Ông Lê Xuân Vân, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế Tuyên Quang cho biết: Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chỉ xảy ra một vụ ngộ độc, nhưng là vụ ngộ độc nghiêm trọng nhất trong vài năm trở lại đây.
Đó là vụ ngộ độc nấm làm 4 người phải nhập viện gồm: bố con ông Triệu Văn Hồng (51 tuổi), Triệu Văn Thu (22 tuổi); ông Bàn Văn Tài (43 tuổi), con là Bàn Văn Hạnh (18 tuổi), ở bản Pình, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn.
Trước đó, hai gia đình ông Triệu Văn Hồng và ông Bàn Văn Tài đi làm nương và có hái một số nấm ở rừng về ăn. Sau một ngày các nạn nhân thấy có hiện tượng tiêu chảy liên tục và đau bụng dữ dội. Lúc này, 4 nạn nhân đã nhanh chóng được đưa đến bệnh viện khu vực ATK, sau đó tiếp tục đưa lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Sau khi thăm khám, bệnh viện tỉnh xác định 4 nạn nhân đã bị ngộ độc nấm độc, nên đã nhanh chóng làm thủ tục chuyển xuống khoa Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Hiện hai nạn nhân: Triệu Văn Thu và Bàn Văn Hạnh đã tử vong; hai nạn nhân còn lại đã được ra viện.
Qua điều tra, xác minh, 4 nạn nhân bị ngộ độc do ăn phải loại nấm độc tán trắng, hay còn có tên gọi khác là “nàng tiên giết người trong rừng”, “ thiên thần hủy diệt”, “thần chết”. Loại nấm này có các đặc điểm nhận dạng như: Mũ nấm màu trắng, đôi khi giữa mũ có màu vàng bẩn. Bề mặt mũ nhẵn bóng khi khô, dính khi trời ẩm.
Mũ nấm còn non có hình tròn, mập, khum dính chặt vào cuống, sau mũ nấm lớn dần thành hình nón, cuối cùng lúc nấm trưởng thành mũ nấm trải phẳng với đường kính từ 5-10 cm. Cuống nấm có vòng dạng màng màu trắng, chân cuống hình dạng củ, có bao gốc hình đài hoa. Thịt nấm màu trắng, mùi thơm dịu.
Nấm mọc đơn độc hoặc thành từng đám ven đường, trong rừng, đặc biệt là ở các khu rừng thưa. Những khu vực có nấm tán trắng mọc năm trước thì năm sau thường mọc lại vì khu vực này đã có các bào tử nấm phát tán.
Ông Vân cũng cho biết thêm: Để phòng chống nguy cơ bị ngộ độc nấm độc cho người dân, Chi cục đang phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng dân cư về sự nguy hiểm của việc hái nấm dại ở rừng về ăn; phối hợp với giáo viên các trường phổ thông đưa chương trình giáo dục phòng chống ngộ độc nấm vào các hoạt động ngoại khóa, tại các xã thường xảy ra ngộ độc nấm; phân phát tờ rơi, hình ảnh nhận dạng một số loại nấm độc nguy hiểm có mọc tại địa phương.
Đồng thời, phối hợp với cán bộ y tế xã tổ chức tập huấn cho trưởng thôn, già làng, trưởng bản về các biện pháp dự phòng và sơ cứu bước đầu tại gia đình khi bị ngộ độc nấm độc trước khi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế...
Bên cạnh đó, Chi cục cũng khuyến cáo người dân, để phòng chống ngộ độc nấm, tuyệt đối không được ăn nấm lạ, không ăn thử nấm; không ăn thử nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm của nấm độc; nấm tươi mới hái về nên ăn ngay, nếu để ôi, nát có thể thành nấm độc; các loại nấm sâu bọ ăn, động vật ăn không chết nhưng vẫn có thể gây độc với người.
Đặc biệt, sau khi ăn nấm nếu xuất hiện các triệu chứng: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy người dân cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị.