| Hotline: 0983.970.780

'Cởi trói' cơ giới hóa vùng Đồng bằng sông Hồng

Chuỗi liên kết sản xuất tạo đà cho cơ giới hóa

Thứ Sáu 04/08/2023 , 07:05 (GMT+7)

NINH BÌNH Xây dựng các chuỗi liên kết đồng bộ vừa khuyến khích được nông dân sản xuất, hạn chế tình trạng ruộng bỏ hoang, vừa thuận lợi đẩy nhanh cơ giới hóa vào sản xuất lúa.

Chủ máy cấy "bắt tay" nhau

Bài liên quan

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, người dân cơ bản vẫn duy trì việc sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống, tỷ lệ gieo sạ (gieo thẳng, gieo vãi) tương đối cao. Cùng với đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón không cân đối đã làm chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của người trồng lúa.

Ông Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm - Khuyến ngư Ninh Bình (Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình) chia sẻ, trong bối cảnh ngành nông nghiệp cả nước nói chung, Ninh Bình nói riêng đang phát triển theo hướng chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường, giảm phát thải..., việc hạn chế tối đa các loại vật tư đầu vào, nhất là phân bón, thuốc BVTV càng trở nên quan trọng.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Ninh Bình đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng mạ khay - cấy máy tại huyện Yên Mô vụ mùa 2022. Ảnh: Trung Quân.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Ninh Bình đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng mạ khay - cấy máy tại huyện Yên Mô vụ mùa 2022. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Muốn làm được điều này, trước hết phải đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo cấy. Bởi lẽ, muốn giảm lượng phân bón, thuốc BVTV, công chăm sóc thì trước hết phải giảm được lượng giống mà vẫn đảm bảo năng suất. Hiện tại, có nhiều phương pháp để giảm giống nhưng theo đánh giá, phương pháp sử dụng mạ khay - cấy máy được xem là hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, để nhanh chóng mở rộng diện tích cấy bằng máy không phải là việc dễ dàng vì vướng rất nhiều rào cản.

Cũng theo ông Ngọc, cùng với việc xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất mạ khay - cấy máy ở các địa phương để người dân "mắt thấy, tai nghe", hiểu rõ những lợi ích mà phương thức sản xuất này đem lại, Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình còn cử cán bộ hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật cho các địa phương, hợp tác xã (HTX), tổ dịch vụ.

Bài liên quan

Xác định khó khăn khi khung thời vụ của tỉnh ngắn nên muốn tăng được diện tích cấy bằng máy, các hộ có máy cấy phải liên kết được với nhau, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đứng ra làm cầu nối để các đơn vị, cá nhân làm dịch vụ mạ khay - cấy máy đẩy mạnh hợp tác.

“Công suất tối đa của một máy cấy có hạn, trong khi nhu cầu cấy lúa bằng máy của người dân ngày càng tăng lên. Do đó, những chủ máy nhận được các đơn đặt hàng lớn, nhưng khả năng đáp ứng có hạn, vì vậy việc hợp tác cùng các chủ máy khác sẽ giúp để cấy hết toàn bộ diện tích, đảm bảo khung thời vụ cho người dân. Điều này vừa giúp diện tích cấy bằng máy tăng lên, tạo hiệu ứng lan tỏa để thay đổi nhận thức của người dân, vừa giúp các tổ máy phát huy được tối đa công suất, gia tăng lợi nhuận”, ông Ngọc phân tích.

Theo ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh, Ninh Bình), việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lớn mạnh giúp cơ giới hóa thuận lợi hơn. Ảnh: Kiên Trung.

Theo ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh, Ninh Bình), việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lớn mạnh giúp cơ giới hóa thuận lợi hơn. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Ngọc cũng cho rằng, hiện tại, không phải đơn vị, cá nhân nào có máy cấy cũng có thể tự sản xuất được mạ khay. Do đó, việc khuyến khích thành lập các đơn vị chuyên sản xuất mạ khay sẽ là giải pháp hiệu quả để gia tăng diện tích cấy lúa bằng máy.

Khi một đơn vị có đủ các điều kiện (tài chính, nhân lực, quỹ đất, thiết bị…) để sản xuất mạ khay chuyên nghiệp, chắc chắn chất lượng mạ sẽ được đảm bảo với giá thành hợp lý nhất. Khi đó, những HTX, nhất là các tổ sản xuất nhỏ, hộ dân có diện tích lớn thuận lợi đưa máy cấy vào hoạt động. Đồng thời, việc có đơn vị cung cấp mạ ngay tại chỗ sẽ giúp giải quyết được tình trạng các đơn vị làm dịch vụ cấy máy phải mua mạ từ tỉnh ngoài, quá trình vận chuyển làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng mạ như hiện tại.

“Để mua được máy cấy không khó, nhưng để sản xuất được mạ khay thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Cho nên khi có đơn vị cung cấp mạ khay chuyên nghiệp, số lượng máy cấy chắc chắn sẽ tăng lên (một số hộ có thể cùng nhau mua chung 1 máy), diện tích cấy bằng máy cũng nhờ đó tăng theo. Đồng thời, mỗi tổ sản xuất nhỏ giống như một mô hình trình diễn thu nhỏ, góp phần tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân xung quanh về phương pháp cấy máy - mạ khay”, ông Ngọc đánh giá. 

Xây chuỗi liên kết đồng bộ

Ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh, Ninh Bình) chia sẻ, tổng diện tích sản xuất lúa của HTX hơn 300ha, mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 500 tấn lúa, gạo. Khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo đồng bộ với nhiều chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và thu mua sản phẩm, HTX đã phát huy được tối đa lợi thế, tiết kiệm chi phí. Đồng thời, việc đẩy mạnh cơ giới hóa, nhất là áp dụng mạ khay - cấy máy trở nên thuận lợi hơn.

Theo bà Vũ Thị Cúc (trái), Giám đốc Công ty Cúc Phương, các chủ thể khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất đều được hưởng lợi. Ảnh: Kiên Trung.

Theo bà Vũ Thị Cúc (trái), Giám đốc Công ty Cúc Phương, các chủ thể khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất đều được hưởng lợi. Ảnh: Kiên Trung.

Cụ thể, khi tham gia liên kết, HTX nhận được sự hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật thông qua các chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện. Đơn vị cung ứng giống, vật tư đầu vào cung cấp sản phẩm chất lượng cho HTX với giá thấp nhất. Doanh nghiệp thu mua sẽ đặt hàng HTX về chủng loại, sản lượng và thu mua toàn bộ khi có sản phẩm. Từ đó, kích thích người dân hăng say sản xuất, không còn tình trạng bỏ ruộng hoang, hình thành các cánh đồng lớn, thuận lợi cho máy móc hoạt động.

“Muốn vừa đảm bảo được năng suất, giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động, vừa cung cấp được hạt thóc có sự đồng đều, mẩy hạt, sáng mã theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp thu mua thì chỉ có cách duy nhất là sử dụng mạ khay - cấy máy”, ông Quyết nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quyết, tham gia chuỗi liên kết không chỉ kích cầu khâu gieo cấy bằng máy tăng lên mà các khâu khác, nhất là khâu sấy cũng sẽ tăng theo. Trước đây, khi thu hoạch, các thành viên HTX phải mất rất nhiều công phơi trở. Khi gặp thời tiết xấu, chất lượng, mẫu mã hạt gạo bị ảnh hưởng nên dù đã lặn lội đưa thóc sang tận Yên Mỹ (Hưng Yên) để bán nhưng giá cũng không cao.

Hiện tại, khi tham gia liên kết, doanh nghiệp thu mua thóc tươi ngay tại đầu bờ, người dân không tốn kém chi phí bao bì, công phơi trở. Đặc biệt, hộ nào có thể sấy được lúa thì số lượng có nhiều bao nhiêu cũng sẽ được doanh nghiệp thu mua hết với giá cao hơn 400 - 500 đồng/kg so với lúa phơi thông thường.

Ngoài ra, doanh nghiệp sau khi thu mua lúa tươi, để hạn chế thất thoát và đảm bảo chất lượng cho hạt gạo sẽ có nhu cầu sấy thóc ngay tại chỗ. Đây là điều kiện thuận lợi để HTX đầu tư lò sấy, phát triển dịch vụ sấy thóc thuê, gia tăng thu nhập. Đơn cử như HTX Nông nghiệp Hợp Tiến hiện có 5 lò sấy với công suất mỗi lò 20 tấn/mẻ, đảm nhiệm dịch vụ sấy lúa cho các doanh nghiệp thu mua và hàng xáo với giá 650 - 700 đồng/kg.

Bà Vũ Thị Cúc, Giám đốc Công ty Cúc Phương, đơn vị chuyên thu mua lúa tại Ninh Bình và các tỉnh Bắc Trung bộ cho hay, khi tham gia chuỗi liên kết, doanh nghiệp thu mua lúa gạo rất thuận lợi trong hoạt động của mình vì có thể đảm bảo được nguồn cung nguyên liệu chất lượng, liên tục.

Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sẽ tạo điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sẽ tạo điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Mỗi vụ công ty cần số lượng gạo giống nào, sản lượng bao nhiêu sẽ tiến hành ký kết đặt hàng với các HTX, hộ sản xuất ngay từ đầu vụ. Khi có mối tiêu thụ ổn định, người sản xuất sẽ an tâm tích tụ ruộng đất, đầu tư máy móc giúp chất lượng hạt gạo nâng lên, lượng cung dồi dào, thuận tiện thay đổi giống theo những yêu cầu, thị hiếu của thị trường.

Đặc biệt, khung thời vụ các tỉnh phía Bắc gần giống nhau nên lượng cung ra thị trường trong cùng một thời điểm sẽ rất lớn. Vì vậy khi tham gia chuỗi liên kết, doanh nghiệp nắm bắt cụ thể được nguồn cung, chủ động xây dựng phương án tiêu thụ một cách hiệu quả. Song song đó, khi doanh nghiệp có nhiều đơn đặt hàng sẽ không bị “đói” nguyên liệu vì không tìm được đơn vị cung cấp.

Ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình thông tin, hết năm 2022, số lượng máy cấy trên địa bàn toàn tỉnh hơn 300 chiếc (máy ngồi lái 30 chiếc, máy dắt tay 272 chiếc), ước đáp ứng hơn 40% diện tích gieo cấy của tỉnh. Tuy nhiên, để cấy hết toàn bộ diện tích, vẫn cần bổ sung khoảng hơn 400 máy cấy.

Những năm qua, Sở NN-PTNT Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh trong việc tăng cường hỗ trợ, đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp từ khâu gieo cấy, thu hoạch, sơ chế, chế biến như máy cấy, máy phun thuốc BVTV, máy sấy, máy cuộn rơm... cho các HTX, người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 98%; gieo cấy gần 30%; chăm sóc, tưới trên 95%; phun thuốc BVTV 80%; thu hoạch đạt gần 95%...

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.