Dẫn lời một chuyên gia hàng không, tờ Telegraph đánh giá: Việc sơ tán an toàn, nhanh chóng toàn bộ hành khách khỏi chiếc máy bay Nhật Bản cháy tại sân bay Haneda, Tokyo là bằng chứng cho thấy vật liệu hiện đại và các quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy nghiêm ngặt có thể bảo vệ hành khách như thế nào.
Andreas Spaeth, một nhà báo có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong ngành hàng không và đồng chủ trì một podcast nghiên cứu về các vụ tai nạn máy bay lịch sử, cho biết: “Đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong an toàn hàng không".
“Chiếc máy bay chật kín người. Vì vậy, mọi người thoát nạn an toàn quả là điều kỳ diệu. Chúng tôi chưa bao giờ thấy những vụ cháy từ thân máy bay làm bằng sợi các bon. Cấu trúc được giữ vững khá tốt sau va chạm”, ông nói thêm.
Mẫu máy bay Airbus A350 của hãng hàng không Japan Airlines va chạm hôm thứ Ba là dòng máy bay chở khách thân rộng, hai động cơ, một tầng, hai lối đi và được đưa vào sử dụng thương mại từ năm 2015. Đây là thế hệ máy bay Airbus đầu tiên trên thế giới sử dụng vật liệu polymer gia cường bằng sợi các bon cho thiết kế cả thân và cánh máy bay.
A350 có khả năng mang 250 đến 350 hành khách với cấu hình 3 hạng ghế và có thể mang theo tối đa 440 hành khách, tùy biến thể. Một số hãng hàng không quốc tế sử dụng A350 cho các hành trình đường dài, với hơn 570 chiếc đang hoạt động trên toàn cầu.
Theo công bố của hãng sản xuất Airbus, khung máy bay A350 được làm từ 53% vật liệu tổng hợp: Nhựa gia cố sợi các bon cho hộp cánh ngoài và trung tâm (bề mặt cánh, dầm, xà cánh), thân máy bay (vỏ, khung, dầm dọc và thân sau) và phần đuôi máy bay (đuôi đứng và đuôi ngang); 19% nhôm và hợp kim nhôm-liti cho khung sườn, dầm sàn và buồng càng; 14% titan cho càng đáp, giá treo và các phụ kiện; 6% thép; và 8% các loại vật liệu khác.
Giống như các mẫu máy bay khác, những vật liệu này phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn khắt khe, giúp hành khách có 90 giây để thoát hiểm trong trường hợp hỏa hoạn.
A350-1000 là biến thể lớn nhất của dòng A350, với chiều dài 74m, có sức chứa 350 - 410 hành khách trong cách bố trí 3 hạng ghế với tầm bay đạt được hơn 16.000km.
Đến tháng 11/2023, Airbus đã nhận 1.075 đơn hàng trên toàn cầu, trong đó có 16 chiếc A350-900 của Japan Airlines.
Vụ việc tại sân bay Haneda, Tokyo mới là lần đầu tiên một chiếc Airbus A350 bị phá hủy trong một vụ tai nạn.
Chiếc A350 liên quan đến vụ va chạm hôm thứ Ba đã hạ cánh xuống sân bay Haneda vào khoảng 17h45, giờ Tokyo (tương đương 15h45, giờ Hà Nội), trước khi va chạm với máy bay tuần duyên ngay khi nó chuẩn bị hạ cánh.
Chiếc A350 sau đó tiếp tục trượt về phía trước, với lửa và khói cuồn cuộn phía sau, trước khi dừng lại trong tư thế chúi về phía trước.
Toàn bộ 379 hành khách và phi hành đoàn an toàn sau va chạm, nhưng 5 người trên máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển đã thiệt mạng.
Một số đoạn video quay lại cho thấy, khói đã tràn vào cabin và hành khách thoát ra ngoài bằng các cầu trượt bơm hơi kéo dài từ hai bên máy bay. Ngay gần đó, bằng mắt thường có thể thấy ánh lửa màu cam bên dưới ít nhất một trong các cánh máy bay.
Phân tích về sự giải thoát thần kỳ của toàn bộ người trên máy bay gặp nạn, Andreas Spaeth nói: "Cùng với Boeing 787, Airbus A350 được chế tạo bằng sợi các bon thay vì nhôm. Bên trong cũng có những vật liệu mới nhất để bọc ghế, bọc tường, làm thảm.
Rất khó để biết những vật liệu này sẽ như thế nào trong một đám cháy lớn. Vì vậy, vụ va chạm như một sự xác nhận rằng các tiêu chuẩn thực sự đã làm rất tốt nhiệm vụ trì hoãn sự lây lan của lửa.
Chúng tôi đã chứng kiến nhiều tai nạn hàng không vào thập niên 1980, 1990. Khi hỏa hoạn xảy ra với máy bay, lửa luôn lan rất nhanh. Nhưng ở sự vụ này, phải mất một thời gian dài đáng kinh ngạc trước khi toàn bộ máy bay bốc cháy”.
Jan-Arwed Richter, người sáng lập và quản lý Cục An toàn Chuyến bay JACDEC tại Đức, đồng ý: “Mỗi máy bay hiện đại đều được thiết kế, sản xuất và chứng nhận để cho phép sơ tán an toàn trong vòng 90 giây. Tai nạn ngày hôm nay đã chứng tỏ ý tưởng này vô cùng hiệu quả”.
Nhiều chuyên gia khác cũng ghi nhận sự nhanh chóng, chuyên nghiệp của phi hành đoàn trên chuyến bay của Japan Airlines, vì đã đưa hành khách ra ngoài nhanh chóng mà không mang theo hành lý.