| Hotline: 0983.970.780

Cầu Ngòi Phà bao giờ xây xong?

Thứ Năm 27/09/2012 , 10:08 (GMT+7)

Kể từ khi khởi công - tháng 5/2009, đến nay cầu Ngòi Phà vẫn chưa xong...

Trận lũ quét đêm 27/9/2005 đổ xuống Ba Khe đã san phẳng một khu dân cư xã Cát Thịnh và thị trấn nông trường Trấn Phú (Văn Chấn - Yên Bái), cướp đi 30 sinh mạng. Người dân mong ước có một cây cầu không chỉ giúp cho việc đi lại dễ dàng mà còn tránh cho nhiều gia đình sinh sống hai bên bờ suối khỏi lũ lụt. Thế nhưng, kể từ khi khởi công - tháng 5/2009, đến nay cầu Ngòi Phà vẫn chưa xong...

Cây cầu bắc qua 3 thời lãnh đạo

Mỗi khi nhắc lại trận lũ quét kinh hoàng đổ xuống Ba Khe đêm 27/9/2005 nhiều người dân nơi đây đều lắc đầu kinh hãi. Trận lũ quét đã cuốn bao nhiêu cây cối, rác rưởi từ trên rừng xuống lấp kín cửa cống đập tràn, con đập bỗng nhiên trở thành con đê làm nước duềnh lên cuốn phăng tất cả những ngôi nhà trên đường đi của nó. Tôi là một trong số nhà báo đầu tiên có mặt tại đây không khỏi hãi hùng trước một bãi đất trống hoác, nhiều ngôi nhà chỉ còn cái nền xi măng phẳng lỳ. Tiếng khóc than chồng mất vợ, con mất cha dậy đất. Một vùng đất chết chóc chỉ còn lại ngổn ngang đất đá và cây cối.


Trận lũ quét đổ xuống Ba Khe đêm 27/9/2005

Thể theo nguyện vọng của người dân, dự án xây dựng cầu Ngòi Phà do Cty khảo sát và thiết kế xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) thiết kế, ngày 18/3/2008 hồ sơ thiết kế được phê duyệt, cầu có chiều dài 54m, gồm 3 nhịp, mỗi nhịp 18m, đường dẫn lên hai phía đầu cầu dài 302m, đi qua hai khu vực dân cư ở hai phía đầu cầu, tổng kinh phí xây dựng là 14,577 tỷ. Tháng 5/2009 cầu Ngòi Phà được Cty CP Đạt Phương xây dựng, thời gian hoàn thành 15 tháng. Tuy nhiên, cho đến nay cầu mới hoàn thành phần bắc qua suối, còn đường dẫn lên hai phía đầu cầu thì vẫn tắc. Vì thiết kế thay đổi nên không giải phóng được mặt bằng. Khi hỏi một số người dân ở đây, nhiều người ngao ngán lắc đầu: Cây cầu bắc qua 3 thời lãnh đạo từ huyện đến tỉnh. Để hoàn thành cây cầu này chắc phải qua 3 thời lãnh đạo nữa may ra mới hoàn thành...

Loay hoay phương án thiết kế

Thiết kế đường dẫn lên cầu được phê duyệt ban đầu là đắp đất, mái ta luy độ dốc 1/1,5. Với lý do: “Để giảm bớt kinh phí đền bù, san tạo mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cho 95 hộ kinh doanh không phải di chuyển", ngày 20/6/2008, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Hoàng Trung Năng ký công văn số 235/CV-UBND gửi Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Yên Bái, Sở Giao thông đề nghị thay đổi thiết kế, từ đắp mái ta luy sang xây tường chắn đất đường dẫn lên hai phía đầu cầu. Ngày 21/7/2008 ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ký có công văn số 1457/UBND-XD gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị thay đổi thiết kế, cho xây kè chắn chân đập. Ngày 20/8/2008 Bộ Giao thông Vận tải có văn bản 61681/BGTVT-CQLXD đồng ý cho thay đổi thiết kế và yêu cầu bổ sung đường gom dọc hai bên cầu để phục vụ đi lại của người dân. Khi phương án thiết kế này vừa đưa ra thì vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân.

Ông Phạm Quang Triệu - Khu 2, thị tứ Ba Khe, bất bình cho biết: Khi đề nghị thay đổi thiết kế, chính quyền không tham khảo ý kiến người dân. Theo thiết kế này thì gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của chúng tôi. Cực chẳng đã chúng tôi phải kéo nhau lên huyện, lên tỉnh rồi về tận trung ương để kiến nghị trở lại thiết kế ban đầu...

Ngày 24/5/2010 UBND huyện Văn Chấn lại có văn bản đề nghị UBND tỉnh Yên Bái, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện phương án ban đầu đắp đất ta luy hệ số 1/1,5 đắp đến đâu thu hồi đất đến đó. Sau hơn 2 năm nhiều công văn dưới gửi lên, trên gửi xuống, cuối cùng Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho tỉnh Yên Bái thực hiện phương án thiết kế ban đầu. Một rừng giấy tờ, tít mù quanh lại vòng quanh, cuối cùng lại trở về phương án thiết kế ban đầu.


Cầu Ngòi Phà xây dở dang

Ngày 15/8/2012 UBND tỉnh Yên Bái có công văn số 1679/UBND-XD gửi các sở: Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường, Giao thông Vận tải đề xuất phương án giải quyết kiến nghị của nhân dân GPMB đường dẫn lên cầu Ngòi Phà. Ngày 22/8/2012 Sở Xây dựng nêu 2 phương án: Thu hồi toàn bộ đất các hộ dân hai bên đường dẫn lên cầu, san tạo mặt bằng rồi bán đấu giá quyền sử dụng đất; Thay đổi phương án thiết kế từ đắp ta luy hệ số 1/1,5 sang kè đứng. Ngày 28/8/2012 Sở Giao thông Vận tải có văn bản số 958/GTVT-QLĐTXD bác bỏ cả hai phương án đó, vì không có vốn và thiếu tính khả thi. Nghĩa là Sở Xây dựng đưa ra phương án... trên trời.

Cần xét tới lợi ích chính đáng của người dân

Trong lúc các ngành, các cấp của tỉnh Yên Bái đưa ra các phương án và “khẩu chiến” với nhau thì mùa mưa bão sầm sập kéo đến. Lũ trên Ngòi Phà tiếp tục uy hiếp cuộc sống người dân. Bà Đặng Thị Thêm - Khu 3, thị tứ Cát Thịnh, bức xúc: Vừa rồi lũ lên mấp mé bờ hè, tưởng như lũ quét năm 2005, cả nhà tôi cuống cuồng chạy hàng hoá và người. Đã mấy năm xây dựng cầu vẫn không xong, vì người dân không nhất trí việc đền bù. Nhà tôi sâu 12,7m xây cấp 4, nhà nước thu hồi 2,3m được đền bù 24 triệu, phần còn lại hỗ trợ 25 triệu, tổng cộng 49 triệu. Khi đường đi qua chắn mặt nhà tôi cao 4,3 m thì tôi sống thế nào? Bên thị trấn Trần Phú được đền bù 5m hành lang, còn bên xã Cát Thịnh thì không được đền bù là sao?

Bà Thêm dẫn tôi vào nhà ông Tống Văn Rật, ông Rật năm đã 72 tuổi đi lại rất khó khăn, nhưng để tránh nước lũ tràn vào nhà nên ông phải xây một bức tường chắn hai cửa đi cao gần 1m, ông chán ngán bảo tôi: Tôi phải xây thế này để ngăn nước lũ không tràn vào nhà. Khổ cho cái thân già này, mỗi lần ra vào nhà phải leo trèo là một lần khổ. Nhân dân mong cây cầu sớm xây xong để thuận tiện đi lại và những gia đình trong diện giải toả như gia đình tôi để ổn định cuộc sống. Nhưng việc đền bù không thoả đáng. Ví như một mét vuông tường mười, giá năm 2008 là 1,65 triệu, năm 2012 giá đền bù tụt xuống chỉ còn 1,4 triệu là sao?


Tường chắn vào nhà ông Tống Văn Rật

Gia đình tôi nhà nước lấy vào 14,9m2 cộng với số tiền đền bù do bị che khuất tầm nhìn được 208 triệu. Lúc đó nhà tôi như một cái hầm, muốn xây lên bằng với mặt đường thì 208 triệu ấy làm được gì? Còn ông Bùi Hữu Phụ thì lo lắng: Cứ mỗi lần mưa lũ gia đình tôi lại phải lo sơ tán. Cầu chưa xong đập tràn luôn bị tắc, nước lại dâng lên ngập vào nhà dân. Đất nhà tôi có sổ đỏ, nhưng giá đền bù lại bằng giá đất đền bù hành lang là sao? Điều đó khiến người dân không thể chấp nhận được...

Tỉnh Yên Bái đang tập hợp mọi ý kiến thắc mắc của người dân để tìm ra phương án giải quyết phù hợp giữa những quy định của luật pháp với lợi ích chính đáng của người dân. Cứ vào ngày 27/9 người dân thị tứ Ba Khe lại tổ chức cúng giỗ cho những người xấu số thiệt mạng trong trận lũ quét năm 2005 và cầu mong cây cầu Ngòi Phà chóng hoàn thành. Câu hỏi: Bao giờ cầu mới xây xong?

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.