| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện lúa hữu cơ và nông nghiệp xanh ở Đại Đồng

Thứ Ba 24/09/2024 , 06:18 (GMT+7)

Trên địa bàn huyện Thạch Thất, TP Hà Nội hiện có 2.135 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong đó ngành nông nghiệp quản lý 505 cơ sở.

Gặt lúa ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Gặt lúa ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Huyện Thạch Thất đã chọn xã Đại Đồng làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ đó, diện mạo của xã ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn được giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hiện ước đạt 100 triệu đồng/người/năm. Các mô hình thôn thông minh, tổ công nghệ số cộng đồng, giao tiếp thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ xã hội được hình thành và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp được quan tâm để làm nền tảng cho phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Quan điểm của huyện Thạch Thất là muốn đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ quản lý ở đằng ngọn tức phần chế biến, kinh doanh mà còn phải từ cái gốc sản xuất. Chính vì vậy mà việc áp dụng VietGAP, hướng hữu cơ và hữu cơ trở thành một xu hướng tất yếu nhằm vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vừa phù hợp với xu thế phát triển của ngành nông nghiệp Hà Nội xanh, an toàn và thân thiện với môi trường. Câu chuyện sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Đại Đồng là một ví dụ.

Tập quán canh tác lúa trước đây của nông dân ở Đại Đồng nói riêng và nhiều miền quê khác nói chung là sử dụng khá nhiều phân bón hóa học và thuốc trừ sâu hóa học gây ra tình trạng đất bạc màu, nông sản không đảm bảo an toàn, môi trường bị hủy hoại. Để thay đổi điều này huyện Thạch Thất đã triển khai mô hình "Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm" tại xã Đại Đồng trên quy mô 30ha với 192 hộ tham gia. Mục đích là nhằm tạo ra sản phẩm gạo an toàn, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng; tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho nông dân; là nơi tham quan học tập, làm tiền đề để nhân rộng phát triển mô hình, từng bước tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn chất lượng.  

Mô hình được thực hiện cơ bản theo đúng quy trình kỹ thuật, gieo cấy trong khung thời vụ theo chỉ đạo của Sở NN-PTNT Hà Nội và được bón bằng phân hữu cơ vi sinh. Thực tế cho thấy sản xuất lúa theo hướng hữu cơ năng suất không bị giảm đi mà còn cao hơn cách làm thông thường 0,56 tạ/ha, đạt 64,32 tạ/ha và hiệu quả kinh tế cao hơn 13 triệu đồng/ha. Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cũng góp phần cải tạo lý hóa tính của đất, giảm dư lượng các chất độc hại trong đất cũng như trong sản phẩm hạt gạo.

Anh Nguyễn Bùi Hải - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết Thạch Thất được quy hoạch là vành đai xanh của thành phố Hà Nội với 4.000ha lúa, 1.000ha rau màu, có nhiều tiềm năng trong việc phát triển nông nghiệp an toàn, có thể chuyển dịch sang hướng gắn với du lịch sinh thái ở các xã như Đại Đồng, Dị Nậu và một số xã miền núi. Sản xuất theo chuỗi từ cung cấp đầu vào đến đầu ra trước đây trên địa bàn cũng có một số mô hình ký kết với doanh nghiệp nhưng hiện chủ yếu vẫn là thương lái tiêu thụ bởi quy mô còn nhỏ và bán lẻ giá vẫn cao hơn giá bán theo hợp đồng nên không duy trì được.

Còn sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ tiêu chuẩn thì cao, phát sinh nhiều chi phí nhưng giá bán không có sự chênh lệch mấy so với sản xuất thông thường nên khó mở rộng, khó thu hút được nhiều nông dân làm theo. Hạt lúa hướng hữu cơ ở Đại Đồng cũng vậy.

Bài học kinh nghiệm là cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của các doanh nghiệp nông nghiệp. Chuyển dịch dần từ sản xuất vô cơ sang sản xuất hữu cơ cần có một quá trình. Do đó trong thời gian ngắn không thể thực hiện ngay được, cho nên sự kiên trì cũng như ủng hộ của bà con nông dân là yếu tố then chốt.

Từ kết quả mô hình sẽ thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô lớn hơn trong tương lai. Việc gắn kết với doanh nghiệp giúp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất lâu dài. Thạch Thất kiến nghị Sở NN-PTNT Hà Nội và các đơn vị trực thuộc tiếp tục hỗ trợ triển khai xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện trong các năm tiếp theo.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM TP Hà Nội

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.