Túp lều bị vây quanh bởi những ngôi mộ
Ngôi nhà mà đúng hơn chỉ là túp lều tạm của họ bị vây quanh bởi những nấm mộ rất to và kiên cố khiến cho tôi tò mò hỏi. “Suốt mấy chục năm qua ông bà ở vậy không sợ à?”. Bà Trần Thị Hồng cười: “Có chi mà sợ? Toàn mồ mả của cha ông thôi mà”. Giữa một chiều cuối thu, bà kê ghế ngồi trước hiên nhà, mắt nhìn xa xăm, điếu thuốc lá Cẩm Lệ tự cuốn cứ bập bùng mãi trên môi.
Loại thuốc lá cuốn ấy nặng đến nỗi nếu ai không quen mà bập vào thì say ngã nhỏ cả nước miếng, nằm nửa tiếng vẫn chưa thèm tỉnh dậy. Bà bảo, ngày còn trẻ học theo các cô, các chị trong làng hút chơi; đến khi vào rừng, hút cho ấm bụng những buổi sáng mờ sương lạnh giá, những buổi chiều đông đi gỡ nò thu tôm, thu cá; giờ già rồi, hút cho vui miệng như một thói quen, mỗi ngày 15 - 20 điếu thế thôi.
Bỏ mặc những khách đường xa hiếu kỳ là chúng tôi ngồi trò chuyện, ông Nguyễn Ngọc Đáp đánh trần, da dẻ đỏ au au như đồng hun, con mắt còn lại cứ chăm chú vào cái búa, cái đinh để sửa chiếc thuyền nhỏ, chuẩn bị cho buổi chiều đi gỡ nò. Sửa xong, ông đứng dậy, cái dáng đi hơi chúi về phía trước như một con gấu - thói quen của bao nhiêu năm cầm sào, chống thuyền. Chiếc thuyền nhẹ nhàng vút đi giữa khu rừng Rú Chá sắc cây đã bắt đầu ánh lên màu đỏ cuối mùa lẫn ráng chiều cuối ngày chiếu vào.
Khu rừng đó 36 năm nay đã che chở cho ông bà, dù những khi đài báo giông bão to, dân trong làng bảo đi sơ tán họ cũng thường lắc đầu. Bữa hôm đó, tôi ngỏ lời muốn ngủ lại tại lều để trải nghiệm một tối ở rừng, nhưng bà Hồng bảo, trời sắp có bão Noru, nguy hiểm lắm, cháu không nên ở lại.
Họ có 10 người con, 48 đứa cháu và hơn 10 đứa chắt nhưng không một ai muốn tiếp nối “sự nghiệp” sống giữa rừng để bảo vệ nó cả. Âu đó cũng là một điều tiếc nuối bởi những năm tháng cuối đời đang đang sầm sập kéo tới, ông đã 77 tuổi, còn bà cũng đã 75 tuổi rồi. Chẳng mấy chốc nữa sức khỏe sẽ rời bỏ họ như ngọn đèn sẽ cạn dầu vậy…
Chuyện xảy ra vào cuối thời kỳ bao cấp, khi ấy cuộc sống của người dân thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, huyện Hương Trà (nay là TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) còn nghèo khổ lắm, không chỉ đói cơm mà còn rét nữa vì thiếu áo ấm và thiếu cả củi sưởi. Thấy người dân lâm vào cảnh như vậy, ông trưởng thôn hồi ấy đã cho phép họ vào rú Chá chặt cây lấy gỗ, đánh bắt chim, thú, cá, tôm làm thức ăn, đặng sống qua ngày.
Rú Chá là một khu rừng ngập mặn, cây cối rậm rạp, có những gốc cổ thụ cả vài người ôm không xuể, đã bao đời chở che cho người dân thôn Thuận Hòa. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rú Chá trở thành nơi che chở cho dân làng cùng bộ đội, thành nơi vây quân thù. Ngày chiến thắng thì người ta lại bạc đãi, tàn sát nó chỉ vì miếng cơm, manh áo trước mắt. Thấy cảnh ấy ông Đáp cảm thấy đau, thấy xót ở trong lòng và xin tình nguyện ra giơ tay mà bảo vệ rú Chá.
Nghe chồng bàn chuyện đó, bà Hồng lắc đầu, sợ hãi bảo: “Ra rú biết làm cái chi mà sống nổi rồi lại còn nuôi đám con cái nữa hả ông? Không khéo còn bỏ mạng ấy chứ.”. Ông Đáp ôn tồn: “Chẳng lẽ rú lại không có rau rừng, không có cá tôm để nuôi sống gia đình mình hay sao?”.
Biết tính ông nói là làm, bà lủi thu dọn vài cái bát cả lành lẫn sứt, mấy cái nồi móp méo chẳng còn nguyên vẹn hình dáng ban đầu. Ông thì đi chặt ít cọc tre để cùng mấy người con lớn vớt bùn đắp nền, dựng lên một cái lều, mái lợp bằng cỏ tranh, vách quây bằng ván tạp. Ban ngày cả gia đình đi đánh cá, bắt ốc, hái rau rừng về ăn, buổi tối họ thắp lên ánh đèn dầu leo lét nhỏ như con đom đóm giữa màn đêm mênh mông của rú Chá.
Được đâu chừng vài tuần, các con của ông bà thấy cám cảnh rừng núi hoang vắng, lắm muỗi, nhiều vắt, đường đi không có chỉ suốt ngày ngâm chân trong bùn đen, nước mặn, đứa lớn rủ đứa nhỏ trở về làng sinh sống (lúc đó mấy đứa đầu đã có gia đình - PV). Vậy là chỉ còn lại trơ trọi vợ chồng ông giữa rừng, đói no, đau ốm cùng nắm tay mà động viên nhau để vượt qua. Sống giữa mênh mông nước nhưng họ lại thiếu nước ngọt để uống nên phải hứng nước mưa, đến mùa khô thì vào làng gánh nước ra mà cầm cự.
Ngay cả bản thân họ hàng, chứ chưa nói đến dân làng cũng cười vợ chồng ông bởi chỉ có dở hơi mới không ở nhà làm ruộng mà lại ra nơi rừng hoang sinh sống. Nhưng tiếng họ nói, cười thì tai họ nghe thấy, bởi vợ chồng ông còn mải miết tối ngày mò cua, bắt ốc, hái rau rừng tận rú Chá chứ đâu có rảnh rỗi về làng mà nghe.
Sự hồi sinh của rừng
Rú Chá lúc đó như một cơ thể đã bị trọng thương, những cổ thụ bị chặt phá tan hoang, để lại những vết rìu, vết cưa đã đen bầm nhựa, chim thú bị săn bắn chẳng dám tìm về. Vợ chồng ông vừa sinh nhai vừa cần mẫn ngày ngày lội trong bùn nhặt hạt chá, hạt đước, hạt vẹt ươm thành cây con rồi lại lội trong bùn mà trồng dặm.
Ngày nối ngày, tháng nối tháng, năm nối năm, khi đôi bàn tay họ đầy những vết chai, vết sứt sẹo thì màu xanh đã trở lại với 5ha rừng ngập mặn rú Chá với hàng vạn cây chá, hàng ngàn cây quao. Lũ chim lại tìm về nhưng lúc này cánh thợ săn cũng rình rập theo sau. Vậy là ngày cũng như đêm, vợ chồng ông lặn lội từng bụi cây, từng lùm cỏ để tháo gỡ bẫy, để ngăn cánh thợ săn đừng có mà bắn chim, thú nữa. Bị cướp miếng cơm trước mắt, cánh thợ săn còn ném chất bẩn vào lều, đục thủng thuyền để trả thù nhưng ông vẫn nén giận, từ tốn giải thích cho họ ý nghĩa môi sinh của khu rừng. Cảm phục, họ dần nghe theo ông, chuyển hướng sinh nhai khác.
Khu rừng lại căng tràn sức sống, ưỡn ngực ra che chở cho dân làng trước những cuồng phong, gió bão. Lãnh đạo thôn lúc này không còn thấy vợ chồng ông Đáp là khùng, là điên nữa mà đã biết những ý nghĩa sâu xa của công việc họ làm, hỗ trợ cho mỗi năm 3 tạ thóc để lấy lương thực mà ăn, mà trồng thêm cây nữa. Nhưng vợ chồng ông hào sảng chỉ lấy 2 tạ lúa để sống còn 1 tạ cúng lại cho làng dành để lo việc chung. Đến năm 2000, không còn được trả công giữ rừng bằng thóc nữa nhưng họ vẫn không mảy may thay lòng, vẫn giữ gìn, bảo vệ rú Chá như giữ gìn con ngươi trong mắt của mình.
Bụng đã no rồi nhưng tiền thì vợ chồng ông vẫn không có. Đã nhiều lần túp lều của họ bị gió bão quật đổ mà vẫn không có kinh phí để dựng lên kiên cố một chút, chỉ vá víu chỗ mưa nắng qua ngày. Thời gian gần đây, chính quyền TP Huế cũng đã đầu tư xây chòi canh gác, xây con đường chạy len lủi những bạt ngàn thân chá, vợ chồng ông trở thành những kiểm lâm viên không biên chế túc trực 24/24.
Khi những người dân đô thị bị giam cầm trong những khối bê tông, sắt thép trở nên “đói” màu xanh thì rú Chá như một viên ngọc quý ở ngay trên địa phận thành phố Huế. Khách du lịch khắp Bắc, Trung, Nam đổ đến đây để chiêm ngưỡng cảnh sắc biến ảo khôn lường theo bốn mùa của cây cối.
Vợ chồng ông giờ đặt nò, giăng lưới bắt cá tôm nhưng không cần phải đem ra chợ bán nữa mà bán ngay cho khách du lịch và nấu cơm, phục vụ nước giải khát theo yêu cầu. Mỗi ngày trung bình họ cũng kiếm được dăm ba trăm ngàn, phần để sinh sống và phần để dự trữ khi tuổi già.
Lúc tôi đến, có mấy cái chòi được dựng bên “hòn đảo” nhân tạo là cái nền nhà của ông bà, ở đó có sẵn chiếu, màn cho khách nghỉ trưa, còn thức ăn đã có sẵn tôm, cá đang bơi lờ lững trong những cái giọ được treo tòng teo dưới nước. Và như những hướng dẫn viên nghiệp dư, họ còn lấy chính chuyện của mình 36 năm sống trong rừng để kể cho du khách. Chuyện của một thời lầm lỗi, con người đối xử với rú Chá một cách tệ bạc. Chuyện của thời nay, rú Chá đã hồi sinh như thế nào với hệ động, thực vật phong phú ra sao...
Rú Chá là tên của một khu rừng ngập mặn nguyên sinh vô cùng đặc biệt nằm tại làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15km. Đây là khu rừng ngập mặn duy nhất còn tồn tại trên phá Tam Giang - hệ đầm phá lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á.