| Hotline: 0983.970.780

'Cánh đồng mơ ước' theo quy trình GlobalGAP

Thứ Tư 13/04/2022 , 07:05 (GMT+7)

TIỀN GIANG Kết hợp hợp lý phân bón hữu cơ và vô cơ, sử dụng thuốc BVTV sinh học canh tác lúa theo quy trình GlobalGAP và chuẩn SRP đang được nhiều địa phương ĐBSCL áp dụng.

Giảm chi phí nhờ bón phân hữu cơ - vô cơ kết hợp

Bài liên quan

Mới đây, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông Lê Văn Hưng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Nam ở xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy, Tiền Giang).

Được biết, trong 100ha lúa canh tác theo quy trình GlobalGAP của HTX, có 50ha vừa được chứng nhận đạt chuẩn SRP (Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững) đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu. Điều làm ông Hưng phấn khởi là giá lúa chuẩn SRP từ vụ hè thu này sẽ được đơn vị bao tiêu (Công ty TNHH ADC) thu mua với giá cao hơn 15% so với thị trường. Ông nói đó là thành quả hợp tác bấy lâu nay của các thành viên HTX với Công ty ADC.

Mô hình 'Cánh đồng mơ ước' 100ha theo quy trình GlobalGAP được triển khai tại HTX Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đãm.

Mô hình "Cánh đồng mơ ước" 100ha theo quy trình GlobalGAP được triển khai tại HTX Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đãm.

Bài liên quan

Theo ông Hưng, nhiều năm trước, nông dân trồng lúa ở Mỹ Thành Nam có tập quán gieo sạ dày, sử dụng thừa phân đạm và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đối với vấn đề sử dụng thuốc BVTV, cứ tới đợt là phun, do đó môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Lúa không chủ động được đầu ra, hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.

Nông dân HTX Mỹ Thành Nam đã quyết tâm thay đổi điều đó. Từ năm 2009, các thành viên của HTX Mỹ Thành Nam đã sớm thực hiện canh tác lúa an toàn theo trình GlobalGAP. Sau đó, HTX còn thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ với Công ty ADC. Công ty cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào và bao tiêu lúa hàng hóa. Nông dân tham gia mô hình tuyệt đối tuân thủ các quy trình sản xuất, nhất là sử dụng thuốc BVTV theo khuyến cáo từ Công ty.

Theo đó, Công ty cung cấp phân bón hữu cơ Con bò sữa và thuốc BVTV (theo hai hình thức tiền mặt và nợ đến cuối vụ). Hiện nay, công thức bón phân kết hợp hữu cơ – vô cơ do Công ty hướng dẫn người dân đã mang lại hiệu quả cao. Theo công thức này, người dân dùng phân hữu cơ để thay thế hoàn toàn phân DAP, bón cùng liều lượng (DAP có giá cao hơn phân bón hữu cơ khoảng 800 - 900 nghìn đồng/bao). Theo tính toán, mỗi ha nông dân có thể tiết kiệm đến 1,7 triệu đồng tiền phân bón do đã thay thế 2 bao DAP (100kg).

Các cơ quan chuyên môn của tỉnh Tiền Giang và Cục Bảo vệ thực vật đã và đang thường xuyên kiểm tra, đánh giá để nhân rộng mô hình. Ảnh: Hữu Đức.

Các cơ quan chuyên môn của tỉnh Tiền Giang và Cục Bảo vệ thực vật đã và đang thường xuyên kiểm tra, đánh giá để nhân rộng mô hình. Ảnh: Hữu Đức.

Vụ đông xuân 2022, nông dân HTX Mỹ Thành Nam đạt lợi nhuận cao nhờ giá bán cao hơn thị trường 10% và chi phí phân bón thấp.

Mô hình "Cánh đồng mơ ước" được Công ty ADC triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh Tiền Giang cũng như tại ĐBSCL, đã mang lại nhiều hiệu ứng rất tích cực. Tiêu biểu nhất là công thức bón phân kết hợp vô cơ – hữu cơ của Công ty chuyển giao đã cho thấy tính thích nghi với tình hình giá phân bón leo thang trong thời điểm hiện nay. Từ đó, việc sử dụng kết hợp phân bón vô cơ – hữu trong canh tác lúa được nông dân hưởng ứng rất tích cực.

Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc HTX Mỹ Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho hay: Năm 2019, HTX liên kết đầu vào với Công ty ADC. Hiện nay, do tình hình phân bón tăng cao nên việc sử dụng phân bón hữu cơ thay thế DAP được nông dân quan tâm.

Hơn 130ha lúa của HTX các vụ vừa qua đều áp dụng phân hữu cơ kết hợp bón thay DAP. Bên cạnh đó, nhiều nông dân ở các xã bạn trong tỉnh, kể cả ở Đồng Tháp cũng nhờ HTX đặt hàng phân bón Con bò sữa của Công ty ADC. Tuy nhiên, mặt hàng này đang rất hút vì đang đầu vụ hè thu.

Trồng lúa chuẩn SRP

Kể từ vụ lúa đông xuân năm 2021 (tháng 11/2021) đến vụ hè thu năm 2022 (7/2022), mô hình canh tác lúa sử dụng thuốc BVTV an toàn sinh học theo chương trình ký cam kết giữa Cục Bảo vệ thực vật và Công ty TNHH ADC đã được triển khai tại Tiền Giang.

Nhân viên kỹ thuật của Công ty ADC chuẩn bị Drone phun thuốc BVTV trên cánh đồng thực hiên mô hình. Ảnh: Minh Đãm.

Nhân viên kỹ thuật của Công ty ADC chuẩn bị Drone phun thuốc BVTV trên cánh đồng thực hiên mô hình. Ảnh: Minh Đãm.

Bài liên quan

Mô hình mang tên gọi "Cánh đồng mơ ước" theo quy trình GlobalGAP và SRP với diện tích 100ha được thực hiện tại HTX Mỹ Thành Nam. Bước đầu, mô hình đã mang lại hiệu quả cao, người dân rất an tâm sản xuất. Theo đó, Công ty ADC đã cung cấp và hướng dẫn nông dân lựa chọn sử dụng các loại thuốc BVTV theo danh mục cho phép, các loại thuốc BVTV sinh học sử dụng an toàn với con người và thân thiện với môi trường tự nhiên. Các loại thuốc BVTV sinh học được sử dụng trong mô hình như Silsau 6.5, Vacin 5SL, Efphê 25EC.

Kể từ khi mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học trên lúa được triển khai, bà con nơi đây rất phấn khởi. Theo nông dân tham gia mô hình, Công ty ADC hợp tác với bà con nhiều năm, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân như: Được hỗ trợ giá, được bao tiêu đầu ra, lợi nhuận cao hơn, đảm bảo sức khỏe cho người dân...

Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Nam đánh giá: “Tham gia mô hình với Công ty ADC rất yên tâm. Công ty rất chú trọng khuyến cáo nông dân từ cách sử dụng thuốc BVTV đảm bảo an toàn, hiệu quả, thường xuyên cử nhân viên kỹ thuật xuống thăm đồng (7 - 10 ngày một lần).

Có sâu bệnh, Công ty cũng hỗ trợ phun thuốc bằng Drone với chi phí thấp. Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, hầu như cơ giới hóa hết. Ngày xưa, nông dân phải mang bình trên vai xịt thuốc. Bây giờ có máy bay không người lái nên nông dân không còn tiếp xúc với thuốc BVTV nữa, chỉ đi thăm đồng thôi, rất khỏe”.

Cần nhân rộng mô hình

Nói về các hoạt động của Công ty trong thực hiện mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường này, ông Nguyễn Hoàng Chi, Phó Giám đốc Marketing Công ty TNHH ADC cho biết: Công ty đầu tư chi phí đầu vào cho nông dân như lúa giống, phân bón, thuốc BVTV sinh học, công nghệ Drone (máy bay không người lái).

Đồng thời, tập huấn và hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả; có nhân viên kỹ thuật thường xuyên đi thăm đồng kiểm tra tình hình dịch hại để kịp thời cung cấp thuốc BVTV và hỗ trợ phun thuốc BVTV bằng Drone cho nông dân.

Nhờ có Drone phun thuốc BVTV, nông dân không còn trực tiếp tiếp xúc với thuốc BVTV. Ảnh: Hữu Đức.

Nhờ có Drone phun thuốc BVTV, nông dân không còn trực tiếp tiếp xúc với thuốc BVTV. Ảnh: Hữu Đức.

Cũng theo ông Chi, ở các vụ trước, Công ty ký hợp đồng và bao tiêu sản phẩm cho nông dân tham gia mô hình với giá cao hơn thị trường 10 - 15%. Từ vụ hè thu 2022, với diện tích sản xuất được công nhận chuẩn SRP, Công ty sẽ thu mua với giá cao hơn thị trường 15%.

“Qua làm việc, chúng tôi nhận thấy nông dân rất an tâm về khâu tiêu thụ lúa do không còn phụ thuộc vào đại lý. Công ty sẽ chốt giá ở thời điểm gần thu hoạch cao hơn thị trường từ 10% - 15%”, ông Chi cho biết.

Tính đến tháng 3/2022, Cục Bảo vệ thực vật đã tham gia ký kết với 12 doanh nghiệp thuốc BVTV về chương trình “Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả; phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó có Công ty TNHH ADC.

Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Thuốc BVTV (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết: Đây là mô hình sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả theo cam kết với Cục Bảo vệ thực vật. Theo báo cáo của Công ty ADC, mô hình này sử dụng thuốc BVTV sinh học lên đến 56%. Như vậy, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sinh thái đồng ruộng.

Việc sử dụng thuốc BVTV sinh học trong canh tác lúa đã giúp sản xuất ra gạo đảm bảo chất lượng, an toàn, đảm bảo các yêu cầu phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; đồng thời bảo vệ sức khoẻ cho nông dân, góp phần bảo vệ môi trường sống. Cũng theo bà Bùi Thanh Hương, mô hình mang lại hiệu quả về kinh tế, sức khỏe cho nông dân tham gia, do đó cần được phát triển và nhân rộng.

Theo cam kết đã được ký kết của các doanh nghiệp với Cục Bảo vệ thực vật về việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học giai đoạn 2021 - 2025: Mục tiêu đến năm 2025, tập huấn cho hơn 400.000 nông dân; 15.000 đại lý về hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả. Xây dựng hơn 1.300 bể chứa và bể lưu chứa, thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Triển khai xây dựng các mô hình trên lúa, hồ tiêu, cà phê, chè, cây ăn quả, cây rau với diện tích hơn 179.000 ha. Cùng với đó, cam kết mở rộng quy mô, phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng khoảng 23% đến năm 2025.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.