| Hotline: 0983.970.780

Cây ăn quả Bắc Giang hướng tới các thị trường khó tính

Thứ Ba 21/07/2020 , 08:38 (GMT+7)

Điều kiện tự nhiên thuận lợi chính là lợi thế quan trọng cho việc phát triển một nền nông nghiệp đa dạng với các cây trồng nhiệt đới của tỉnh Bắc Giang.

Tỉnh Bắc Giang có diện tích đất tự nhiên 389.558 ha, trong đó 147.800 ha phục vụ sản xuất nông nghiệp (78.408 ha trồng cây hàng năm; 50.979 ha trồng cây lâu năm). Ảnh: Phạm Hiếu.

Tỉnh Bắc Giang có diện tích đất tự nhiên 389.558 ha, trong đó 147.800 ha phục vụ sản xuất nông nghiệp (78.408 ha trồng cây hàng năm; 50.979 ha trồng cây lâu năm). Ảnh: Phạm Hiếu.

Vùng cây ăn quả trọng điểm

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang, tỉnh có vùng cây ăn quả tập trung đứng thứ 4 toàn quốc, với diện tích trên 50.000 ha. Trong đó diện tích trồng vải thiều 28.126 ha, chiếm 55,7% tổng diện tích cây ăn quả, sản lượng hàng năm đạt khoảng 150 - 160 nghìn tấn. Diện tích trồng cây có múi (cam, bưởi) trên 10.000 ha. Doanh thu từ cây ăn quả đạt trên 7.000 tỷ đồng/năm, trong đó thu từ vải thiều khoảng trên 4.500 tỷ...

Sản phẩm quả Bắc Giang được xuất khẩu vào thị trường truyền thống là Trung Quốc; các thị trường xuất khẩu yêu cầu tiêu chuẩn cao như Mỹ, Nhật Bản, EU…; và thị trường nội địa.

Trong những năm gần đây, tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ… Đặc biệt xác định cây ăn quả chủ lực có giá trị như: vải thiều, cây có múi (bưởi Diễn, cam Canh, cam Vinh...) được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.

Qua đó Bắc Giang đã thu được những kết quả cụ thể trong khâu sản xuất. Diện tích cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt trên 17.000 ha (gồm: vải thiều trên 15.000 ha, cây có múi gần 1.000 ha…), trong đó có 2.500 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP (chủ yếu là vải thiều) là 298 ha, trong đó có 80 ha vải thiều được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… ngày càng được mở rộng, chất lượng các loại quả đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Mỹ, Nhật bản, Úc, EU…

Mỗi năm, doanh thu từ cây ăn quả của Bắc Giang đạt trên 7.000 tỷ đồng/năm, trong đó thu từ vải thiều khoảng trên 4.500 tỷ/năm... Ảnh: Tùng Đinh.

Mỗi năm, doanh thu từ cây ăn quả của Bắc Giang đạt trên 7.000 tỷ đồng/năm, trong đó thu từ vải thiều khoảng trên 4.500 tỷ/năm... Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang, thị trường tiêu thụ cây ăn quả của tỉnh trong nước đạt 50%, xuất khẩu 50% sản lượng.

“Để mở rộng thị trường xuất khẩu đối với quả vải thiều nói riêng và các mặt hàng nông sản chủ lực tỉnh Bắc Giang nói chung, ngoài thị trường truyền thống Trung Quốc thì chúng tôi đặc biệt dành sự quan tâm tới thị trường các nước ASEAN, Mỹ, EU và đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Đối với thị trường các nước ASEAN, mặt hàng vải thiều đã được xuất khẩu tại các nước Thái Lan, Singapore, Indonesia”, ông Tặng cho biết.

Khó khăn, thách thức

Tuy đã có được những kết quả khả quan nhưng việc phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của tỉnh Bắc Giang vẫn vướng phải nhiều khó khăn, thách thức.

Quy mô sản xuất cây ăn quả còn nhỏ lẻ tập trung chủ yếu quy mô nông hộ (toàn tỉnh có trên 80 nghìn hộ sản xuất cây ăn quả). Số hộ tham gia HTX, Tổ hợp tác liên kết sản xuất chiếm tỷ lệ thấp nên sản xuất các sản phẩm nông sản chưa đồng đều về số lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Việc quản lý, sử dụng nhãn hiệu sản phẩm và truy xuất nguồn gốc còn hạn chế. Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền nhưng các hội, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp chưa khai thác, và phát huy tối đa lợi thế và giá trị của nhãn hiệu độc quyền.

Bên cạnh đó chi phí cho chứng nhận sản xuất VietGAP, GlobalGAP còn cao, diện tích được cấp giấy chứng còn chưa nhiều, liên kết trong sản xuất nói chung và sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP còn hạn chế và chưa bền vững, dẫn tới tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn.

Ngoài ra thông tin thị trường, quy cách và yêu cầu chất lượng hàng hóa và công nghiệp phụ trợ như đóng gói, sơ chế, chế biến, bảo quản chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn thiếu như đường giao thông, nhà máy sơ chế, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch… chưa được đầu tư đồng bộ.

Tuy đã có được những kết quả khả quan nhưng việc phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của tỉnh Bắc Giang vẫn vướng phải nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Tùng Đinh.

Tuy đã có được những kết quả khả quan nhưng việc phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của tỉnh Bắc Giang vẫn vướng phải nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Tùng Đinh.

Trao đổi với NNVN về hướng đi lâu dài cho việc phát triển cây ăn quả tại Bắc Giang, ông Đặng Văn Tặng cho hay: “Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản; sản xuất đủ các điều kiện để xuất khẩu vào từng loại thị trường theo yêu cầu của các nước. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ tập trung vào công tác bảo quản, chế biến, khâu tem nhãn, bao bì sản phẩm để đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn mà các thị trường xuất khẩu đưa ra.”

Xem thêm
Viện Chăn nuôi chuyển giao gần 9 triệu con giống năm 2024

Năm 2024, Viện Chăn nuôi đạt nhiều thành tựu lớn, chuyển giao gần 9 triệu con giống, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cao.

Buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vô cùng phức tạp, Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm

Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh biên giới Tây Nam quyết liệt ngăn chặn buôn lậu lợn và sản phẩm động vật trái phép, nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.