| Hotline: 0983.970.780

Cảnh giác bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa

Thứ Năm 27/07/2023 , 15:35 (GMT+7)

Các địa phương cần giám sát chặt chẽ rầy lứa 5 để chỉ đạo phun trừ kịp thời, không để tỷ lệ rầy lưng trắng mang virus lùn sọc đen gia tăng.

Ông Nguyễn Quý Dương (thứ 2 từ trái sang), Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa mùa tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Quý Dương (thứ 2 từ trái sang), Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa mùa tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Trung Quân.

Ngày 26/7, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Trung tâm BVTV phía Bắc đã kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa vụ mùa 2023 tại tỉnh Nam Định và Thái Bình.

Tại tỉnh Nam Định, theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định và thực tế kiểm tra tại các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu…, lúa mùa đang sinh trưởng phát triển tốt, nhất là những diện tích lúa cấy. Hiện nay, rầy lứa 4 (chủ yếu rầy lưng trắng - môi giới truyền bệnh lùn sọc đen) đã bắt đầu nở với mật độ phổ biến 50 - 100 con/m2, cao 200 - 300 con/m2, tập trung ở các huyện phía Nam tỉnh.

Rầy lưng trắng lứa 4 sẽ nở rộ từ ngày 28/7 - 5/8, trùng với giai đoạn mẫn cảm nhiễm bệnh lùn sọc đen hại lúa. Theo kết quả phân tích, giám định virus lùn sọc đen từ ngày 1 - 25/7 tại Nam Định, có 30/294 mẫu rầy dương tính với virus lùn sọc đen (hơn 10%) tại các xã Hải Lộc, Hải Sơn, Hải An (Hải Hậu); Xuân Phương, Thọ Nghiệp (Xuân Trường), Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng)..., cao gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước 12/771 mẫu dương tính). Vì vậy, nguy cơ rất cao bùng phát bệnh lùn sọc đen hại lúa trong vụ mùa trong thời gian tới.

Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ tại Nam Định phổ biến rải rác, cao 0,5 - 1 con/m2, cục bộ 3 - 5 con/m2. Dự kiến, sâu non lứa 5 ra rộ từ 28/7 - 5/8.

Tại tỉnh Thái Bình, trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản gieo cấy xong diện tích lúa vụ mùa. Trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn đẻ rộ, trà lúa mùa đại trà đang giai đoạn bén rễ hồi xanh đến đẻ nhánh. Qua kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, rầy lứa 5 bắt đầu nở và sẽ gia tăng mật độ đến đầu tháng 8. Hiện tại, mật độ rầy cám tuổi 1 - 2 (chủ yếu là rầy lưng trắng) nơi cao 30 - 50 con/m2, cục bộ 100 - 150 con/m2, rầy trưởng thành mang trứng nơi cao 3 - 5 con/m2.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, tỷ lệ rầy lưng trắng mang virus lùn sọc đen tại Nam Định, Thái Bình khá cao. Tuy nhiên, áp lực bệnh chưa đáng ngại vì mật độ rầy lưng trắng không cao. Ảnh: Trung Quân.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, tỷ lệ rầy lưng trắng mang virus lùn sọc đen tại Nam Định, Thái Bình khá cao. Tuy nhiên, áp lực bệnh chưa đáng ngại vì mật độ rầy lưng trắng không cao. Ảnh: Trung Quân.

Từ đầu tháng 7 đến ngày 20/7, Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Bình đã gửi 85 mẫu rầy lưng trắng tới Trung tâm BVTV phía Bắc để giám định virus gây bệnh lùn sọc đen. Kết quả có 19 mẫu dương tính (hơn 22%), tập trung ở các huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Vũ Thư.

Bên cạnh đó, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Thái Bình, thời gian tới thời tiết tiếp tục nắng nóng kết hợp với ảnh hưởng của cơn bão số 1 trước đó nên nguồn rầy di trú sẽ tiếp tục được bổ sung trên đồng ruộng. Đây là nguy cơ truyền virus gây bệnh lùn sọc đen cho lúa vụ mùa nếu không được tổ chức phòng trừ kịp thời.

Ngoài ra, đợt sâu cuốn lá nhỏ gây hại cục bộ từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, có vùng mật độ lên tới hàng trăm con/m2. Sâu đục thân gây hại cục bộ trên trà lúa mùa cực sớm tại huyện Quỳnh Phụ.

Theo ông Nguyễn Qúy Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV, qua kết quả phân tích, giám định virus lùn sọc đen và kiểm tra thực tế trên đồng ruộng cho thấy, tại hai tỉnh Nam Định và Thái Bình tỷ lệ rầy lưng trắng mang virus lùn sọc đen khá cao. Tuy nhiên, áp lực bệnh chưa đáng ngại vì mật độ rầy lưng trắng không cao.

Bên cạnh đó, ngay từ vụ đông xuân 2022 - 2023, qua theo dõi và kết quả giám định các mẫu rầy lưng trắng mang virus, Cục BVTV và các đơn vị chuyên môn đã nhận thấy tỷ lệ rầy lưng trắng mang virus lùn sọc đen cao hơn cùng kỳ năm trước. Do đó, từ trong và cuối vụ đông xuân Cục đã cảnh báo các địa phương về nguy cơ gia tăng tỷ lệ rầy lưng trắng mang virus lùn sọc đen trong vụ mùa. Vì vậy đến hiện tại, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát và chỉ đạo phòng trừ từ rất sớm.

Cục Bảo vệ thực vật lưu ý các địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ rầy lưng trắng để phòng trừ kịp thời. Ảnh: Trung Quân.

Cục Bảo vệ thực vật lưu ý các địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ rầy lưng trắng để phòng trừ kịp thời. Ảnh: Trung Quân.

Ông Dương cũng lưu ý các địa phương, mặc dù áp lực bệnh lùn sọc đen chưa cao nhưng các địa phương không được chủ quan, lơ là. Những vùng có tỷ lệ rầy lưng trắng mang virus lùn sọc đen cao cần chỉ đạo người dân quyết liệt phòng trừ. Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn địa phương tiếp tục lấy mẫu rầy, mẫu cây lúa bị bệnh gửi về Trung tâm BVTV phía Bắc để giám định, từ đó đưa ra định hướng để chỉ đạo phòng trừ.

"Hiện tại rầy lứa 5 đang ở tuổi 2 - 3 và đang tiếp tục nở rộ từ nay đến đầu tháng 8/2023. Do đó, để tỷ lệ rầy lưng trắng mang virus lùn sọc đen không gia tăng, đảm bảo an toàn cho sản xuất. Các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo đơn vị chuyên môn và tăng cường thông tin tới người dân thường xuyên giám sát chặt chẽ diễn biến của rầy lưng trắng, kịp thời chỉ đạo phòng trừ. Thời gian phun trừ hiệu quả tập trung từ nay đến đầu tháng 8/2023", ông Nguyễn Quý Dương đề nghị.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Một xã vùng cao có 26 con trâu bò chết nghi do ung khí thán

NGHỆ AN Nhiều hộ dân tại bản Huồi Mũ của xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang hoang mang khi trâu, bò bỗng dưng chết hàng loạt.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.