| Hotline: 0983.970.780

Cao Lãnh với 3 nội dung trọng tâm

Thứ Năm 17/04/2014 , 07:00 (GMT+7)

Thời gian qua TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) tập trung mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân qua việc xây dựng NTM.

PV Báo NNVN có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải (ảnh), Chủ tịch UBND TP. Cao Lãnh về chương trình này.

09-41-00_nh-1-ong-le-thnh-hi-chu-tich-ubnd-tp-co-l-nh-dong-thp

Nổi bật công tác tuyên truyền

TP. Cao Lãnh đã đạt được những kết quả nổi bật gì trong quá trình xây dựng NTM, thưa ông? 

Là một TP trung tâm, qua 3 năm thực hiện xây dựng NTM, Cao Lãnh đã lựa chọn cách làm phù hợp, tạo bước chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Trong đó nổi bật là công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng, bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Cao Lãnh đã tổ chức 3.464 đợt, thu hút 105.089 lượt người tham dự thông qua các buổi họp, hội nghị, hội thảo và các cuộc thi tìm hiểu về NTM. Phát động phong trào thi đua "TP. Cao Lãnh chung sức xây dựng NTM" với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Nhờ đó, cán bộ đảng viên và toàn thể nhân dân TP đều hiểu được nội dung, mục tiêu, ý nghĩa và giải pháp thực hiện xây dựng NTM. Để bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống người dân cải thiện, TP lựa chọn 3 nội dung trọng tâm là đầu tư hạ tầng nông thôn, quy hoạch vùng SX hàng hóa tập trung và ưu tiên nguồn vốn cho phát triển SXNN.

"Mặc dù mới bắt tay vào xây dựng NTM nhưng với sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay Cao Lãnh đã đạt được những thành tích đáng kể. Đặc biệt, xã  Hòa An là 1 trong 3 xã của cả nước được Chủ tịch nước bảo trợ trong xây dựng NTM và cũng là một trong 30 xã điểm của tỉnh, đến nay đã đạt 14/19 tiêu chí. Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm 2014, Hòa An sẽ hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM", ông Lê Thanh Hải.

Qua ba năm triển khai xây dựng NTM, nhận thức của cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM ngày càng được nâng cao. Các công trình hạ tầng KT-XH được tăng cường đầu tư bằng các nguồn vốn Trung ương, địa phương và nhân dân đóng góp, góp phần thúc đẩy phát triển SX, giao lưu, trao đổi hàng hóa, từng bước làm thay đổi rõ rệt bộ mặt ở vùng nông thôn ven TP.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, công tác xóa đói giảm nghèo và chăm sóc sức khỏe người dân ở địa phương tăng lên không ngừng. Môi trường sống ngày càng được bảo đảm. Hệ thống chính trị được tăng cường, dân chủ cơ sở được phát huy, vị thế của người nông dân ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Cụ thể, xây mới được 9 cây cầu, sửa chữa 32 cây cầu, 6 cống tròn, nâng cấp tu sửa 8,3 km đường, rải đá chống lầy 13,3 km, nạo vét 7 tuyến kênh mương dài 10,5 km và mắc mới 3 tuyến điện chiếu sáng. Vận động nhân dân hiến đất với tổng giá trị hơn 14,4 tỷ đồng và hơn 1.000 ngày công lao động; xây dựng hơn 30 căn nhà tình thương với tổng giá trị 5,1 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo. Vận động mạnh thường quân hỗ trợ được 3.333 suất quà cho hộ nghèo, người bệnh với tổng số tiền là 631 triệu đồng. Công tác khám và chữa bệnh cho hộ nghèo được 1.167 lượt.

Ba yếu tố nền tảng

Xin ông cho biết kinh nghiệm trong xây dựng NTM của TP. Cao Lãnh?

Xây dựng NTM, về nguyên tắc trước tiên đó là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm và quyền lợi thiết thực của mỗi người dân, trong đó Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí. Đây là chương trình phục vụ chính người dân nên người dân phải là chủ thể xây dựng; UBND cấp xã làm chủ đầu tư. Trong quá trình thực hiện, từ cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và mọi người dân cần phải nhận thức đúng đắn yêu cầu đặt ra để chung tay xây dựng.

Trong xây dựng NTM thì Đồ án quy hoạch, Đề án xây dựng NTM và Đề án phát triển SX chính là 3 yếu tố nền tảng. Khi triển khai thực hiện chương trình, Thành ủy, UBND TP đã có kế hoạch và sắp xếp thứ tự những tiêu chí nào phù hợp, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân ưu tiên làm trước, còn vấn đề cần đầu tư tài chính nhiều phải vận động và nhờ nguồn lực của tỉnh. Cùng với đó là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân, biết khơi dậy tiềm năng, nêu cao tính tự chủ và năng động ở cơ sở. 

09-41-00_nh-2-xy-dung-gtnt-o-x-ho-n
Xây dựng đường GTNT ở xã Hòa An, TP. Cao Lãnh

Trong SX hàng hóa, phát huy lợi thế của địa phương lựa chọn cây trồng vật nuôi phù hợp. Cùng với đó thực hiện mối liên kết “4 nhà” trong quá trình SX từ nguyên liệu, chế biến và xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Khi liên kết bền chặt tạo được chuỗi giá trị SX nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân và thu hút nhiều lao động tham gia đảm bảo bền vững.

Thuận lợi và khó khăn của Cao Lãnh trong xây dựng NTM là gì?

Chúng tôi cũng đã xác định, Cao Lãnh có những thuận lợi cơ bản. Chẳng hạn như các công trình công cộng đã có tương đối đầy đủ; nông dân cần cù, chịu khó, luôn khát vọng làm giàu; đội ngũ cán bộ trẻ xốc vác công việc. Nếu tạo được lòng tin tuyệt đối và sự đồng thuận cao thì công cuộc xây dựng NTM của địa phương sẽ thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng vào cuộc.

Nói là vậy, nhưng thực tế khó khăn và thách thức vẫn còn nhiều. Diện tích đất SX nhỏ lẻ, manh mún nên gặp nhiều khó khăn trong vận động nông dân tham gia các mô hình SX hợp tác. Cơ sở hạ tầng nông thôn hiện nay xuống cấp cần phải đầu tư để đạt chuẩn, trong lúc chi phí cho phát triển hạ tầng là rất lớn. Nhiều công trình mang tính bức xúc, cấp thiết nhưng vẫn chưa được đầu tư.

Điển hình phải kể đến là mức sống của người dân còn thấp. Về vấn đề này, Cao Lãnh đã sử dụng từ nguồn kinh phí khuyến nông, khoa học công nghệ tổ chức 23 lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật trồng và tiêu thụ xoài, nhãn, rau màu các loại và chăn nuôi an toàn sinh học, thủy sản. Tổ chức tọa đàm về liên kết SX và tiêu thụ xoài của các xã, hỗ trợ xây dựng hầm khí sinh học cho hộ chăn nuôi tại xã Hòa An. Thực hiện thí điểm mô hình SX rau an toàn, mô hình nhà lưới. Đồng thời thành lập HTX SX và tiêu thụ lúa giống Mỹ Trà, mở các lớp dạy nghề (kết cườm, đan lục bình, đan ghế nhựa) để tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Một chương trình thể hiện được lòng dân, ý Đảng với những mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, khả thi nhất định sẽ tạo ra sự đột phá cho nông nghiệp, nông thôn, đưa nông nghiệp, nông thôn Cao Lãnh lên một tầm cao mới, xứng đáng với tiềm năng và khát vọng của hàng chục ngàn người dân nông thôn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.