Kiểm dịch có cũng như không
Chợ đầu mối gia cầm Hải Bối, huyện Đông Anh được xem là một trong những điểm cung ứng gia cầm, gia súc lớn cho TP Hà Nội với số lượng ước tính hàng chục vạn gmỗi ngày. Tuy nhiên, tại khu chợ phía Bắc Thủ đô này đang bộc lộ nhiều bất cập như: không thực hiện kiểm dịch động vật, thu phí trái quy định và không có hóa đơn chứng từ.
Công tác kiểm soát nguồn gốc gia cầm trước khi ra vào chợ cũng như khử trùng tại thời gian qua đã bị cán bộ thú y bỏ ngỏ dẫn đến việc mất kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện lây lan dịch bênh.
Những ngày tháng 7, chúng tôi có mặt tại chợ Hải Bối vào thời điểm 20 giờ tối. Khi ánh điện tại các gian hàng trong chợ bật sáng, tiếng gà tiếng vịt cũng bắt đầu xuất hiện. Hàng gia cầm tại chợ sẽ được bán cho các lò mổ hoặc bán buôn cho các tư thương khác để bán ở các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, hoặc các tỉnh lân cận.
Khi đã lên đèn, khung cảnh sôi động bên ngoài cổng bắt đầu với hàng chục chiếc ô tô chở gia cầm các loại chờ đến lượt vào chợ. Tiếp đến là xe máy của tư thương chở gia cầm từ chợ Hải Bối đi phân phối, bán lẻ tại các chợ khác. Khung cảnh nhộn nhịp này kéo dài đến 7 giờ sáng ngày hôm sau.
Điều đáng ngạc nhiên, mỗi chuyến ô tô (tải trọng từ 3,5 - 5 tấn) chở hàng nghìn con gia cầm các loại được đưa thẳng vào trong chợ mà không hề gặp phải bất kỳ việc kiểm tra, kiểm soát nào từ cán bộ thú y.
Theo quy định, gia cầm trước khi nhập vào chợ, khâu quan trọng nhất là kiểm tra để cắt kẹp chì. Công việc này phải do cán bộ thú y được phân công kiểm tra, kiểm soát mỗi chuyến xe ra vào chợ. Khi hỏi các tiểu thương kinh doanh về thủ tục, giấy tờ trước khi vào chợ là gì, chúng tôi nhận được câu trả lời.
“Cứ vào thoải mái em, không có ai kiểm tra, kiểm soát gì nên cứ vào thoải mái. Chị đi hàng gà có ngày một tấn, có ngày hơn tấn. Phí đóng theo ngày, theo tháng, hoặc đi chuyến nào đóng chuyến đó”. Một tiểu thương kinh doanh lâu năm tại chợ cho biết.
Sau nhiều ngày quan sát, tại vị chốt chặn phía trước cổng vào chợ, có một tấm biển ghi rất rõ “UBND huyện Đông Anh chốt kiểm soát dịch bệnh động vật”, thi thoảng chúng tôi có thấy bóng dáng của một người mặc áo màu trắng giống áo của kiểm dịch viên ngành thú y. Nhưng trong thời gian chúng tôi theo dõi tại đây, chưa một lần nhóm phóng viên được thấy vị này thực hiện nhiệm vụ của một cán bộ thú y.
Nhập nhèm thu phí và lệ phí vào chợ
Khoảng thời gian từ 19 giờ 30 đến 23 giờ là thời điểm các xe chở hàng đổ về chợ nườm nượp. Như thường lệ, những chủ buôn sẽ xuống xe mở barie thủ công để lái xe cho thẳng hàng vào chợ. Để công việc trơn tru, các chủ hàng đều đặn vào chốt để đóng phí, với mức thu từ 100.000 - 300.000 đồng.
Tiếp cận một tiểu thương vừa bước ra từ bên trong bốt sau khi đóng lệ phí vào chợ, chúng tôi hỏi “Đóng phí có hóa đơn hay giấy tờ gì không chị?”, người phụ nữ nói trắng luôn là “không! làm gì có hóa đơn giấy tờ gì!?”.
Còn đối với những xe không phải đóng phí chợ trong bốt mặc nhiên họ đã thuê gian hàng cố định tại đây, mỗi tháng họ sẽ phải mất 3,5 triệu đồng tiền thuê chỗ, cộng với 300.000 đồng tiền vào chợ, 100.000 đồng tiền lồng/ngày. “Cố định rồi, đi đương nhiên phải nộp, không đi cũng vẫn phải nộp”. Bà H. một tiểu thương kinh doanh gà cho biết.
Ông T.V.K, bán hàng trước cổng chợ khi biết chúng tôi là phóng viên đã không ngần ngại chia sẻ: “Tình trạng này xảy ra lâu rồi. Chốt chặn ở đầu cổng chợ lúc nào cũng có người túc trực để thu tiền, còn cán bố thú y lúc có, lúc không. Thậm chí, có người nhưng mỗi khi xe chở gia cầm ra vào chợ cũng chẳng thấy ai yêu cầu dừng xe để kiểm tra, kiểm soát gì".
Bà P. đã có nhiều năm chuyên cung cấp ngan, vịt từ Thái Nguyên về chợ Hải Bối cho các lò mổ tiết lộ với chúng tôi: “Kiểm soát thế nào hết được, mỗi ngày có hàng chục vạn con gia cầm ra vào chợ như thế đếm sao cho hết. Thường những xe ra vào chợ là những xe quen, làm ăn lâu và có uy tín rồi nên anh em tin tưởng và cũng ít khi phải kiểm tra, kiểm soát”.
Mỗi ngày, bà P. chở 2 chuyến xe gia cầm vào chợ, một xe chuyên để nhập hàng cho các lò mổ, một xe bán lại cho các tư thương khác đem về các chợ dân sinh. Trọng tải xe ô tô của bà P. là 3,5 tấn, bình quân mỗi ngày nhập khoảng hơn 2.000 con gia cầm các loại, chủ yếu là vịt. Thường số gia cầm này cũng “ít khi bị kiểm soát” vì “là chỗ quen biết lâu năm”.
2 giờ sáng, các xe chở gia cầm từ các nơi vẫn tiếp tục ồ ạt vào chợ Hải Bối để đổ hàng, lượng xe máy vào chợ để chở hàng cũng tăng theo, ước tính mỗi đêm có hàng trăm lượt phương tiện chở gia cầm vào chợ phải đóng với mức phí từ 100.000 - 300.000 đồng. Mỗi lượt xe máy là 5.000 đồng, ô tô là 10.000 đồng cho đến 50.000 đồng.
Tất cả các lần thu đều không hề có vé hay hoá đơn chứng từ. Vậy những số tiền được thu mỗi đêm không có hóa đơn chứng từ tại chợ Hải Bối đang chảy vào túi của ai? Trước thực trang trên các cơ quan chức năng của huyện Đông Anh có biết?
Trong quá trình điều tra, nhóm phóng viên còn phát hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Hải Bối còn nhiều nỗi lo khi vẫn có tình trạng nhồi nhét thức ăn cho gia cầm trước khi bán lẻ cho các tiểu thương. Bên cạnh đó, các lò giết mổ vẫn sử dụng nhựa thông để làm lông gà vịt, trong khi hoạt chất này đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm dưới bất kỳ công đoạn nào.