùm, cơm nắm” rong ruổi khắp các cánh rừng.
Theo anh Hoàng Thành Nam, đội trưởng đội bảo vệ rừng Sơn Thái, hiện đội có 13 người được giao nhiệm vụ bảo vệ gần 5.400 ha rừng dọc theo tuyến đèo Khánh Lê – Lâm Đồng. Đây là khu vực rừng có nhiều loài gỗ quý, trữ lượng lớn lại nằm sát bên đường giao thông nên các đối tượng luôn tìm đủ cách để khai thác trái phép. Vì vậy, chỉ một chút lơ là, rừng rất dễ bị xâm hại. Ngoài lực lượng ở đội, Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa còn lập thêm 4 chốt bảo vệ rừng dọc theo tuyến đường đèo, bố trí người luân phiên túc trực cả ngày lẫn đêm để bảo vệ rừng.
Còn tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương - đơn vị được giao quản lý hơn 38.471 ha (trong đó hơn 35.268 ha có rừng) nằm trên địa giới hành chính 5 xã cánh bắc huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa).
Ông Triệu Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương cho biết, hàng năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, số lượng và cường độ người dân địa phương vào rừng thu hái các loại lâm sản ngoài gỗ như trái mây, lấy lan rừng, hái dược liệu, các loại trái cây, rau rừng… đều gia tăng. Nếu lực lượng bảo vệ rừng lơ là, mất cảnh giác thì việc lợi dụng vào rừng khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất rừng đều có nguy cơ xảy ra. Bên cạnh đó, nếu người dân sử dụng lửa vô ý thức cũng gây nguy cơ cháy rừng cao.
Trước các nguy cơ trên, theo ông Triệu Văn Minh, công ty đã chỉ đạo, quán triệt đến toàn lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tăng cường tần suất các biện pháp bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng theo phương án đã xây dựng.
Đối với những vùng trọng điểm, công ty thực hiện bảo vệ rừng bằng cách chốt trực tại rừng, tăng tần suất tuần tra kiểm tra rừng trong ngày. Để nắm bắt người dân ra vào rừng, từ sáng sớm lực lượng quản lý bảo vệ rừng của công ty đã có mặt trong rừng. Tất cả người dân vào rừng hàng ngày đều được ghi chép nhật ký đầy đủ, cùng với đó là việc tuyên truyền đến người dân trong việc ý thức bảo vệ rừng. Tuy nhiên có những đối tượng, lực lượng bảo vệ rừng phải dùng đến biện pháp răn đe, cương quyết không cho mang phương tiện, dụng cụ chặt hạ cây gỗ vào rừng.
Theo những người giữ rừng, hàng ngày họ phải vượt hàng chục cây số đường rừng cheo leo, len lỏi qua những cánh rừng già, hiểm trở mới tiếp cận được các địa điểm, sau đó phân công nhau tỏa đi các hướng tuần tra, kiểm soát. Công việc giữ rừng quá gian nan, vất vả, có những lúc mỏi gối, chùn chân, nhưng vì nhiệm vụ nên những người giữ rừng phải cố gắng hoàn thành cho bằng được.
Tăng cường bảo vệ rừng
Ông Nguyễn Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa cho biết, nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, kinh doanh lâm sản trái pháp luật, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Chi cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, tăng cường kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, các tụ điểm có dấu hiệu tập kết, tàng trữ, mua bán lâm sản trái pháp luật trên địa bàn quản lý.
Cùng với đó phối hợp với các cơ quan liên quan kiên quyết thu hồi diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật; xác định, truy quét các “đầu nậu”, kiên quyết xỏa bỏ các “điểm nóng” về phá rừng, cháy rừng và khai thác lâm sản trái pháp luật. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Đồng thời xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc lâm sản trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là dịp trước, trong và sau tết. Kiểm tra, đánh giá kỹ số lượng lâm sản, giám sát việc tận dụng lâm sản đúng diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng, không để các đối tượng khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép, hợp thức hóa chứng từ, hồ sơ để mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp.
Thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ"; tổ chức thực hiện công tác vệ sinh rừng, tu sửa hoặc làm mới đường băng cản lửa và có phương án chữa cháy rừng cụ thể phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, cũng như thực hiện chế độ trực ban, trực phòng cháy và chữa cháy rừng. Khi xảy ra cháy rừng, các lực lượng sẽ khẩn trương phối hợp, huy động tổng lực phương tiện để xử lý các tình huống, không để cháy rừng lan rộng, đảm bảo an toàn…
Đối với các đơn vị chủ rừng, ông Nguyễn Danh lưu ý cần chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thuộc lâm phần được giao quản lý; duy trì lực lượng thường trực tại các chốt, đội bảo vệ rừng đã được đơn vị bố trí, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Nếu phát hiện hành vi vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp trên lâm phận được giao quản lý, các chủ rừng lập hồ sơ ban đầu, báo cáo và chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát, điều chỉnh phương án phòng cháy chữa cháy rừng, kế hoạch quản lý bảo vệ rừng đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị và theo đúng quy định pháp luật.