| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng gỗ lớn - bền vững, lâu dài: Cơ hội đổi đời

Chủ Nhật 14/04/2019 , 09:37 (GMT+7)

Chỉ sau hơn 3 năm triển khai, đến nay Thanh Hóa đã trồng được trên 45 nghìn ha rừng gỗ lớn. Đây được xem là 1 trong 4 sản phẩm lợi thế của ngành lâm nghiệp Thanh Hóa, góp phần mang lại diện mạo mới cho miền tây xứ Thanh.

Dễ như… trồng rừng gỗ lớn

Một ngày đầu hè, nắng như đổ lửa rọi xuống hơn 5ha rừng keo gần 4 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Luyến ở bản 6, xã Xuân Thọ, huyện Như Thanh (Thanh Hóa). Gần chục người làm công đang giúp ông Luyến chặt tỉa những cây keo nhỏ, sâu bệnh; phát sẻ, thu dọn cành.

09-38-08_1
Dễ như... trồng rừng gỗ lớn (Ảnh: VD)

Những cây keo lực lưỡng được trồng theo hàng, theo lối trông rất bắt mắt. Con đường dẫn lên 12ha keo được đầu tư, san múc để xe tải trọng lớn có thể lên tận chân đồi vận chuyển, thu hoạch keo. Bình thường, như những lứa keo trước, lúc này ông Luyến đã thu hoạch nhưng lứa keo này ông đang chuyển hóa thành rừng gỗ lớn.

Chỉ vào vườn keo của hộ bên cạnh, ông Luyến phấn chấn hẳn: “Với tôi, chuyển hóa sang trồng rừng gỗ lớn không phải là chạy theo phong trào. Anh xem, vườn nhà cạnh bên, trồng keo với mục đích bán gỗ dăm, mật độ quá dày, cây khép tán, dưới đất rừng không có một tia ánh sáng xuyên qua; cây keo còi cọc, đã hơn 4 năm mà gốc không to hơn bắp chân là mấy.

Chỉ ít tháng nữa là họ thu hoạch để trồng lứa khác. Còn 5ha keo của gia đình tôi, trồng sau họ nửa năm, mật độ thưa, được chặt tỉa nên ánh sáng rọi xuống tận gốc. Chế độ chăm sóc rừng gỗ lớn cũng khác, cây được bón bổ sung phân nên lớn nhanh như thổi, chu vi gốc có cây đã tầm 60cm”.

Còn ông Quách Văn Phương, trưởng thôn Bản Đông, xã Xuân Thọ thì nói chắc như đinh đóng cột: “Trồng rừng gỗ lớn hiệu quả gấp 3 - 4 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Trước đây, tôi có gần 2,5ha keo thử nghiệm trồng rừng gỗ lớn. Do chưa tìm hiểu rõ nên 8 năm đã bán nhưng cũng được gần 350 triệu đồng. Trừ chi phí lãi ròng gần 250 triệu đồng. Nếu để đến 10 - 12 năm mới thu hoạch thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nhiều. Từ đó tôi quyết tâm chuyển dần 4,3ha keo sang rừng gỗ lớn”.

Theo lý giải của ông Phương, từ trước đến nay, dân bản vẫn trồng keo theo truyền thống. Mặc dù đã được khuyến cáo nhưng mật độ trồng vẫn ở mức 4.000 cây/ha. Tổng chi phí đầu tư trồng, phân bón, chăm sóc hết từ 30 - 35 triệu đồng/ha. Sau chu kỳ 5 năm xuất bán, tính ra lãi ròng chỉ được khoảng 30 - 35 triệu đồng/ha, tức là 6 - 7 triệu đồng/ha/năm.

09-38-08_2
Chặt tỉa tạo độ thông thoáng, giúp cây phát triển nhanh (Ảnh: VD)
Theo báo cáo của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2018, Thanh Hóa trồng mới 10.000ha rừng tập trung; sản lượng khai thác gỗ 550.000m3; tỷ lệ che phủ rừng 53,03%. Tỉnh đã xây dựng phương án quản lý và cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC cho 1.700ha rừng trồng; từng bước tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Hiện nay Thanh Hóa đang tập trung phát triển 4 sản phẩm lợi thế: Rừng gỗ lớn 45.500ha; luồng thâm canh 25.160ha; quế 850ha; khai thác dược liệu dưới tán rừng tự nhiên 94.000ha.

“Trồng rừng gỗ nhỏ rất tốn tiền giống vì mật độ trồng thường rất dày, cứ 4 - 5 năm lại trồng mới. Trong khi đó, trồng rừng gỗ lớn chu kỳ 10 - 12 năm sẽ giảm được ít nhất 1/2 tiền giống và nhiều chi phí khác so với trồng rừng gỗ nhỏ.

Nay thì dân bản học theo cách trồng của tôi rất nhiều. Mật độ trồng chỉ còn khoảng 1,3 - 1,5 nghìn cây/ha. Quá trình trồng còn được tỉa thưa, bón phân.

Dự tính đến thời điểm thu hoạch thì mỗi ha keo chỉ còn khoảng 1,1 - 1,3 nghìn cây là vừa. Sau chu kỳ 10 - 12 năm bán theo giá cây gỗ lớn sẽ cho giá trị hơn rất nhiều”, ông Phương cho hay.

 

Một cuộc cách mạng

Trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đang trở thành một cuộc cách mạng tại Thanh Hóa. Chỉ sau hơn 3 năm triển khai, tổng diện tích rừng gỗ lớn trên toàn tỉnh đã đạt trên 45 nghìn ha/160 nghìn ha rừng trồng (chiếm trên 28%).

Có được thành quả đó, ngoài sự thay đổi về tư duy, nhận thức của người trồng rừng còn có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền địa phương

Ông Trịnh Ngọc Lương - Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Sim cho biết, trong số 2.050ha rừng sản xuất do ban quản lý, giao khoán cho hộ dân trồng rừng thì hiện có 256ha trồng rừng gỗ lớn của hơn 82 hộ dân.

Trong đó, trồng mới là 99ha và chuyển hóa 157ha. Diện tích trồng, chuyển hóa rừng gỗ lớn tăng đều trong những năm qua. Nếu năm 2016 mới chỉ có 21 hộ trồng 74ha rừng gỗ lớn thì năm 2017 tăng thêm 25 hộ, 45ha và 2018 có thêm 36 hộ, 97ha. Diện tích còn lại hoặc khó chuyển thành rừng gỗ lớn hoặc hiện đang trồng luồng, thông...

“Chuyển biến trong nhận thức là điều quan trọng nhất, sau đó là những chính sách “mồi”. Lúc đầu, những hộ nhận khoán tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 500 kg NPK/ha (chuyển hóa) và trồng mới 390 kg/ha. Trong hơn 3 năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ 54ha trồng mới và 68,2ha chuyển hóa.

Nhưng sau này, nhờ thấy hiệu quả tăng rõ rệt, rất nhiều hộ đã tự đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Đó thực sự là một sự chuyển biến rất lớn trong nhận thức của người trồng rừng hiện nay”, ông Lương cho biết.

09-38-08_3
Rừng gỗ lớn mang lại cơ hội đổi đời cho miền Tây xứ Thanh (Ảnh: VD)

Ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Như Thanh cho biết thêm, trong tổng số 16 nghìn ha rừng trồng của địa phương thì hiện có 1,7 nghìn ha rừng gỗ lớn, trong đó có khoảng 6.000ha chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, việc trồng mới, chuyển hóa sang rừng gỗ lớn tại địa phương cũng có những khó khăn nhất định: “Trồng rừng gỗ lớn, hiệu quả kinh tế, giá trị môi trường là điều không cần phải bàn cãi. Tương lai, nếu rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ rừng quốc tế FSC thì hiệu quả còn cao hơn nữa. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là dù được hỗ trợ tập huấn và một phần kinh phí trồng rừng gỗ lớn điều kiện kinh tế của không ít hộ trồng rừng đang eo hẹp. Dù biết trồng rừng gỗ lớn hiệu quả nhưng chu kỳ dài khiến miếng cơm, manh áo hàng ngày của người trồng rừng chật vật”.

Phấn đấu có trên 55.000 ha

Ông Phạm Chí Dũng, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa cho biết: “Ngoài hiệu quả kinh tế tăng 2 - 2,5 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ thì việc trồng rừng gỗ lớn còn giúp giảm số lần khai thác, giảm được xói mòn đất, ô nhiễm môi trường được kiểm soát, thay đổi tư duy người dân và phát triển rừng theo hướng bền vững…

Để thúc đẩy, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, trong các năm 2016, 2017, 2018 từ ngân sách tỉnh và lồng ghép các chương trình dự án, mỗi năm UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ người trồng rừng hơn 50 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2020 Thanh Hóa có trên 55.000ha rừng gỗ lớn…”.

 

  • Tags:
Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất