| Hotline: 0983.970.780

Cánh tay đắc lực giúp kiểm lâm bảo vệ rừng

Thứ Ba 15/10/2024 , 13:22 (GMT+7)

Sóc Trăng Tổ bảo vệ rừng được ví như cánh tay nối dài, là tai, mắt giúp lực lượng kiểm lâm bảo vệ, chăm sóc, phát triển hiệu quả rừng phòng hộ ven biển.

Giữ rừng thay cho chủ rừng

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 10.300ha rừng, trong đó phần lớn là rừng ngập mặn có chức năng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (gần 6.796ha), còn lại là rừng sản xuất và rừng đặc dụng khu bảo vệ cảnh quan huyện Mỹ Tú (khu Căn cứ Tỉnh ủy tại xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú). Do đặc thù tỉnh Sóc Trăng chưa thành lập Ban quản lý rừng ven biển nên hiện vẫn có gần 60% rừng đang được giao cho chính quyền địa phương quản lý.

Thành viên tổ quản lý, bảo vệ rừng tích cực cùng lực lượng kiểm lâm tuần tra, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ ven biển mới được trồng. Ảnh: Trung Chánh.

Thành viên tổ quản lý, bảo vệ rừng tích cực cùng lực lượng kiểm lâm tuần tra, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ ven biển mới được trồng. Ảnh: Trung Chánh.

Cụ thể, diện tích rừng phân theo chủ rừng và tổ chức được giao quản lý trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (năm 2023), gồm: các tổ chức kinh tế 2.947ha, đơn vị lực lượng vũ trang 224ha, Chi cục Kiểm lâm 904ha, hộ gia đình, cá nhân 323ha. Đặc biệt là còn 5.901 ha đang được giao cho các xã, phường quản lý.                                 

Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho biết, phần lớn diện tích rừng phòng hộ ven biển của tỉnh chưa được giao hoặc cho thuê, mà hiện do UBND cấp xã quản lý. Để bảo vệ tốt diện tích rừng đang quản lý, UBND cấp xã đã thành lập ra các tổ bảo vệ rừng. Từ năm 2015 đến 2023, được sự cho phép của UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với các tổ.

Các tổ bảo vệ rừng này sử dụng số tiền nhận khoán để phục vụ cho công tác tuần tra bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, thành viên của tổ bảo vệ rừng là những người sống gần rừng, có hoạt động sinh kế như đánh bắt thủy sản dưới tán rừng. Hầu hết mọi hoạt động có ảnh hưởng tới rừng, các thành viên tổ bảo vệ rừng là người phát hiện đầu tiên và báo cho cơ quan kiểm lâm và UBND cấp xã để ngăn chặn và xử lý kịp thời. Từ đó, diện tích rừng phòng hộ ven biển của tỉnh được bảo vệ tốt hơn.

Hàng chục tổ bảo vệ rừng đang hoạt động

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 19 tổ quản lý, bảo vệ rừng tại 11 xã, phường, thị trấn, với tổng số thành viên gần 210 người. Đây không chỉ là tai, mắt, mà còn là cánh tay đặc lực giúp lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển.

Các thành viên trong tổ bảo vệ rừng cũng chính là những người tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp cho những hộ dân sống gần rừng, ven rừng.

Các thành viên tổ quản lý, bảo vệ rừng được hỗ trợ phát triển các mô hình sinh kế dưới tán rừng, có nguồn thu nhập ổn định, tại điều kiện chuyên tâm tham gia bảo vệ rừng tốt hơn. Ảnh: Trung Chánh.

Các thành viên tổ quản lý, bảo vệ rừng được hỗ trợ phát triển các mô hình sinh kế dưới tán rừng, có nguồn thu nhập ổn định, tại điều kiện chuyên tâm tham gia bảo vệ rừng tốt hơn. Ảnh: Trung Chánh.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, đa số các thành viên trong tổ quản lý, bảo vệ rừng sống bằng nghề đi biển hoặc săn bắt thủy sản dưới rừng. Vì vậy, để họ gắn bó với rừng thì cần tạo các mô hình sinh kế dưới tán rừng cho họ nhưng không làm suy giảm diện tích rừng.

Thời gian qua, nhiều thành viên tham gia trong tổ quản lý, bảo vệ rừng đã được các chương trình, dự án của ngành nông nghiệp hỗ trợ về con giống, vật tư để phát triển các mô hình sinh kế ven rừng, dưới tán rừng, như nuôi vọp, ốc len, nuôi ếch, trồng rau màu… Việc triển khai các mô hình kinh tế đã giúp các thành viên có nguồn thu nhập ổn định, gắn bó với việc chăm sóc, bảo vệ rừng tốt hơn.

Nhờ vậy, mà nhiều năm qua tình trạng phá rừng hay lấn chiếm đất rừng không còn xảy ra, đa dạng sinh học của rừng ngày càng được bảo vệ và phát triển. Khi rừng ngập mặn ven biển được chăm sóc, phục hồi tốt sẽ nâng cao khả năng chống chịu trước sóng biển, gió bão, đời sống sinh hoạt và sản xuất của họ cũng sẽ được đảm bảo hơn.

Thông thường, tổ bảo vệ rừng tại địa phương sẽ chia thành từng nhóm khoảng 5-6 người, một tuần sẽ đi tuần tra từ 2 - 3 lần tại các khu rừng mà họ nhận trách nhiệm quản lý. Nếu trong khu vực có diện tích rừng ngập mặn mới trồng ở các bãi bồi, họ sẽ thay nhau chăm sóc, xem có cây nào bị yếu, chết thì thay hoặc những cây bị gió, sóng đánh đổ ngã dùng dây buộc vào cọc cố định cho thẳng lại.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất