Lời Tòa soạn: Để xây dựng nền nông nghiệp xanh, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học là giải pháp tiên quyết nhằm sản xuất an toàn, hiệu quả, đồng thời 'nuôi dưỡng' hệ sinh thái. Tuy nhiên, hiện thực hóa chiến lược này đòi hỏi không chỉ có vai trò của ngành BVTV, mà cần sự quyết tâm vào cuộc, hành động một cách trách nhiệm của cả động đồng.
Vừa qua, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cùng đoàn công tác của Cục BVTV đã có buổi làm việc và kiểm tra thực tế các mô hình trình diễn thuốc BVTV sinh học trên đồng ruộng do Công ty TNHH Thương mại Tân Thành (Tân Thành) hợp tác với nông dân xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ).
Mắt thấy, tai nghe nơi tiên phong sử dụng thuốc BVTV sinh học
Ông Nguyễn Trường Thụ, Giám đốc kinh doanh khu vực Nam sông Hậu (Công ty Tân Thành) cho biết: Hiểu được những tâm tư, nguyện vọng của nông dân trên khắp ĐBSCL, Công ty đã tiến hành nghiên cứu và khảo sát thực tế, áp dụng trên hàng trăm điểm ruộng mẫu ở khắp các tỉnh ĐBSCL một quy trình mà chúng tôi gọi là “Sức mạnh sinh học”.
Qua những điểm áp dụng thực tế, cho thấy quy trình "Sức mạnh sinh học" đã mang lại cho nông dân kết quả như mong đợi, đó là: Giảm chi phí canh tác trên đồng ruộng, tăng năng suất lúa và quan trọng hơn là không ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp canh tác, sản phẩm làm ra giảm được dư lượng thuốc BVTV, an toàn cho người tiêu dùng, không gây độc hại môi trường.
Theo ông Thụ, Tân Thành là một trong những công ty đi đầu trong ngành thuốc BVTV ở Việt Nam triển khai mạnh mẽ đến bà con nông dân nhiều sản phẩm thuốc BVTV sinh học trên cây trồng. Đặc biệt nhiều năm qua, Tân Thành đã triển khai các mô hình trình diễn trên nhiều loại cây trồng sử dụng thuốc BVTV sinh học ở nhiều địa phương ĐBSCL, được nông dân đánh giá cao về kết quả.
Trong vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, Tân Thành đã triển khai chương trình trình diễn với diện tích 136ha. Vụ lúa hè thu 2022, công ty đang tiếp tục triển khai các mô hình trình diễn, hiện lúa giai đoạn đẻ nhánh, đẹp như tranh.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng lúa, anh Nguyễn Văn Nhiều ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) chia sẻ: “Thuốc BVTV sinh học hiệu quả từ từ chứ không như thuốc hóa học, phun thuốc hóa học vô là mình thấy rõ ràng ngay. Nhưng cũng tùy theo người nữa, nếu ai đã từng xài thuốc sinh học rồi thì họ sẽ biết, chủ động dự đoán và phòng trước, như vậy mới hiệu quả. Còn để đến khi sâu bệnh bùng phát, gây thiệt hại rồi dùng thuốc BVTV sinh học không mấy tác dụng”.
Theo anh Nhiều, trên cánh đồng của mình, anh chỉ sử dụng thuốc hóa học lúc ban đầu để diệt ốc và cỏ mầm, còn giai đoạn khi lúa được 45 ngày tuổi trở về sau thì sử dụng hoàn toàn 100% bằng thuốc sinh học để giúp rễ mọc sâu hơn, về sau ít đổ ngã, ít sâu bệnh, nhẹ chăm sóc hơn và giúp giảm chi phí từ 15 - 20%/vụ so với sử dụng thuốc BVTV hóa học.
“Ban đầu nghe nói thuốc sinh học tác dụng chậm, mà đắt tiền hơn thuốc hóa học tôi cũng e ngại. Nhưng giá vật tư càng ngày càng tăng, làm nhiều năm thấy sức khỏe giảm sút rõ rệt nên tôi tìm hiểu sâu hơn về thuốc sinh học, rồi dùng thử. Dần dần thấy an toàn, năng suất, hiệu quả, sản phẩm bán được giá cao nên tôi mạnh dạn đầu tư hết cho 10 ha của mình”, anh Nhiều giãi bày.
Còn anh Nguyễn Thanh Thức, nông dân ở ấp E1, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) canh tác 7 ha lúa cho biết: Quy trình "Sức mạnh sinh học" của Công ty Tân Thành đã không còn xa lạ với nông dân và được nhiều bà con trong khu vực tin tưởng áp dụng. Thực tế cho thấy, hơn 10 vụ lúa từ khi áp dụng quy trình, hiệu quả kinh tế và môi trường thể hiện rất rõ.
Anh Thức chia sẻ thêm, khi sử dụng thuốc BVTV sinh học của Tân Thành, đã góp phần giảm được chi phí sản xuất và tăng năng suất, cụ thể như sau: Đầu tiên ở khâu xử lý giống với Plastimula 1SL (Polyphenol chiết xuất từ than bùn và lá, vỏ thân cây xoài, liều lượng 20ml/10kg giống) trong giai đoạn trộn giống sẽ giúp lúa nẩy mầm mạnh, giảm lượng giống gieo sạ, giảm công cấy dặm, giảm 20% lượng phân bón, rễ phát triển và cây lúa sinh trưởng phát triển tốt.
Giai đoạn lúa đẻ nhánh, phun Plastimula (30 ml/bình 25 lít) giúp lúa đẻ nhánh nhiều, tăng số chồi hữu hiệu, bộ rễ trắng nhiều. Giai đoạn làm đòng phun Plastimula (30ml/bình 25lít) sẽ cho đòng to, làm tăng số hạt/bông, rễ lúa phát triển nhiều, chống đổ ngã về sau.
Giai đoạn trỗ lẹt xẹt, phun Chubeca 1.8SL (Polyphenol chiết xuất từ cây núc nác và lá, vỏ cây liễu) sẽ giúp lúa chủng ngừa 4 bệnh chính: Đạo ôn cổ bông, khô vằn, lem lép hạt và cháy bìa lá. Kết hợp với Plastimula 1SL ở giai đoạn này sẽ giúp lúa trỗ nhanh, trỗ tập trung, hạn chế tình trạng lúa bị nghẹn đòng và điều kiện bất lợi của môi trường. Về sau, lúa chín đồng loạt, thuận lợi khi thu hoạch.
Giai đoạn trỗ đều, phun lại sản phẩm Chubeca 1.8SL để giúp lúa chủng ngừa 4 bệnh hại, bảo vệ năng suất lúa. Giai đoạn cong trái me phun Lacasoto 4SP (Polyphenol chiết xuất từ cây hoa hòe, 1,5 gói 10 gram/bình 25 lít) giúp lúa vào gạo nhanh, kéo dài tuổi thọ lá đòng, lúa chín sớm hơn từ 3 - 5 ngày, tăng năng suất từ 500 kg/ha.
“Qua ghi nhận thực tế từ nhiều vụ sản xuất theo quy trình "Sức mạnh sinh học", tôi nhận thấy chi phí đầu tư giảm hơn so với trước đây, cây lúa khỏe, thiên địch trên ruộng lúa nhiều, ít sâu bệnh. Cụ thể như vụ đông xuân 2021 - 2022, ruộng kế bên ruộng tôi mức đầu tư thuốc BVTV theo canh tác truyền thống cho 1 vụ là 850.000 đồng/1.000m2, khi tôi áp dụng quy trình "Sức mạnh sinh học" thì chi phí đầu tư chỉ khoảng 615.000 đồng/1.000m2, đồng thời nhờ phun Lacasoto đã giúp lúa tăng năng suất trung bình khoảng 500 kg/ha, hạt lúa vàng sáng và dễ bán hơn. Thấy vậy, tôi đã tư vấn cho bà con xung quanh xóm biết đến quy trình này”, nông dân Nguyễn Thanh Thức cho biết.
Nuôi dưỡng hệ sinh thái
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV đánh giá, trong bối cảnh giá các loại vật tư tăng rất cao, trong đó có thuốc BVTV, nếu người dân cứ sử dụng theo thói quen, tập tính cũ thì chắc chắn sẽ lỗ.
Thay vì để nông dân nghĩ tới khi nào có sâu có bệnh mới tiến hành phun xịt, thì ngay đầu vụ, từ khâu giống phải lựa chọn ngay. Còn các khâu chăm sóc, kể cả thời kỳ sâu bệnh cũng không cần phải xử lý thuốc BVTV và khả năng phục hồi của cây lúa cũng như tốc độ sinh trưởng của các đối tượng sinh vật hại, đến một lúc nào đó nó sẽ tự giảm.
Nếu nông dân nắm được quy luật đó, nắm được điều tiết của cây lúa, khả năng phục hồi rất lớn của lúa lúc bước vào giai đoạn đẻ nhánh thì không cần phải sử dụng thuốc nữa.
Cũng theo ông Trung, ngành nông nghiệp địa phương và cả trung ương luôn khuyến cáo bà con cần theo dõi sát sao, thăm đồng thường xuyên và cân đối lại các hệ sinh thái trên đồng ruộng, giai đoạn nào mới là giai đoạn cần can thiệp bằng thuốc sinh học hoặc thuốc hóa học. Nếu làm tốt, sẽ giảm thiểu được sâu bệnh. Bên cạnh đó, vai trò của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng rất quan trọng. Phải nói cho người dân rõ và hiểu khi sử dụng thuốc BVTV sinh học và phân bón hữu cơ thì nó mang lại tác dụng gì?
Việc sử dụng thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ có thể chưa hiệu quả rõ rệt ngay lập tức, song nếu kiên trì áp dụng, sẽ kéo dài hiệu quả sang những vụ sau. Khi đó, nông dân sẽ thấy được lợi ích. Nếu phân tích được cho nông dân hiểu những mặt lợi trong việc sử dụng thuốc sinh học và mặt hại trong việc sử dụng thuốc hóa học, chính họ sẽ cân nhắc việc lựa chọn loại nào để sử dụng trên đồng ruộng của mình.
“Sắp tới, Cục BVTV sẽ tham mưu Bộ NN-PTNT, Chính phủ có những chính sách đẩy mạnh, ưu tiên hơn nữa việc đăng ký, sản xuất đối với nhóm thuốc BVTV sinh học để nhanh chóng đưa vào phục vụ cho sản xuất.
Những sản phẩm sinh học đã sử dụng có hiệu quả trong các mô hình sản xuất sẽ được đăng ký sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ sau này. Tuy nhiên, các sản phẩm này phải đúng các hoạt chất mà Cục BVTV đã khuyến cáo lựa chọn sau khi lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Qua đó, người dân có thể lựa chọn các sản phẩm cụ thể để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Cục BVTV sẽ là đơn vị đánh giá, kiểm tra sản phẩm nào tốt để khuyến cáo cho người dân sử dụng”.
(Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV)