| Hotline: 0983.970.780

Cành thanh long thành phân hữu cơ

Thứ Năm 09/12/2021 , 09:27 (GMT+7)

Từ trăn trở làm sao nâng cao giá trị trái thanh long, anh Võ Văn Khanh ở Bến Lức (Long An) đã không ngừng mày mò nghiên cứu và đã tìm ra câu trả lời.

Bỏ phố về quê làm nông

Tốt nghiệp đại học Kinh tế TP.HCM, sau gần 20 năm lăn lộn trong ngành tài chính - maketing, từng đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc một công ty du lịch tại Tiền Giang, anh Khanh vẫn quyết rẽ sang một hướng khác.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Bến Lức, một trong những địa phương có diện tích trồng thanh long khá lớn của tỉnh Long An, anh nhận thấy cây thanh long có nhiều tiềm năng để anh xây dựng sự nghiệp. Từ suy nghĩ đó, anh Khanh quyết định bỏ phố về quê để sản xuất và xây dựng thương hiệu cho quả thanh long tại địa phương.

Vườn thanh long được sản xuất theo chuẩn GlobalGAP của gia đình anh Võ Văn Khanh tại Bến Lức (Long An). Ảnh: Minh Sáng.

Vườn thanh long được sản xuất theo chuẩn GlobalGAP của gia đình anh Võ Văn Khanh tại Bến Lức (Long An). Ảnh: Minh Sáng.

Anh Khanh cho biết, năm 2019, trên diện tích đất 3ha của cha mẹ để lại đang canh tác thanh long theo kiểu truyền thống, anh quyết định “đập đi xây lại”, chuyển toàn bộ sang canh tác theo chuẩn GlobalGAP.

Mặc dù biết rằng là tay ngang trong lĩnh vực nông nghiệp, việc chuyển đổi sẽ rất nhọc nhằn, nếu không thành công rất khó ăn nói với gia đình. Tuy nhiên, với bản lĩnh người từng làm trong lĩnh vực tài chính và quyết tâm theo đuổi đến cùng ý tưởng của mình, anh “cắp sách” đi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình tiêu biểu trong và ngoài địa phương, tìm đến các Viện, trường để nắm bắt kỹ thuật và quy trình sản xuất.

Đồng thời, anh cũng tìm tòi những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả cao từ Internet để vừa áp dụng vừa cải tiến để phù hợp với vườn cây của gia đình.

Vườn thanh long của gia đình anh Võ Văn Khanh được cấp chứng nhận đạt chuẩn Global Gap. Ảnh: Trần Trung.

Vườn thanh long của gia đình anh Võ Văn Khanh được cấp chứng nhận đạt chuẩn Global Gap. Ảnh: Trần Trung.

Từ những nỗ lực không ngừng nghỉ, tháng 5/2021 toàn bộ diện tích thanh long của anh được chứng nhận đạt chuẩn Global Gap. Mặc dù ảnh hưởng phức tạp của Covid-19 nhưng nhờ sản xuất bài bản, khoa học, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn, thông qua đối tác là một công ty trái cây ở Cần Thơ, hiện những quả thanh long do anh sản xuất đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản...

Anh Võ Văn Khanh (bìa phải) giới thiệu sản phẩm thanh long đạt chuẩn hữu cơ của gia đình với các đối tác. Ảnh: Trần Trung.

Anh Võ Văn Khanh (bìa phải) giới thiệu sản phẩm thanh long đạt chuẩn hữu cơ của gia đình với các đối tác. Ảnh: Trần Trung.

Dẫn chúng tôi thăm vườn thanh long xanh mướt, nặng trĩu quả, anh Khanh chia sẻ, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP không khó, điều quan trọng là trong quá trình sản xuất phải đảm bảo quy định về sử dụng phân, thuốc và đảm bảo thời gian cách ly an toàn. Đặc biệt, trái thanh long thông qua chuyển đổi số phải được ghi lại nhật ký sản xuất để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Biến cành thanh long thành phân hữu cơ

Sản xuất thanh long theo chuẩn tiêu chuẩn GlobalGAP cũng có những đặc thù riêng, cái khó nhất là yếu tố đảm bảo vệ sinh môi trường. Bởi để đảm bảo năng suất cho cây, sau mỗi vụ thu hoạch bắt buộc phải tiến hành tỉa bỏ các cành già, cành bệnh, cành đã cho quả 2 năm… Việc đó sẽ tạo ra một khối lượng khá lớn xác bã thực vật và có thể là điều kiện tốt để nguồn bệnh hiện diện và phát triển gây hại cho cây trồng trong vườn nếu chúng không được xử lí tốt.

Cụ thể, bình quân một trụ thanh long mỗi năm cần loại bỏ từ 10 - 12kg cành không hữu dụng, cành bệnh, mỗi ha trồng khoảng 1.200 - 1.300 trụ, suy ra lượng cành cần được loại bỏ khoảng 12 - 15 tấn/năm.

Theo anh Khanh, trung bình 1 hecta thanh long/năm có khoảng 12 - 15 tấn cành không đạt yêu cầu cần loại bỏ là gánh nặng đối với môi trường nếu không áp dụng chế phẩm sinh học vào xử lý. Ảnh: Minh Sáng.

Theo anh Khanh, trung bình 1 hecta thanh long/năm có khoảng 12 - 15 tấn cành không đạt yêu cầu cần loại bỏ là gánh nặng đối với môi trường nếu không áp dụng chế phẩm sinh học vào xử lý. Ảnh: Minh Sáng.

Qua các biện pháp như chôn lấp, đốt,… không mang lại hiệu quả cao, anh suy nghĩ tại sao không biến chúng thành nguồn phân hữu cơ để trả lại dinh dưỡng cho đất, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư?

Xuất phát từ câu hỏi đó, một lần nữa anh tìm tới Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam để đề xuất ý tưởng và tìm câu trả lời. Qua sự tư vấn, hướng dẫn của Viện, anh đã tìm ra được phương pháp ủ cành thanh long thành phân bón chất lượng, vừa giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường, vừa tiết kiệm nhân công và tạo ra hàng chục tấn phân bón mỗi năm.

Anh Khanh hướng dẫn người dân địa phương quy trình ủ và bón phân từ cành thanh long. Ảnh: Trần Trung.

Anh Khanh hướng dẫn người dân địa phương quy trình ủ và bón phân từ cành thanh long. Ảnh: Trần Trung.

Chia sẻ bí quyết của mình anh Khanh cho biết, trước hết để biến cành thanh long thành phân thì phải tìm được chế phẩm sinh học phù hợp. Theo đó, do đặc thù nên đất của Long An nói riêng và ĐBSCL nói chung thường xuyên bị ngập nước, chưa kể là phèn chua nhiễm mặn... chính vì vậy các chế phẩm cần phải đẩy nhanh quá trình phân hủy, không bị tác động bởi thời tiết, khí hậu, số biến chủng vi sinh vật có lợi nhiều, phân bón tạo ra có hàm lượng dưỡng chất cao. Thứ hai, cành thanh long loại bỏ chủ yếu là già cỗi rất khô, cứng... cần phải có giải pháp băm nhỏ để việc phối trộn hiệu quả, rút ngắn quá trình ủ.

Được sự giới thiệu của Hội làm vườn tỉnh Long An, anh biết đến một loại chế phẩm đáp ứng được yêu cầu này. Theo đó, với 4 chủng nấm đối kháng trichoderma được phân lập và nhân nuôi bằng công nghệ cao phân tách bào tử nên chế phẩm này có khả năng phân hủy nhanh tàn dư hữu cơ. Sản phẩm còn có hàm lượng acid humic, acid fulvic rất cao với đặc tính vượt trội về cung cấp dinh dưỡng, tiêu diệt mầm bệnh.

Những cành trái thanh long bỏ đi, chỉ cần được cắt nhuyễn cho vào hố đã được lót bằng bạt nilon nhằm cách ly với môi trường đất nước hoặc trực tiếp vào gốc rồi cho chế phẩm vào ủ, sau 7 đến 10 ngày tiếp tục bổ sung chế phẩm, trung bình một kg chế phẩm có thể ủ được 3 đến 4 tấn phân bón. Sau hơn 1 tháng là có thể sử dụng được nguồn phân bón đã được ủ. Với cách làm này, giúp cây phát triển khoẻ mạnh bộ rễ và phòng chống bệnh hiệu quả, tiết kiệm được từ 30 – 40% lượng phân phải bón cho cây hằng năm.

Nhờ ứng dụng chế phẩm sinh học vào ủ cành thanh long không chỉ góp phần bảo vệ môi trường còn giúp cây phát triển khỏe và phòng chống bệnh hiệu quả, tiết kiệm được từ 30 – 40% lượng phân phải bón cho cây hằng năm. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ ứng dụng chế phẩm sinh học vào ủ cành thanh long không chỉ góp phần bảo vệ môi trường còn giúp cây phát triển khỏe và phòng chống bệnh hiệu quả, tiết kiệm được từ 30 – 40% lượng phân phải bón cho cây hằng năm. Ảnh: Trần Trung.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, địa phương có gần 2.100 ha thanh long sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, xây dựng mô hình điểm diện tích gần 842 ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kết hợp hướng dẫn nông dân sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, bẫy côn trùng, máy băm dây thanh long, ủ phân hữu cơ từ cành thanh long... làm cơ sở để cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

“Các mô hình đã từng bước giúp người nông dân quen dần với việc sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học, chế phẩm sinh học trong quá trình sản xuất thanh long nhằm cải tạo đất, tăng cường hoạt động của rễ giúp hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý một số nấm bệnh vùng rễ, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất, sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP.

Trong đó, mô mình băm cành và ủ phân hữu cơ từ cành nhánh thanh long là một trong những mô hình hay đang được nhân rộng bởi sử dụng chế phẩm sinh học phân hủy tốt xác bã hữu cơ, sau đó được sử dụng bón lại cho cây thanh long vừa tiết kiệm phân bón, quản lý nguồn bệnh còn có tác động tốt trong việc bảo vệ môi trường...” ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An chia sẻ.

  • Tags:
Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.