| Hotline: 0983.970.780

Cao điểm phòng trừ sâu, bệnh hại lúa mùa vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh

Chủ Nhật 28/08/2022 , 15:14 (GMT+7)

NAM ĐỊNH Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định đề nghị các địa phương trong tỉnh tổ chức đợt cao điểm phòng trừ sâu, bệnh hại lúa mùa vào cuối tháng 8, đầu tháng 9.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Nam Định, hiện tại, rầy lứa 5 (chủ yếu rầy lưng trắng) đã bắt đầu nở, mật độ phổ biến 300 - 500 con/m2, nơi cao 1.500 - 2.000 con/m2, cục bộ 3.000 - 4.000 con/m2; mật độ ổ trứng 7 - 10 ổ/m2, cao 20 - 30 ổ/m2 và sẽ tăng nhanh mật độ trong thời gian tới.

Dự kiến, rầy lứa 5 nở rộ từ 28/8 - 7/9, mật độ phổ biến 500 - 1.500 con/m2, cao 4.000 - 5.000 con/m2, cục bộ >1 vạn con/m2, phân bố trên diện rộng ở các huyện phía Nam tỉnh (các huyện phía Bắc tỉnh gây hại cục bộ), mức độ gây hại cao gấp 3 - 5 lần trung bình nhiều năm. Do đó, nếu không phun trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất.

IMG_3152

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nam Định, cuối thánh 8, đầu tháng 9 là thời điểm các loại sâu, bệnh gia tăng về mật độ. Do đó, nếu không phun trừ kịp thời sẽ gây ảnh hưởng lớn đến năng suất. Ảnh: Trung Quân.

- Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đang vũ hóa, mật độ phổ biến 0,1 - 0,2 con/m2, nơi cao 0,5 - 1 con/m2, cục bộ 2 - 3 con/m2; mật độ sâu và trứng phổ biến 5 - 10 con + quả/m2, nơi cao 20 - 30 con + quả/m2, cục bộ 50 - 70 con + quả/m2.

Sâu non lứa 6 sẽ nở rộ từ ngày 1 - 7/9, mật độ sâu phổ biến 15 - 30 con/m2, nơi cao 50 - 100 con/m2, cục bộ 150 - 200 con/m2, gây hại rộng trên các trà lúa. Đây là lứa sâu gây hại chính trong vụ, sâu ra rải, phân bố không đồng đều giữa các trà lúa, gây hại bộ lá đòng và lá công năng của cây lúa.

- Sâu đục thân 2 chấm mật độ rải rác, nơi cao 0,5 - 1 con/m2, cá biệt 2 - 3 con/m2 tuổi 3, 4, 5. Sâu non gây hại nặng trà lúa trỗ trước ngày 10/9 và sau 20/9, nơi có nguồn sâu cao.

- Bệnh khô vằn đã xuất hiện và phát triển trên tất cả các trà lúa, tỷ lệ bệnh phổ biến 3 - 5%, cao 7 - 10%, cục bộ >30%; mức độ gây hại cao hơn cùng kỳ năm trước. Bệnh sẽ tiếp tục lây lan mạnh trên các trà lúa từ nay đến cuối vụ.

- Ngoài ra, lúa cỏ (lúa ma) đang tiếp tục phát sinh và gây hại với mức độ cao hơn cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình trên, để bảo vệ an toàn sản xuất vụ mùa 2022, Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định đề nghị Phòng NN-PTNT các huyện; Phòng Kinh tế Thành phố; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố; Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn trong toàn tỉnh thực hiện tốt những việc sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân kiểm tra đồng ruộng, tự phân loại các trà lúa để có biện pháp chăm sóc, bổ sung phù hợp. Lưu ý, không bón phân urê khi lúa ôm đòng - sắp trỗ để giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu, bệnh cuối vụ, nhất là bệnh bạc lá trong điều kiện gặp mưa to, gió lớn...

- Tổ chức đợt cao điểm phòng trừ dịch hại: Phun trừ rầy lứa 5 tập trung từ ngày 30/8 - 6/9 cho những diện tích có mật độ rầy ≥ 30 con/khóm (1.000 con/m2), những diện tích có mật độ rầy cao phun đầu lịch phòng trừ. Sau 3 ngày phun thuốc, nếu mật độ rầy còn trên 30 con/khóm (1.000 con/m2) phải phun lại.

- Phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 tập trung từ ngày 1 - 7/9 cho những diện tích có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên. Sau phun 5 ngày, nếu mật độ sâu sống ≥ 50 con/m2 cần phải phun lại.

IMG_8480

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nam Định đề nghị các địa phương trong tỉnh, tập trung bám sát đồng truộng, tổ chức đợt cao điểm phòng trừ dịch hại vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Ảnh: TL.

- Đối với sâu đục thân 2 chấm lứa 4: Phun thuốc khi lúa bắt đầu trỗ (trỗ 1 - 5% số bông) cho những diện tích có mật độ ổ trứng ≥ 0,2 ổ/m2. Nơi có mật độ trứng ≥ 1 ổ/m2 phải trừ kép (lần 1 khi lúa thấp tho trỗ, lần 2 sau lần 1 từ 5 - 7 ngày).

- Đối với bệnh khô vằn: Phát hiện và phun trừ cho những diện tích bệnh chớm xuất hiện hoặc đã phun nhưng bệnh chưa dừng.

- Đối với bệnh bạc lá: Hiện nay chưa có thuốc đặc trị, vì vậy không nên phun thuốc để phòng trừ bệnh này. Nếu phát hiện bệnh, cần giữ đủ nước trong ruộng và không nên bón phân hay phun thuốc kích thích sinh trưởng.

- Đối với lúa cỏ (lúa ma): Phát động nông dân nhổ bỏ lúa cỏ, cắt bỏ những bông lúa cỏ giai đoạn lúa làm đòng - trỗ bông đem tiêu hủy hoặc làm thức ăn cho gia súc; không được để lúa cỏ trên ruộng, bờ ruộng, kênh mương, tránh để hạt cỏ rụng xuống đất, lây nhiễm cho vụ sau.

- Đối với chuột: Tích cực tiêu diệt bằng biện pháp thủ công như đào bắt kết hợp với các loại bẫy; tuyệt đối không dùng điện và các biện pháp dễ gây nguy hiểm cho người, vật nuôi để diệt chuột.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định lưu ý: Do rầy nở sớm hơn sâu cuốn lá nhỏ nên những diện tích có mật độ rầy cao cần phải phun trừ kịp thời. Nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng một lúc, có thể phối hợp các loại thuốc nhưng vẫn giữ nguyên nồng độ của mỗi loại. Khi sâu cuốn lá nhỏ và đục thân cùng xuất hiện, chỉ cần sử dụng thuốc trừ sâu đục thân khi lúa bắt đầu trỗ sẽ trừ được cả 2 đối tượng. Trong thời gian 4 giờ sau phun gặp mưa phải phun trừ lại.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.