| Hotline: 0983.970.780

Canh tác lúa thông minh giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Thứ Tư 06/12/2023 , 18:52 (GMT+7)

KIÊN GIANG Mô hình canh tác lúa thông minh giúp nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật

Để giúp nông dân thích ứng với những khó khăn trong canh tác lúa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và trung tâm khuyến nông các tỉnh triển khai chương trình “Canh tác lúa thông minh tại vùng ĐBSCL” vụ lúa hè thu năm 2023.

Canh tác lúa thông minh, nôn dân được các chuyên gia cùng cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp thăm đồng, thảo luận phân tích hệ sinh thái đồng ruộng và đề ra biện pháp quản lý dinh dưỡng, cách phòng trừ dịch hại phù hợp. Ảnh: Trung Chánh.

Canh tác lúa thông minh, nôn dân được các chuyên gia cùng cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp thăm đồng, thảo luận phân tích hệ sinh thái đồng ruộng và đề ra biện pháp quản lý dinh dưỡng, cách phòng trừ dịch hại phù hợp. Ảnh: Trung Chánh.

Tại Kiên Giang, mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (mô hình) được thực hiện tại xã Tân Hội (huyện Tân Hiệp) nhằm chuyển giao đến nông dân kỹ thuật canh tác mới thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Mô hình được thực hiện trên diện tích 2,5ha với 5 hộ dân của Hợp tác xã Tân Lập - Đập Đá tham gia.

TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, tham gia mô hình canh tác lúa thông minh nông dân được tập huấn và áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác lúa tiên tiến như "1 phải 5 giảm", quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), kỹ thuật tưới nước ướt – khô xen kẽ… nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế. Mô hình cũng áp dụng gieo sạ bằng máy sạ cụm với lượng lúa giống 60kg/ha, thấp hơn nhiều so với tập quán sạ lan (từ 140 - 160kg/ha) của nông dân, lúa phát triển đều, dễ chăm sóc.

Hộ ông Nguyễn Văn Công Minh (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp) tham gia mô hình cho biết, mô hình canh tác lúa thông minh áp dụng kỹ thuật bón lót đầu vụ và phân bón chuyên dùng trên lúa theo công thức của Công ty Cổ phân Phân bón Bình Điền nên cây lúa khỏe, phát triển tốt. Định kỳ, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và Hợp tác xã Tân Lập – Đập Đá phối hợp với nông dân thăm đồng, thảo luận, phân tích hệ sinh thái đồng ruộng và đề ra biện pháp quản lý dinh dưỡng, cách phòng trừ dịch hại phù hợp. Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng". Ruộng mô hình chủ động việc điều tiết nước theo nhu cầu của cây lúa, áp dụng quy trình tưới ướt - khô xen kẽ để tiết kiệm nguồn nước tưới, tạo điều kiện cho bộ rễ lúa phát triển mạnh, chống đổ ngã, thu hoạch dễ dàng.

Chi phí giảm, lợi nhuận tăng

Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, sạ cụm bằng máy ruộng lúa có mật độ thưa đều nên số chồi và số bông ít hơn so với ruộng sạ lan đối chứng. Tuy nhiên, nhờ bông lúa to và dài, số hạt chắc/bông cao hơn nên năng suất thu hoạch của ruộng mô hình cao hơn đối chứng 0,5 tấn/ha. Ruộng lúa không bị đổ ngã nên dễ dàng thu hoạch bằng máy.

Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ mang lại hiệu quả cao về kinh tế, mà cả về môi trường và xã hội. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ mang lại hiệu quả cao về kinh tế, mà cả về môi trường và xã hội. Ảnh: Trung Chánh.

Là hộ tham gia mô hình có năng suất cao nhất, đạt 6,9 tấn/ha, ông Hồ Trung Thu (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp) nhận xét: Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nên giá thành hạ, lợi nhuận tăng thêm. Cụ thể, ruộng mô hình có chi phí sản xuất là 20,2 triệu đồng/ha, thấp hơn so với ruộng đối chứng 3,3 triệu đồng/ha.

Trong đó, việc giảm giống, bón phân cân đối, hợp lý, giảm thuốc BVBT, giảm công lao động và tăng năng suất đã góp phần quan trọng trong việc hạ giá thành sản phẩm. Lợi nhuận trung bình đạt hơn 23 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 3,7 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Văn Thế, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ mang lại hiệu quả cao về kinh tế mà cả về môi trường và xã hội. Mô hình giúp nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi theo hướng áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất ở những vùng sản xuất khó khăn. Sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hợp lý nên giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Nông dân không đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa mà sử dụng chế phẩm sinh học phân hủy xenlulo để xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ hoặc thu gom trồng nấm, qua đó giúp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa.

Vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khi hậu tiếp tục được Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền duy trì, nhân rộng tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (ấp Phú Hòa, xã Tân Hội, huyên Tân Hiệp). Mô hình thực hiện trên diện tích 3ha, có 3 hộ nông dân tham gia (mỗi hộ 1ha), ứng dụng máy sạ cụm với lượng lúa giống gieo sạ 60kg/ha. Hiện lúa đang phát triển rất tốt, ruộng lúa thưa đều, lúa đẻ nhánh khỏe, nở bụi nhanh.  

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.