| Hotline: 0983.970.780

Câu hỏi về giống rừng gỗ lớn

Thứ Hai 22/04/2019 , 08:31 (GMT+7)

Tổng diện tích rừng của Yên Bái hiện là 464.151 ha, trong đó có 218.548,2 ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ 63%...

13-06-38_1
Kiểm tra chất lượng cây giống. Ảnh: Trần Hồ.

Tổng diện tích rừng của tỉnh Yên Bái hiện có 464.151 ha, trong đó có 218.548,2 ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ 63%. Tuy nhiên, chất lượng rừng trồng và việc xây dựng những cánh rừng gỗ lớn thế nào là câu hỏi không dễ trả lời. Khảo sát một số cánh rừng chúng tôi nhận thấy: Yên Bái muốn làm cuộc cách mạng về rừng, đầu tiên phải xây dựng được các vườn giống tiêu chuẩn và quản lý chất lượng giống tốt…

Trấn Yên là một trong 4 huyện có diện tích rừng trồng lớn nhất tỉnh Yên Bái, thống kê diễn biến rừng đến giữa tháng 4/2019 có tổng diện tích rừng là 43.066,1 ha, trong đó có 8.698,9 ha rừng tự nhiên, 22.808,4 ha rừng trồng. Những xã có diện tích rừng trồng lớn: Lương Thịnh 2.468 ha, Hồng Ca 2.021 ha, Y Can 2.057 ha, Kiên Thành 2.829 ha, Việt Cường 1.419 ha…, chủ yếu 3 loại cây: keo, quế và tre Bát Độ lấy măng.

Khoảng hơn chục năm trở lại đây người dân Trấn Yên phần lớn trồng quế, tre Bát Độ, diện tích rừng keo, bồ đề đang dần thu hẹp. Tuy nhiên, cây nguyên liệu giấy vẫn được trồng và duy trì ở Cty Lâm nghiệp Việt Hưng, vùng phụ cận và những xã dọc tuyến quốc lộ, tỉnh lộ giao thông thuận tiện và có nhiều cơ sở chế biến.

Sở dĩ hai loại cây keo, bồ đề vẫn được người dân trồng là bởi tốc độ sinh trưởng nhanh, bán được giá, cây có đường kính từ 3cm - 5cm bán làm cây chống, gỗ băm dăm với giá bán 200.000 - 300.000đ/m3... Cây có đường kính từ 12 - 25cm bán cho các cơ sở SX ván bóc, ván ghép thanh giá từ 800.000đ - 1,6 triệu/m3, tùy loại, cây có đường kính càng lớn thì giá bán càng cao tới 1,8 triệu/m3.

13-06-38_2
Vườn ươm có đăng ký nguồn gốc. Ảnh: Trần Hồ.

Người dân trồng không theo một quy chuẩn hay kỹ thuật nào, trừ diện tích đất của Cty Lâm nghiệp Việt Hưng, các thành viên của Cty bắt buộc phải trồng đúng kỹ thuật 1.650 cây/ha, còn các hộ dân trồng vô tội vạ kể cả cây quế và cây keo, bồ đề. Mật độ trồng từ 7.000 - 10.000 cây/ha, họ lý giải: Trồng dày để hạn chế cỏ phát triển, sau 3 năm chúng tôi bắt đầu tỉa, quế thì bán lá, keo thì bán cây chống hoặc cho người làm ván dăm. Nếu trồng đúng kỹ thuật, đợi 6 - 7 năm mới được bán đối với cây keo, 15 năm đối với cây quế thì trong khoảng thời gian đó chúng tôi thu nhập bằng gì?

Người dân nói như vậy cũng có lý, nhưng đó là cái lý của những tiểu nông, kinh tế khó khăn. Còn những Cty lâm nghiệp và các hộ dân có điều kiện kinh tế thì họ nghĩ về trồng rừng gỗ lớn như thế nào? Trong bài viết này PV báo Nông nghiệp Việt Nam khảo sát một số hộ trồng rừng còn các Cty lâm nghiệp sẽ đề cập ở bài viết khác.

Xã Nga Quán chỉ có 148,2 ha rừng trồng theo thống kê, nhưng báo cáo của xã đến giữa tháng 4/2019 diện tích rừng trồng 135 ha/500 ha tổng diện tích toàn xã. Trong đó chỉ có một số hộ có diện tích rừng lớn, như: Phạm Thị Khuyên thôn Hồng Thái có 8 ha, Phạm Đình Đường, thôn Hồng Hà hơn 3 ha, Trần Đức Mạc 5 ha… Số hộ còn lại có khoảng 1 - 2 ha.

Nghĩ rằng diện tích rừng ít như vậy thì người dân sẽ trồng và chăm sóc rừng tốt hơn, cơ hội xây dựng rừng gỗ lớn rất cao. Nhưng thực tế không phải như vậy. Trao đổi với ông Phạm Thăng Long, Chủ tịch UBND xã Nga Quán, ông Long cho biết: Chúng tôi thấy rằng việc xây dựng rừng cây gỗ lớn là bài toán kinh tế có lợi cho người nông dân. Nhưng không hiểu sao những cây keo ở đây trồng 5 - 6 tuổi sắp được khai thác thì tự chết. Vì thế bà con không dám để quá 6 - 7 năm. Có gia đình cả rừng keo chỉ to bằng cổ chân đã chết hàng loạt, như thế làm sao bà con để tới hơn 10 năm được…

13-06-38_3
Rừng bồ đề của gia đình ông Phạm Thăng Long. Ảnh: Trần Hồ.

Nói rồi ông Long chỉ ra cây keo trước cửa UBND xã: Hàng keo chúng tôi trồng mới 6 năm, đã có cây tự chết khô kia. Tôi hỏi ông: Giống keo bà con mua ở đâu? Ông Long đáp: Bà con mua của những vườn ươm quanh đây thôi. Tôi hỏi tiếp: Những vườn ươm đó lấy giống ở đâu, nguồn gốc như thế nào thì ông Long lắc đầu không biết.

Tôi đến thăm khu rừng của gia đình ông Phạm Thăng Long, ông cho biết: Nhà tôi có hơn 7 ha, chủ yếu trồng keo, một số ít bồ đề và quế. Mật độ trồng khoảng 10.000 cây/ha, giống mua ở các vườn ươm quanh đây. Mua giống ở đâu tôi không nắm rõ, việc ấy bà nhà tôi lo còn tôi do công việc bận quá nên ít quan tâm. Vì thế không rõ chất lượng giống như thế nào…

Leo lên khu rừng nhà ông Long, rừng keo thì đã khai thác mới được trồng lại hơn một tuổi, mật độ quá dày, nhìn lá đủ thấy cây còi cọc nhất là giống cây không rõ nguồn gốc thì khó trở thành rừng gỗ lớn. Đi vào khu rừng bồ đề, tôi thấy nhiều cây keo to bằng cổ chân chết nằm ngổn ngang, cây cỏ rậm rịt ông Long nói: Keo và bồ đề chết nhiều, gia đình cũng chẳng muốn lấy về làm củi…

Nhìn rừng trồng nhà ông Long, đủ thấy đây là khu rừng tiêu biểu loại rừng quảng canh, không đầu tư và thiếu kỹ thuật, nhất là không đảm bảo chất lượng giống thì khó xây dựng thành rừng gỗ lớn.

Muốn có rừng cây gỗ lớn thì điều cốt tử và cũng là đầu tiên Yên Bái phải quản lý được chất lượng giống, nếu không chỉ là chuyện nói cho vui.

13-06-38_4
Gỗ rừng trồng thu mua làm ván bóc. Ảnh: Trần Hồ.
13-06-38_5
Cơ sở SX ván bóc. Ảnh: Trần Hồ.
Ông Đỗ Văn Hùng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trấn Yên: Việc quản lý các vườn ươm chúng tôi đã làm ráo riết, nhưng với rất nhiều lý do không ít vườn ươm nguồn gốc không rõ ràng. Khi kiểm tra, có hộ nói: Chúng tôi ươm để nhà trồng hoặc cho các gia đình anh em chứ có bán đâu. Các hộ xã Nga Quán có diện tích keo chết nhiều là họ mua giống từ các vườn ươm nguồn gốc không rõ ràng, hoặc mua trôi nổi với giá rẻ…

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất